Nguyên nhân căn bản nhất khiến Việt Nam, mặc dù sở hữu tiềm năng cực lớn song vẫn nghèo là do có quá nhiều tham nhũng, từ vụn vặt cho tới những đại án kinh hoàng.
Liên minh Son – Vũ trong vụ AVG
Sai phạm trong thương vụ Mobifone – AVG (theo chỉ đạo, Mobifone đã mua lại 95% cổ phần của AVG với giá trị khống lên đến gần 9000 tỷ VNĐ, gây thất thoát tài sản nhà nước) là một ví dụ điển hình, mà nó chắc chắn phải có sự liên đới của nhiều quan chức cấp cao (thậm chí cao nhất) chứ không phải chỉ riêng hai ông cựu Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn.
Báo chí dẫn lời từ cơ quan điều tra cho hay, sau khi hoàn tất vụ mua bán, ông Phạm Nhật Vũ (cựu chủ tịch AVG, em trai tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng) đã đến nhà riêng để đưa cho ông Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD (tiền lại quả nhờ công chỉ đạo). Lúc bị bắt, ông Son khai đã chuyển hết số tiền đó cho con gái, khoảng 10 lần, nhưng con ông thì lại chối bay chối biến, khiến ngay đến lực lượng chức năng cũng không khỏi hoang mang. Trong tâm trạng “ăn năn hối lỗi”, ông Son đã thừa nhận hành vi của mình và làm đơn xin khắc phục hậu quả bằng cách nộp lại số tiền 500 triệu VNĐ trong tài khoản cá nhân.
Nhưng “giọt nước làm tràn ly”. Nhiều người nói ông Son đã quá coi thường dư luận và nhân dân khi nhận hối lộ tới 3 triệu USD (gần 70 tỷ VNĐ) mà chỉ xin nộp lại 500 triệu VNĐ. Nhưng xin thưa, con số 3 triệu USD đó hãy còn quá nhỏ bé, chỉ là tiền lẻ so với những bổng lộc mà người ngồi ghế bộ trưởng có thể kiếm được. Theo nhiều đồn đoán, ngay đến cấp phó của bộ trưởng – tức thứ trưởng (người hay thay mặt bộ trưởng ký các văn bản; mỗi bộ hoặc cơ quan ngang bộ lại thường có đến vài vị như vậy) – chỉ riêng quà cáp hàng năm (lễ tết, ma chay, cưới hỏi) cũng đã tiêu không hết tiền, rồi con cái họ du học nước ngoài cũng hay được các doanh nghiệp sân sau (hoặc có mối quan hệ thân tình, cộng sinh) đài thọ, …
Nhưng nghiêm trọng hơn, trong một hệ thống pháp lý thiếu minh bạch như ở Việt Nam, quan chức (cao cấp) rất dễ cấu kết với các thế lực kinh tài để hình thành những liên minh sân sau, cánh hẩu để trục lợi nhờ khả năng thao túng chính sách. Điển hình là bà Hồ Thị Kim Thoa – nguyên thứ trưởng Bộ Công thương – nhờ chức quyền nên đã tận dụng được cơ hội từ chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, cùng gia đình thâu tóm phần lớn cổ phần của Công ty Điện Quang, trị giá cả ngàn tỷ VNĐ. Vụ AVG vừa qua cũng không khác là bao, nếu Mobifone không phải do nhà nước chi phối cổ phần thì liên minh Son – Vũ (và chắc chắn là phải có thêm nhiều cái tên khác nữa) đã không thể dễ dàng đạo diễn đến vậy.
Bà Thoa và gia đình thâu tóm cổ phần của Điện Quang khá dễ dàng
Ở Việt Nam, các bộ ban ngành, dù ít hay nhiều thì cũng sống nhờ ngân sách (những siêu bộ có thể được cấp tới vài chục ngàn tỷ VNĐ/năm, tương đương hàng tỷ USD). Thông qua các dự án đầu tư xây dựng, chương trình hành động quốc gia, và tiếp nhận tài trợ nước ngoài … quan chức cùng ban bệ của mình thường có nhiều cơ hội chấm mút, xà xẻo … cho nên ai cũng muốn làm quan. Hệ thống chính trị của Việt Nam hiện đang duy trì khoảng 200 ghế Ủy viên Trung ương (ngang bộ trưởng) và có đến cả ngàn cơ quan, tổ chức, đoàn thể hưởng ngân sách … vừa không hiệu quả, lãng phí, tạo gánh nặng cho nền kinh tế quốc dân, đồng thời cũng là căn nguyên của tham nhũng.
Thời Pháp thuộc, chỉ với 20 triệu dân, tiềm lực kinh tế cũng nhỏ bé hơn ngày nay rất nhiều, chưa kể còn chịu sự bóc lột thậm tệ của chính quyền thực dân, nhưng người dân Việt Nam cũng đã làm được rất nhiều công trình hạ tầng “để đời” như đường sắt Bắc Nam, cầu Long Biên, … hiện vẫn tồn tại sau cả trăm nay. Thời nay, sau khi đã đánh đuổi hết mọi kẻ thủ xâm lược, đất nước được độc lập (về mặt chính danh), dân số đã ngót nghét 100 triệu người (thị trường hấp dẫn), được thiên nhiên ưu đãi (tài nguyên chắc chắn là hơn Nhật, Hàn, Đài Loan), đứng trước vận hội lớn của thời đại (Mỹ và các cường quốc đang rất ưu ái, muốn nâng đỡ Việt Nam), nhưng chúng ta lại đang loay hoay với bài toàn phát triển … khi chưa thể tự mình giải quyết những vấn đề dân sinh căn bản. Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông tại Hà Nội (vay vốn ODA của Trung Quốc) đã quá nhiều lần trễ hẹn do đội vốn, sai sót trong thi công; còn hệ thống Metro tại Sài Gòn (vay tiền Nhật) cũng chẳng khá hơn, thậm chí còn bị ông đại sứ nước bạn gửi thư phàn nàn do chậm thanh toán 100 triệu USD cho nhà thầu – điều nên được xem là nỗi nhục quốc thể.
Thời Pháp thuộc, bị bóc lột thậm tệ, nhưng người dân Việt Nam vẫn xây dựng được những công trình hạ tầng để đời như cầu Long Biên.
Đâu là lý do dẫn tới tình trạng đau lòng này. Có nhiều nguyên nhân, song căn bản nhất có lẽ nằm ở mô hình và thể chế chính trị mà chúng ta đang duy trì đã trở nên quá lạc hậu, tàn tạ, bất chấp nhiều nỗ lực tô vẽ, rao rảng. Một sự thay đổi lớn là cấp thiết và gần như không thể tránh khỏi. Cổ nhân từng nói: “Cùng tắc biến, biến tắc thông”, những gì không phù hợp với quy luật tiến hóa của tự nhiên (tức luật trời) chắc chắn sẽ bị đào thải, nhưng sẽ là phúc cho đất nước (tránh khỏi bể dâu, loạn lạc) nếu quá trình chuyển hóa ấy là “tự thân vận động”, không để các thế lực bên ngoài phải thò tay vào. Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment