Từ những sai phạm nghiêm trọng trong việc sửa điểm thi tốt nghiệp PTTH tại một số địa phương thời gian qua, cho đến việc công bố rồi lại hủy bỏ quyết định việc xem xét, xử lý trách nhiệm 13 công chức quản lý cấp bộ của Bộ giáo dục cho thấy trách nhiệm chung chung, trách nhiệm tập thể luôn tồn tại trong cơ chế quản lý hành chính hiện nay
Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hủy bỏ quyết định việc xem xét, xử lý trách nhiệm trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 với 13 công chức của Bộ, trong đó có Vụ trưởng, Cục trưởng, Chánh Thanh tra… đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Thông báo hủy quyết định xem xét ký luật 13 công chức Bộ GDĐT gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận
Dư luận hoài nghi việc thu hồi quyết định kỷ luật
Trước đó, theo danh sách công bố các công chức bị xem xét kỷ luật, Cục Quản lý chất lượng có 04 người; Thanh tra bộ có 06 người; Ba người còn lại là Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học. Cụ thể, danh sách bao gồm:
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng.
Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng
Ông Nguyễn Duy Kha, Trưởng phòng Quản lý thi, Cục Quản lý chất lượng
Ông Hà Xuân Thành, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm khảo thí quốc gia, Cục Quản lý chất lượng.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin.
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra.
Ông Tống Duy Hiến, Phó Chánh thanh tra
Ông Trịnh Minh Trường, Phó Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành
Ông Lê Văn Vương, Phó Trưởng phòng thanh tra hành chính
Bà Thẩm Thị Minh Hằng, Thanh tra viên
Ông Nguyễn Ngọc Chính, Thanh tra viên
Bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng vụ Pháp chế
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học.
Để ra được bản danh sách xem xét ký luật 13 công chức này, đã có nhiều cuộc họp, quyết định được đưa ra như: Ngày 21/08/2018 Thứ trưởng ký ban hành Thông báo số 878/TB-BDĐT “Về việc xem xét kỷ luật công chức”. Cùng ngày Bộ trưởng ban hành Quyết định số 2450/QĐ-BGDĐT về việc thành lập 13 “Hội đồng kỷ luật công chức” thuộc Bộ.
Ngày 22/08/2019, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 3817/BGDĐT-TCCB triệu tập những cá nhân vi phạm đến dự phiên họp Hội đồng kỷ luật công chức vào lúc 8g00 ngày 04/09/2019.
Thế nhưng, ngày 29/08/2019, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thanh tra bộ) đã có văn bản số 818/TTr-HCTH “phản pháo” lãnh đạo Bộ và Vụ Tổ chức cán bộ. Trong văn bản số 818/TTr-HCTH, Thanh tra bộ đề nghị: “Hủy bỏ Quyết định số 2450/QĐ-BGDĐT ngày 21/08/2018” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lý do mà phía Thanh tra bộ đưa ra đó là: “Việc xảy ra sai sót trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La là rất nghiêm trọng xong đây là những hành vi vi phạm của một số cán bộ, công chức ở địa phương. Các công chức thanh tra khi làm nhiệm vụ trong kỳ thi đã làm việc rất có trách nhiệm, đúng quy định. Không có hành vi nào liên quan trực tiếp đối với vi phạm và là nguyên nhân dẫn đến vi phạm”.
Sau khi bị Thanh tra bộ “phản pháo”, đại diện Vụ tổ chức cán bộ của bộ cho biết, liên quan tới vụ việc tiêu cực thi cử tại 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018, ngày 21/8, Bộ GDĐT ban hành một số văn bản nội bộ.
Tuy nhiên, thực hiện nội dung trong Công văn hướng dẫn ngày 28/8 của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ GDĐT đang tiến hành quy trình xem xét kiểm điểm trách nhiệm về mặt công tác Đảng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, Bộ GDĐT quyết định thu hồi các văn bản nội bộ chưa thực hiện nói trên để tiến hành quy trình xem xét kiểm điểm trách nhiệm về mặt công tác Đảng như hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Tuy nhiên, sự mập mờ của Vụ tổ chức cán bộ và Thanh tra của Bộ GDĐT khiến cho dư luận không khỏi hoài nghi về một sự ưu ái nào đó, chẳng hạn như “giơ cao đánh khẽ” hay đổ vấy trách nhiệm cho cấp dưới (cấp quản lý nơi địa phương xảy ra tiêu cực).
Nói cách khác, dư luận không đồng tình với quan điểm của Thanh tra Bộ GĐĐT. Bởi, Nếu “phản pháo” của Thanh tra bộ là đúng thì lãnh đạo Bộ sai. Ngược lại, nếu lãnh đạo Bộ không sai thì có phải Thanh tra Bộ GĐĐT đang lộng ngôn, đang thách thức sự lãnh đạo của cấp trên?
Hơn nữa, Thanh tra bộ chịu trách nhiệm “giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra hành chính, phòng chống tham nhũng; thanh tra chuyên ngành; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo”… Vậy, liệu Thanh tra Bộ GĐĐT có nằm ngoài tình trạng như Thượng tướng Lê Quý Vương mới đây đã nói thẳng: “Một ngày cán bộ thanh tra xuống địa phương đã kiếm tiền tỷ”?
Không thể vô can trước sai phạm của cấp dưới
Phải nói rằng, vấn đề giáo dục, có rất nhiều vấn đề giáo dục cũng đã được đề cập trong thời gian qua, trong đó có vấn đề cử tri rất bức xúc đó là gian lận thi cử. Cử tri, dư luận luôn mong mỏi, theo dõi Bộ GĐĐT xử lý nghiêm, chỉ ra những sai sót trong kỳ thi THPT quốc gia năm vừa qua và có người chịu trách nhiệm cụ thể.
Rõ ràng, không thể nói đây hoàn toàn là lỗi của một địa phương, bởi nhiều địa phương cũng phát hiện ra gian lận thi cử trong kỳ thi vừa qua. Bộ GĐĐT không thể chỉ kỷ luật theo kiểu “tắm từ vai xuống”, đồng thời Thanh tra bộ vô can trong các sai phạm liên quan đến vai trò quản lý nhà nước về giáo dục tại các địa phương.
“Không có chuyện cấp dưới làm sai mà cấp trên vô can được. Còn mức độ xử lý như thế nào có thể khác nhau căn cứ vào trách nhiệm của từng vị trí. Làm quản lý thì phải đôn đốc, kiểm tra, phát hiện sai phạm của cấp dưới. Trong khi vụ việc gian lận thi cử nghiêm trọng như vậy thì trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là rất lớn” – nguyên ĐBQH Bùi Thị An nêu quan điểm.
Thật ra, chuyện Thanh tra Bộ GDĐT “phản pháo” càng cho thấy vấn đề “trách nhiệm người đứng đầu” đã và đang được đặt ra nhiều năm nay nhưng lại khó xử lý quy trách nhiệm.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử (Văn phòng Quốc hội) cho rằng, điều này cần xét trong các mối quan hệ: nguyên tắc tập trung dân chủ – đề cao trách nhiệm cá nhân; kiểm soát hoạt động của người đứng đầu và xác định phạm vi trách nhiệm người đứng đầu.
Nói thẳng ra, bấy lâu nay chúng ta không tìm ra trách nhiệm cá nhân sau mỗi sai phạm nghiêm trọng. Và rất hiếm người ý thức được rằng mình có đủ năng lực để đảm nhiệm vị trí đó hay không? Nên từ chức hay vẫn tham quyền, cố vị?
Theo đó, muốn nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, việc thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, không có “vùng cấm” như hiện nay. Có như vậy thì người đứng đầu, mà trực tiếp là những người làm công tác thanh tra chuyên ngành mới nhận thức được vị trí của mình ở đâu, mình phải làm gì và làm như thế nào; quyền lực mà nhà nước trao cho mình là để thực hiện sứ mệnh phụng sự cho tổ quốc, cho nhân dân chứ không phải để mình thỏa mãn tham vọng cá nhân.
Như vậy, từ những sai phạm nghiêm trọng trong việc sửa điểm thi tốt nghiệp PTTH tại một số địa phương thời gian qua, cho đến việc công bố rồi lại hủy bỏ quyết định việc xem xét, xử lý trách nhiệm 13 công chức quản lý cấp bộ của Bộ giáo dục cho thấy trách nhiệm chung chung, trách nhiệm tập thể luôn tồn tại trong cơ chế quản lý hành chính hiện nay.
Chính tình trạng khi “có vấn đề xảy ra” thì đổ cho tập thể mà không có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. Nếu có, người bị kỷ luật ở mức khiển trách, cảnh cáo nhưng vẫn được giữ chức vụ và vẫn điều hành, giải quyết công việc bình thường như khi chưa bị kỷ luật. Điều này đã và đang ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân và toàn xã hội.
Nguồn Tổng hợp Chính trị , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment