Cập nhật tin tức nóng hổi

Cháy Rạng Đông: Chính quyền thành phố Hà Nội đang làm gì vậy?

Hơn 10 ngày sau vụ cháy, hàng trăm hộ dân quanh Công ty Rạng Đông đã phải rời bỏ căn nhà đã gắn bó bao năm để chạy trốn vì nguy cơ nhiễm độc thủy ngân mà chưa biết tới bao giờ mới được trở về. Doanh nghiệp sau những dấu diếm, thờ ơ trước sự khốn khổ của người dân sống quanh khu vực giờ đã phải trả giá bằng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, thiệt hại danh tiếng mà cả ngàn người đã gây dựng suốt năm, sáu chục năm qua. Con với cơ quan chức năng, thì vẫn đang mải đá nhau về độ an toàn của những loại hóa chất bị phát tán ra môi trường.

Cơ quan chức năng vẫn đang đá nhau…

Ngày 9/9/2019, một ngày đẹp nếu xét theo phong thủy, Chi Cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội công bố báo cáo về kết quả quan trắc, lấy mẫu phân tích môi trường trong vòng bán kính 500m tính từ hiện trường vụ cháy Cty Rạng Đông. Theo đó Kết quả phân tích so sánh với QCVN 05:2013/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, QCVN 06:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh cho thấy: Các thông số: Vi khí hậu, Pb (trung bình 24 giờ), Zn đều nằm trong giới hạn cho phép; không phát hiện thấy Hg – thủy ngân (trung bình 24 giờ) trong không khí.

Vâng! Ngày đẹp nhưng kết quả thì không đẹp tý nào. Bởi kết quả này trái ngược hoàn toàn với kết quả lấy mẫu quan trắc, phân tích chất lượng môi trường không khí, đất, nước, chất thải rắn (tro xỉ sau khi cháy), đặc biệt là mẫu hấp phụ thủy ngân theo hướng phát tán của dòng khí của Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Nội, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) và Viện Hóa học Môi trường Quân sự (Binh chủng Hóa học, Bộ Quốc phòng)… đã công bố trước đó.

Không hiểu đằng sau những công bố bất nhất, những cú “đá nhau loạn xạ” về thông tin kết luận ấy, sức khỏe, tính mạng của người dân ở đâu?

Công bằng nào cho người dân

Thủy ngân là chất hóa học cực độc, chỉ cần một lượng nhỏ cũng đủ gây tử vong và để lại di chứng rất lâu dài và những người sử dụng nó, dù vô tình hay hữu ý, để nó gây ảnh hưởng tới con người là tội ác. Vậy mà đến giờ phút này, dư luận vẫn đang đặt câu hỏi: Không biết còn có cơ quan chuyên môn nào còn nhập cuộc để lại lấy mẫu, lại phân tích nữa không? Tại sao cùng với một mẫu quan trắc, cùng các thiết bị đo lường, cùng là những cán bộ được đào tạo chuyên môn và có cùng một bộ quy chuẩn để so sánh mà lại khác đến vậy, tất tật vẫn trong vòng “nghi vấn” trước quyền năng Chi cục. Và thế rồi cơ quan chức năng thì cứ bận đá nhau để người dân sống trong sự lửng lơ sức khỏe, lơ lửng nơi chốn tạm cư, lơ lửng thông tin, lơ lửng trách nhiệm của ai, từ đâu, như thế nào với sức khỏe, sinh hoạt của họ và con cháu của họ.
Cháy Rạng Đông: Chính quyền thành phố Hà Nội đang làm gì vậy?
Công ty thì Rạng Động xin lỗi vì đã “làm bận tâm, phiền hà đến lãnh đạo thành phố, lãnh đạo quận Thanh Xuân, ảnh hưởng sức khỏe của lực lượng Phòng cháy chữa cháy và đặc biệt với nhân dân hai phường sát công ty”. Những người có nguy cơ chịu nhiễm độc thủy ngân được xếp cuối cùng, được nhắc đến đầu tiên là lãnh đạo TP Hà Nội, rồi sau đó quận, phường và các cơ quan đơn vị. Thế nhưng, hơn 10 ngày đi qua, chính quyền thành phố Hà Nội, cụ thể là Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân đã bận tâm như thế nào? Không cần phải nói thêm hẳn dư luận cũng rõ. Rồi đây với sự bận tâm, bận tâm đến mức mà chính quyền quận Thanh Xuân “hà hơi” cho sự dối trá của doanh nghiệp thì không biết đến bao giờ người dân nơi đây mới ổn định lại cuộc sống? Cụm từ “đảm bảo an toàn cho nhân dân” từ các cơ quan hữu trách của thành phố Hà Nội có chăng chỉ là cửa miệng, còn tinh thần, thái độ hiệp đồng trách nhiệm, ngồi lại cùng nhau, ngồi xuống với nhau, nghe như thể trò đùa.

Đừng để “Mất bò mới lo làm chuồng”

Chẳng nói cũng biết với một thành phố như Thủ đô Hà Nội, bài học ấy là quá đắt. Phải tới ngày 7/9 vừa qua, sau những mất mát lớn lao đó, Bô Tài nguyên và Môi trường đã phải gửi văn bản lên Chính phủ đề nghị rà soát tất cả các cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm còn lại nằm trong dân cư. Và đề nghị di dời các cơ sở này khỏi khu dân cư.

Tiếc là mất bò rồi mới lo đến việc làm chuồng, dù chủ trương đã có từ rất lâu rồi. Lật dở lại mới thấy, từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm trên cả nước. Hà Nội ngay trong năm đó cũng ra quyết định chuyển các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm ra khỏi nội đô. Chiểu theo quyết định đó, những nhà máy thuộc khu Cao Xà Lá nằm dọc khu Thượng Đình và Hạ Đình đươc liệt đứng đầu danh sách những cơ sở nhức nhối gây ô nhiễm.

Thế mà bẵng đi 16 năm, qua mấy chục kỳ họp nhân dân, hầu như năm nào chuyện di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội đô cũng được đem ra chất vấn. Những rồi các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm kem đặt dân cư xung quanh vẫn không hề nhúc nhích, dù nguy cơ cháy nổ, phát tán ô nhiễm luôn cận kề.

Chưa có nhà máy nào phải chịu trách nhiệm hay chịu phạt vì sự chây ỳ khó hiểu đó. Cũng chưa có trường hợp nào tỏ rõ sự quyết liệt của chính quyền thành phố với những doanh nghiệp cố tình ôm lấy khu đất vàng, mặc cho cư dân sống quanh khu vực kêu trời vì ô nhiễm.

Nếu chính quyền thành phố Hà Nội thực sự lắng nghe doanh nghiệp, đưa ra những chính sách khả thi cho việc di dời thì đã không có những thảm họa như Rạng Đông, đẩy cả doanh nghiệp, hàng ngàn người dân và chính quyền cơ sở vào một cuộc khủng hoảng khó có thể hình dung trước đó. Và chưa có cá nhân nào trong số các cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm khi để một chủ trương lớn như vậy dậm chân tại chỗ trong nhiều năm qua.

Khi chưa có cơ chết trách nhiệm, những chậm chễ ấy là khởi nguồn của rất nhiều hệ lụy với cá giá phải trả là sức khỏe, tính mạng của người dân và tài sản, danh tiếng của doanh nghiệp.

Muộn còn hơn không, sau những vấp ngã, giờ là lúc chính quyền thành phố Hà Nội phải nhìn lại bài toán trách nhiệm để không còn những bài học đắt giá mang tên Rạng Đông.

Nguồn Tổng hợp , ,

No comments:

Post a Comment