Cập nhật tin tức nóng hổi

Nghịch lý tham nhũng vặt thì ít mà tham nhũng lớn thì nhiều

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 cho biết có 3 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng trị giá 103 triệu đồng. Thế nhưng, thời gian gần đây, hàng loạt quan chức cấp cao bị đưa ra xét xử với số tiền tham nhũng khủng. Điều này đặt ra nghịch lý “tham nhũng vặt thì ít mà tham nhũng lớn thì nhiều”. Đã đặt ra yêu cầu cao hơn nữa trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, làm trong sạch bộ máy của Đảng.

Cả năm 2019 có 3 trường hợp nộp lại quà tặng chỉ có 103 triệu đồng.

Tại phiên họp toàn thể cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Trần Ngọc Liêm cho biết, năm 2019, số người đã kê khai tài sản, thu nhập là 1.081.235 người; Số bản kê khai đã công khai: 1.075.277 bản; có 46 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập.

“Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện 10 trường hợp vi phạm, tăng 4 trường hợp so với năm 2018. Đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 2 trường hợp. Trong đó, Bộ Công an 2 người, Đà Nẵng 1 người, Khánh Hòa 2 người, Tây Ninh 2 người, Thanh Hóa 1 người”- ông Liêm thông tin.
Nghịch lý tham nhũng vặt thì ít mà tham nhũng lớn thì nhiều
Tình trạng tham nhũng lớn, tham nhũng vặt cần phải giải quyết triệt để

Về tặng quà, nhận quà Tết, ông Liêm cho biết, năm 2019 có 3 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 103 triệu đồng. Cụ thể là tỉnh Trà Vinh có 1 người, 3 triệu đồng; Thái Bình có 2 người, 100 triệu đồng.

Chính phủ cho hay để nâng cao hiệu quả thực hiện các quy định về kiểm soát việc tặng quà, nhận quà, Chính phủ đã rà soát, ban hành quy định mới về tặng quà, nhận quà, nộp lại quà tặng. Theo đó, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân dưới mọi hình thức nếu liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

Đối với việc thực hiện kê khai, công khai tài sản, thu nhập, có gần 1,1 triệu người kê khai, đạt tỉ lệ tới 99,9%. Trong số này, cơ quan chức năng đã xác minh 46 người (cao nhất là Bộ Xây dựng có 26 người), phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước) và đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp.

Với kết quả như trên, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp nhận định rằng việc này vẫn chủ yếu mang tính hình thức. Hiệu quả thực chất của việc kê khai chưa cao, không có ý nghĩa nhiều trong phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.

Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm còn chưa hợp lý nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý” – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà nói.

Thế nhưng số tiền tham nhũng bị phát hiện lại cao hơn gấp nhiều lần

Trong khi đó tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Các cơ quan chức năng đã kết thúc xác minh, giải quyết 24 vụ việc; mở rộng điều tra, khởi tố mới 5 vụ án, phục hồi điều tra 4 vụ án, khởi tố thêm 26 bị can; kết thúc điều tra 3 vụ án/19 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 6 vụ án/27 bị can; xét xử sơ thẩm 9 vụ án/21 bị cáo, xét xử phúc thẩm 10 vụ án/149 bị cáo.

Trong 6 tháng đầu năm 2019 các địa phương đã khởi tố 176 vụ án/425 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ (tăng 13,5% về vụ và 32,8% về số bị can so với cùng kỳ năm 2018).

Từ đầu năm đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 123 tổ chức đảng và 7.923 đảng viên vi phạm; trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018). Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật đối với 1 tổ chức đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu.

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý 61.392 tỷ đồng và 142 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính 692 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 46 vụ, 73 đối tượng.

4 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm: vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vinashin; Vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc…” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương. Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á, Tp.HCM (DAB). Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố.

Đặc biệt gần đây, vụ án Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bị cáo buộc vì động cơ cá nhân nên quyết liệt chỉ đạo MobiFone mua cổ phần AVG, gây thiệt hại gần 6.500 tỷ đồng. Đang gây hoang mang cho dư luận.

Cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) xác định là chủ mưu của nhóm 13 người phạm tội Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án sai phạm đầu tư công khi MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.

Tham nhũng luôn là đại cuộc sinh tử

Vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng luôn là đại cuộc sinh tử, thành bại của muôn thời, của mọi quốc gia, dân tộc trên hoàn cầu, tự cổ chí kim. Là người thường xuyên trăn trở vấn đề này, cho đến trong Di chúc, Hồ Chí Minh còn viết: “Trước hết nói về Đảng”; “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”; sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi, “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”.

Đạo đức cách mạng luôn gắn liền với giữ gìn kỷ luật nghiêm minh của Đảng. Với kỷ luật Đảng, thể hiện trong Điều lệ Đảng cũng như các quy định khác của Đảng, thì tất cả mọi đảng viên, bất kể đảng viên đó giữ chức vụ hay không giữ chức vụ hoặc giữ chức vụ cao hay thấp trong bộ máy của hệ thống chính trị, đều phải tuyệt đối chấp hành.

Trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh đề cập chống chủ nghĩa cá nhân, cho rằng, do cá nhân chủ nghĩa “mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”. Do vậy, Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, phải chú trọng tới vấn đề kỷ luật của Đảng: “Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh”.

Công cuộc chống tham nhũng hiện nay đã và đang nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, của toàn thể đồng bào ta và sự hợp tác chặt chẽ từ quốc tế. Đó là sức mạnh của cơ chế phòng, chống tham nhũng. Nhưng, phải cổ vũ, giữ niềm tin của Nhân dân và bảo vệ vô điều kiện Nhân dân. Và, Nhân dân cần được và phải biết đâu là quyền hạn của mình, phải được mở mang toàn diện, để cùng Đảng và Nhà nước kiểm soát tình hình thời cuộc, mà ở đây là đại cuộc phòng, chống tham nhũng. Khi được Lòng Dân tin tưởng, khi Nhân dân ủng hộ và tham gia thì vạn sự tất thành. , ,

No comments:

Post a Comment