Cập nhật tin tức nóng hổi

Thương Mobifone – AVG: Họ chính là những cán bộ thoái hóa biến chất!

Nếu chúng ta không xử lý nghiêm vấn đề thì sẽ tạo tiền lệ xấu trong công tác “đốt lò” những cán bộ tha hóa biến chất.

Mới đây, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã hoàn tất và tống đạt kết luận điều tra đại án Mobifone mua 95% cổ AVG. Cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn (đều là cựu bộ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông) vì những sai phạm liên quan đến thương vụ mua bán AVG.
Thương Mobifone – AVG: Họ chính là những cán bộ thoái hóa biến chất!
Hai cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông có tội lớn troing thương vụ AVG

Thương vụ mang tên “triệu đô”

Theo hồ sơ vụ án, quá trình thực hiện dự án đầu tư, Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm: dự án đầu tư chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone, vi phạm Luật đầu tư.

Phê duyệt dự án đầu tư khi chưa phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm Bộ Thông tin – truyền thông với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định dự án; quyết định phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật…

Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Bắc Son khai trong quá trình thực hiện dự án, ông Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị AVG, đã nhiều lần liên lạc, gọi điện thoại, nhắn tin để hối thúc mong muốn bán được sớm cổ phần.

Ông Son biết nhiệm kỳ bộ trưởng đến tháng 4-2016 là hết nên muốn có dấu ấn tạo ra cho Mobifone phải mua được mảng truyền hình của AVG trong năm 2015. Mặt khác, ông Son nghĩ nếu việc mua bán thành công thì cổ đông AVG sẽ cảm ơn ông bằng vật chất.

Sau khi hoàn thành dự án Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, ông Phạm Nhật Vũ đến nhà riêng ông Son tại phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đưa cho ông Son 3 triệu USD.

Ngoài ra ông Son còn thừa nhận vào dịp lễ, tết đã nhận tiền của ông Cao Duy Hải, cựu tổng giám đốc Mobifone, số tiền 200 triệu đồng dịp 30-4-2015 và 200.000 USD của ông Lê Nam Trà, cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone, dịp tết âm lịch 2016.

Đối với cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn thừa nhận quá trình thực hiện dự án đã được ông Phạm Nhật Vũ nhiều lần gọi điện thúc giục tạo điều kiện thực hiện nhanh. Sau khi hoàn thành dự án, ông Vũ đã đến phòng làm việc riêng của ông Tuấn đưa số tiền 200.000 USD.

Ngoài ra còn có các bị can Lê Nam Trà – cựu chủ tịch HĐTV Mobifone, hay bị can Cao Duy Hải – cựu thành viên HĐTV kiêm tổng giám đốc Mobifone..v..v.. cũng được xác định hành vi đưa nhận hối lộ con số triệu USD. Những sai phạm trên đã gây nguy cơ thiệt hại vốn nhà nước tại MobiFone hơn 7.000 tỉ đồng.

Họ phạm tội tham nhũng hay tham ô?

Cái đáng trách của Bộ Thông tin và Truyền thông ở đây là ngày 13/3/2018, Bộ này đã báo cáo Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ về thông tin hủy bỏ hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, ngày 14/3, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra, nhận định đây là sai phạm kinh tế rất nghiêm trọng, kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra.

Theo đó, AVG luôn khó khăn từ khi thành lập, giá trị vốn chủ sở hữu chưa đến 2.000 tỷ đồng nhưng Mobifone lại sử dụng kết quả thẩm định giá “thiếu tin cậy” của Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX) khi xác định lên tới hơn 16.500 tỷ đồng. Số liệu này được Mobifone dùng làm căn cứ mua 95% cổ phần. Trong khi từ lúc thành lập đến thời điểm thẩm định giá, AVG liên tục lỗ, số lỗ luỹ kế đến 31/3/2015 là hơn 1.632 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ)…

Nguy cơ hiện hữu gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại Mobifone khoảng 7.000 tỷ đồng. Đó là cơ sở để Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đưa thương vụ AVG vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Có một vấn đề mà mọi người đang băn khoăn là không biết những bị can bị xét xử theo tội danh tham ô hay tham nhũng? Bởi theo quan điểm của nhiều người, khoản tiền mà các nhân vật trong vụ AVG nhận không thể gọi là tiền hối lộ, mà chính là tiền chênh lệch giá mà họ ăn chia với nhau của hơn 7000 tỷ. Phải coi đó là tiền tham nhũng và xử theo tội tham nhũng.

Theo Luật Phòng chống tham nhũng 2018, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Còn, tham ô tài sản chỉ là một trong số các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước thực hiện.

Ngoài tham ô, còn có các hành vi tham nhũng khác như: Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi…

Như vậy, tham nhũng và tham ô là hai khái niệm khác nhau. Tham nhũng là cụm từ chung chỉ hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi. Trong khi đó, tham ô chỉ là một trong số các hành vi tham nhũng. Tức là, hai cựu Bộ trưởng dính vào tội tham nhũng như nhiều người nhận định.

Liên quan đến vụ AVG, sáng 4/9 vừa qua, tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Uỷ ban Tư pháp, ĐBQH Nguyễn Đức Sáu – nguyên Chánh toà Hình sự, TAND TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Trong điều tra tội phạm đã “phá” được những vụ án tham nhũng, đánh bạc lớn. Đặc biệt, có vụ đến giờ phút này, bị can thừa nhận đã nhận hối lộ tới 3 triệu đô la Mỹ thì giờ mới thấy, xưa nay không có. Đây là, kết quả của quá trình đấu tranh bằng nhiều kỹ năng, thu thập chứng cứ tốt, giỏi”.

Tán đồng quan điểm trên, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cũng nói: “Có một số vụ rất to nhưng khi xử lại chỉ có tội cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ quyền hạn, không thấy tội tham nhũng. Chỉ có vụ báo đài đăng và nhân dân đang chờ đợi là vụ AVG thì thấy có, còn nhiều vụ nằm trong diện chỉ đạo phòng chống tham nhũng nhưng không thấy hành vi tham nhũng”.

Từ đây có thể nói, hành vi tham nhũng đâm chồi trên mảnh đất bao phủ sự bí mật, theo đó cần phải có những phương tiện cải thiện tính minh bạch có thể vạch trần hiệu quả những hành vi tham nhũng, và qua đó làm cho luật hình sự có hiệu quả hơn, như: luật công khai minh bạch, nhất là trong lĩnh vực mua sắm tài sản công, đầu tư công, công tác cán bộ; hệ thống kiểm soát và kiểm toán tốt hơn; hệ thống đánh giá tốt hơn…

Triết gia Aristoteles từng nói về nghịch lý lớn của Chính phủ: Làm thế nào mà quốc gia trao cho cán bộ quyền lực để thống trị, nhưng đồng thời có thể bảo đảm rằng họ không sử dụng quyền lực đó cho mục đích riêng? Ông cho rằng nếu không có quyền tự quyết thì chính phủ không thể cai trị, nhưng có quyền tự quyết, nạn tham nhũng đe dọa lật đổ chính phủ. Đây là nghịch lý đòi hỏi phải giải quyết.

Đúng là, tính chất của vụ án quá nghiêm trọng, khi đến thời điểm này đã có 14 bị can bị đề nghị truy tố trong đó có hai cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông bị truy tố vì 2 tội danh: “Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”.

Dù sao đi nữa, trong trường hợp này, họ chính là những cán bộ đã ở mức độ thoái hóa, biến chất về tư tưởng đạo đức, lối sống, bị lợi lộc ích kỷ làm cho mù, cho điếc, hằng ngày họ vẫn buôn bán những đặc ân của Nhà nước và tiếp tục rút tiền từ ngân sách nước.

Vì vậy, nếu chúng ta không xử lý nghiêm vấn đề thì sẽ tạo tiền lệ xấu trong công tác “đốt lò” những cán bộ tha hóa biến chất. Mục rỗng, lung lay từ bên trong chính là nguy cơ suy yếu sức mạnh, sức chiến đấu của Đảng. , ,

No comments:

Post a Comment