Liên tục cả chục năm dài, cư dân Phú Mỹ, Phú Mỹ Hưng, Era Town... gửi đơn kêu cứu khắp nơi vì ô nhiễm do bãi rác Đa Phước gây ra. Nỗi bức xúc, thống khổ của dân cũng đã đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Và từ năm 2016, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm, đảm bảo môi trường sống trong lành cho cư dân.
Hàng ngàn bài báo phản ảnh, hàng triệu lượt dân cư đến ở và bỏ đi nhưng tất cả diễn biến của bãi rác Đa Phước vẫn là "ổ thúi" bất trị.
Vậy, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của chính quyền thành phố ở đâu trong suốt những năm như vậy?
Ảnh Bãi rác Đa Phước
Bãi rác Đa Phước với tổng chi phí đầu tư lên đến 107 triệu USD do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) ký hợp đồng với UBND TPHCM để xử lý khoảng 5.000 tấn rác thải/ngày. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân VWS là ông David Dương, Việt kiều Mỹ.
Hợp đồng ký kết giữa các bên là xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp. Nhiều lần phản hồi ý kiến của dân, các chuyên gia môi trường, lãnh đạo thành phố cho rằng yếu tố lịch sử của bản hợp đồng khiến cho việc xử lý ô nhiễm môi trường ở đây chưa được giải quyết rốt ráo.
Cụ thể, VWS đã xử lý rác cho TPHCM một thời gian dài, nhưng đến nay, công nghệ ấy đã không còn phù hợp.
Theo các quy định của pháp luật dân sự VN về hợp đồng, lãnh đạo TPHCM không thể vô can trong vụ việc ô nhiễm nghiêm trọng này mỗi khi mùa mưa tới gần, ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn dân.
Bởi lẽ, các điều khoản của giao kết dân sự luôn chứa đựng nội dung phạt do không thực hiện các cam kết. Ở đây, mùi hôi phát sinh do quá trình xử lý rác, gây mất ổn định xã hội ở địa phương phải được xem là VWS chưa thực hiện đúng các cam kết.
Bên cạnh đó, nguyên tắc cơ bản của hợp đồng còn cho phép các bên đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bên còn lại không thực hiện, hoặc thực hiện không đủ trách nhiệm.
UBND HCM đã làm gì để thực hiện quyền của mình trong giao kết trên là câu hỏi mà dư luận có quyền quan tâm, cử tri có quyền chất vấn.
Mặt khác, hành lang pháp luật Việt Nam đủ các chế tài từ hành chính, dân sự, thậm chí xử lý hình sự với các hành vi hủy hoại môi trường.
Quá khó hiểu cho sự tồn tại của một "ổ thúi" được hoạt động đến năm 2024 và người dân phải tự xoay sở bằng cách cầu cứu khắp nơi rồi đơn phương khởi kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với pháp nhân VWS của ông David Dương.
Vin vào yếu tố lịch sử của hợp đồng, UBND TPHCM tự đưa mình vào thế bất lợi và bị VWS "bắt chẹt" là điều vô lý!
Theo Báo Sạch Môi trường , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment