Cập nhật tin tức nóng hổi

Cán bộ trung tâm nhân đạo nhưng lại ăn trộm hàng từ thiện – dấu hiệu tham nhũng vặt

Có thể nói, “tham nhũng vặt” đã trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Nó xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống. Đặc biệt người dân, doanh nghiệp khi muốn thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn thì cần “biết ý”, có chi phí “lót tay”, “bôi trơn” … hay ngay cả việc ăn chặn những món quà cứu trợ, quà từ thiện. Từ thực tế vấn nạn “tham nhũng vặt” vẫn gây ra nhiều bức xúc đối với người dân

Cán bộ trung tâm nhân đạo ăn chặn hàng từ thiện

Tham nhũng dù dưới bất kỳ mức độ, cấp nào đều là nguy cơ cho sự tan vỡ của một chính quyền, sự suy giảm niềm tin của quần chúng đối với chính đảng cầm quyền. Mới đây, vụ việc tám cán bộ Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật lợi dụng trời nhá nhem tối, tuồn bánh Trung thu, sữa, bim bim qua hàng rào mang đi.

Ngày 8/9 có 3 đoàn từ thiện đến đơn vị tặng quà, theo Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật (Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội). Đó là gia đình bà Mạc Thị Vương (Hà Nội) tặng 218 chiếc bánh Trung thu; Câu lạc bộ thiện nguyện Hương Sen tặng 334 hộp sữa có ống hút, 334 chiếc bánh tẻ, 263 hộp bánh bông lan; Hội thiện nguyện Thu Hiền tâm linh tặng 257 chiếc bánh nướng, 334 hộp sữa có ống hút, 334 gói bim bim.
Cán bộ trung tâm nhân đạo nhưng lại ăn trộm hàng từ thiện – dấu hiệu tham nhũng vặt
Hình ảnh trong bài báo “Ăn chặn hàng từ thiện ở trung tâm nhân đạo: Hùa nhau tuồn hàng qua khu cổng bí mật” của Báo Gia đình Việt Nam

Trung tâm cử cán bộ dẫn các đoàn từ thiện đi phát quà trực tiếp cho người già và trẻ khuyết tật. Khi các đoàn từ thiện ra về, hai nhân viên Đào Thị Phương, Nguyễn Thị Liên (Phòng Phục hồi chức năng) mang một số hàng như sữa, bánh Trung thu, bim bim, kẹo ra bên ngoài. Hành vi này đã được một số phóng viên ghi lại, phản ánh trên báo chí.

Hai cán bộ Phòng Phục hồi chức năng giải trình, số hàng hóa trên do người già, trẻ trong trung tâm ăn không hết nên cho. Nhưng ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật, cho rằng nếu cho thì sao không mang ra ngoài bằng cổng chỉnh đàng hoàng, “việc gì phải chờ nhá nhem tối, lúc bảo vệ không kiểm soát, người trong người ngoài chuyển hàng ra”.

Ngày 23/9, trung tâm đã họp, cảnh cáo Đào Thị Phương và Nguyễn Thị Liên; khiển trách ông Trịnh Văn Hậu, Tổ trưởng bảo vệ. Hai cán bộ Phòng Phục hồi chức năng đã công tác ở trung tâm được 20 năm và hiện vẫn đi làm bình thường.

Tiếp tục rà soát, ông Hồng cho biết đến chiều 27/9 có 12 người liên quan tới việc tuồn hàng từ thiện ra ngoài, trong đó có tám cán bộ trung tâm. Số này sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Ngoài ra, cán bộ ban, phòng chức năng, ban giám đốc, giám đốc cũng phải kiểm điểm trách nhiệm, nghiêm túc rút kinh nghiệm.

“Tuồn ra hàng rào như thế là hoàn toàn vi phạm quy định của ngành và đạo đức nghề nghiệp”, ông Hồng nói, nhưng cho rằng không có chuyện việc ăn chặn hàng xảy ra thường xuyên ở trung tâm, sự việc vừa qua chỉ mang tính “bột phát” của một số cá nhân.

Cũng trong ngày 27/9, đoàn công tác của Sở Lao động Thương binh và Xã hội do Phó giám đốc Hoàng Thành Thái dẫn đầu đã làm việc với trung tâm. Ông Thái cho rằng việc cán bộ trung tâm ăn chặn hàng từ thiện là “rất đáng tiếc, từ xưa đến nay chưa xảy ra” và có thể làm mất lòng tin của nhà từ thiện.

Sở sẽ kiểm điểm rút kinh nghiệm, đồng thời thiết lập hệ thống giám sát ở các trung tâm, xây dựng quy trình tiếp nhận, quản lý, sử dụng hàng hóa từ thiện. Với Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật, Sở yêu cầu xử lý đúng người, không bao che, dung túng để làm gương cho cán bộ, nhân viên khác.

Do đặc thù của trung tâm là đi chung đường với Trung tâm chăm sóc người tâm thần nên khó kiểm soát. Sở yêu cầu ngày 28/9 lắp barie đầu đường vào, cán bộ làm việc ở hai trung tâm và khách ra vào sẽ phải trình thẻ. Ngoài ra, trung tâm sẽ lắp đặt thêm 6 camera, thêm hệ thống chiếu sáng để kiểm soát.

Trước đó ngày 25/9, báo chí phản ánh việc nhiều cán bộ, nhân viên trung tâm thường xuyên tuồn hàng từ thiện do các cá nhân, tổ chức trao tặng ra ngoài

Cần ngăn chặn ngay tham nhũng vặt bởi hậu quả của nó không hề vặt

Thực tế cuộc sống cho thấy “tham nhũng vặt” xảy ra ở nhiều lĩnh vực, thường xuyên nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính; quản lý trật tự giao thông, đô thị; y tế; giáo dục; hải quan; thuế; tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức, cán bộ ở các trung tâm…và nó “biến tướng” dưới nhiều hình thức nên không dễ phát hiện, xử lý.

Ở nước ta hiện nay, công cuộc phòng chống tham nhũng (PCTN) đang ngày càng quyết liệt và đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Nhiều vụ việc được đưa ra ánh sáng liên quan đến nhiều quan chức các cấp, trong đó có cả đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị làm tăng niềm tin của nhân dân ta với Đảng … Tuy nhiên, nhân dân hài lòng với công cuộc “đốt lò” PCTN của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bao nhiêu thì chưa hài lòng với tình trạng “tham nhũng vặt” bấy nhiêu.

“Tham nhũng vặt” xuất hiện ở nhiều nơi, trong nhiều cơ quan, tổ chức và ở những vị trí khác nhau liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ công quyền tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân. Sự nhũng nhiễu của một số cán bộ, nhân viên tại cơ quan công quyền tạo ra một thói quen rất xấu khi đến “cửa quan” là phải “lót tay”, phải “bôi trơn”. Thế nên người dân mới “rỉ” tai nhau: đóng một con dấu đã có chữ ký của người có trách nhiệm cũng vài ba chục ngàn; thông quan qua hải quan đúng trình tự, pháp luật cũng vài ba trăm ngàn…

Trên thực tế, “tham nhũng vặt” đã không dừng lại ở “cửa quan”, mà lây lan như một bệnh dịch ra nhiều lĩnh vực khác. Đó là những chiếc phong bì người ta vẫn hay chuẩn bị khi đến gặp các bác sỹ, y tá, điều dưỡng hay các nhân viên xếp số tại các phòng khám trong các bệnh viện để bố trí cho người bệnh được khám nhanh, khám sớm. Người viết bài này cũng đã từng vài lần đến bệnh viện công và tận mắt chứng kiến những cảnh “lót tay” khi muốn được khám nhanh, khi muốn không bị tiêm đau,…

Rồi hiện tượng phổ biến mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua là “chạy trường, chạy lớp” cho con, nhất là những trẻ bắt đầu bước vào đầu cấp, trái tuyến, rồi những khoản tiền quỹ lớp, phí chống trượt… trong môi trường giáo dục. Hay tình trạng ăn bớt, ăn chặn tiền, quà trợ cấp khó khăn, trợ cấp nhân đạo, ủng hộ thiên tai… của một số cán bộ chính quyền tại các địa phương mỗi khi có các đợt ủng hộ và hoạt động nhân đạo… như vụ án ăn chặn tiền trên.

Có thể nói là vô số những chi phí “không chính thức” mà người dân đang phải gánh chịu nhưng chỉ đến khi thông qua tố giác của người dân hay báo chí phanh phui, dư luận lên tiếng thì cơ quan chức năng mới vào cuộc….

Đặc trưng của “tham nhũng vặt” tuy giá trị không lớn nhưng nó kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho địa phương, đơn vị trong thu hút đầu tư; làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp… Đồng thời nó là nguyên nhân dẫn đến vi phạm nghiêm trọng đạo đức của cán bộ, đảng viên nói riêng, đạo đức của Đảng nói chung. Bởi đội ngũ công chức, viên chức chính là đối tượng phát triển đảng của các tổ chức đảng trong hệ thống chính trị, trong các cơ quan chính quyền…

Từ đó nó làm băng hoại đạo đức xã hội, làm người dân mất niềm tin đối với cơ quan thực thi nhiệm vụ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của những công bộc tốt, công bộc đạo đức, làm thoái hóa, biến chất đội ngũ cán bộ, đảng viên, đe dọa sự tồn vong của chế độ…

Và khi “tham nhũng vặt” nở rộ thì đã có “cung” ắt có “cầu” của đội ngũ “cò mồi” chuyên làm dịch vụ, giải quyết nhanh hồ sơ, giấy tờ tại các bộ phận hành chính, tiếp dân. Từ nhu cầu thực tế đó, xuất hiện đủ các loại “cò” như: “cò đất”, “cò nhà”, “cò xây dựng”, “cò cấp giấy phép đầu tư” …

Nguồn tổng hợp
, ,

No comments:

Post a Comment