Cập nhật tin tức nóng hổi

Tổng cty Đầu tư và Kinh doanh vốn NN (SCIC) sẽ cứu Vietnam Airlines

Mới đây, Ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã tuyên bố trước báo giới rằng, SCIC sẽ đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (VNA).
Tổng cty Đầu tư và Kinh doanh vốn NN (SCIC) sẽ cứu Vietnam Airlines
Việc SCIC có ý định rót vốn Nhà nước vào một hãng hàng không mà nhà nước đang nắm giữ 86,19% vốn điều lệ đang đặt ra những nghi vấn về việc đây thực chất là một cuộc giải cứu trá hình thông qua việc dùng tiền ngân sách nhà nước để bơm thêm cho doanh nghiệp nhà nước, điều này nếu đúng sẽ tạo ra một tiền lệ xấu và tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhưng cao hơn cả, việc SCIC bơm thêm tiền cho VNA dù có thông qua hình thức nào thì cũng không thỏa mãn bất cứ cơ sở pháp lý nào, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Quốc hội nêu rõ, “…không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế. Các khoản vay mới chỉ thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn….”. Vì vậy nếu SCIC đầu tư mua cổ phiếu VNA là đi ngược lại với nghị quyết của Quốc hội.

Thứ hai, Nghị định 151/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước quy định rõ: “Đầu tư và kinh doanh vốn vào ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật”. Trong khi đó, VNA thời điểm hiện tại đang nợ nần chồng chất, năm 2020 dự kiến thua lỗ khoảng 16 nghìn tỷ. Nếu SCIC đầu tư vào VNA thời điểm này thì trái với cơ chế hoạt động do Chính phủ quy định.

Thứ ba, Thẩm quyền phê duyệt đầu tư của SCIC phải tuân thủ theo các mức, tham chiếu theo quy định hạn mức các dự án nhóm B theo quy định tại Điều 8, 9 Luật Đầu tư công. Nếu chiếu theo quy định này, thì việc SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines (nếu có) là ngoài danh mục các dự án nhóm B và trái với Luật Đầu tư công. Đó còn chưa tính đến việc SCIC chưa có chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm giai đoạn 2016-2020.

Thứ tư, Theo quy định của Luật chứng khoán hiện nay thì VNA không đủ điều kiện để phát hành trái phiếu ra công chúng, theo Luật quản lý nợ công thì VNA cũng không đủ điều kiện để được chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu ra công chúng hoặc bảo lãnh các khoản vay của VNA.

Thứ năm, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước đang là đại diện cho phần vốn của nhà nước tại VNA, vậy trong trường hợp VNA phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu có nghĩa là chỉ Ủy ban quản lý vốn nhà nước và các cổ đông mới có quyền mua, vậy SCIC sẽ không có tư cách để mua thay cho cổ đông hiện hữu được nếu không thông qua đấu giá số cổ phiếu này, nếu mua thông qua thỏa thuận thì nguyên tắc “giá thị trường” sẽ được tính toán ra sao?

Cơ sở pháp lý không đảm bảo, VNA đang thua lỗ triền miên, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, không có gì đảm bảo sang năm 2021 VNA sẽ hết thua lỗ. Nếu SCIC vẫn cố tình đầu tư vào VNA mà mất vốn nhà nước thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Cuối cùng, Dịch bệnh Covid hoành hành và tác động tiêu cực đến tất cả mọị doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khác, đặc biệt là các doanh nghiêp tư nhân đang oằn mình chống chọi và tìm mọi giải pháp tự mình cứu mình thì VNA với đủ mọi lợi thế cũng nên tự chủ, tự khắc phục vượt qua khó khăn bằng cách cắt giảm nhân sự, tiết kiệm chi phí, giảm các đường bay nội địa không hiệu quả…. Chứ không nên có tâm lý ỉ nại, trông chờ vào bầu sữa ngân sách.
---
Theo luật sư Nguyễn Danh Huế, luật Hừng Đông ,

No comments:

Post a Comment