Chục năm gần đây tình trạng “con ông, cháu cha” trong cơ quan Nhà nước đã trở thành vấn nạn, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào bộ máy công quyền. Có những cơ sở có tới 40% cán bộ công nhân viên là “con ông cháu cha”. Nhìn nhận sâu xa, hiện tượng “chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu” là hệ quả trực tiếp từ cơ chế khép kín, cục bộ, địa phương trong công tác cán bộ.
Sợi dây móc nối quan hệ họ hàng trong cơ quan nhà nước khó cắt đứt
Chiều 4-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) tiếp tục họp phiên toàn thể cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 (báo cáo). “Mổ xẻ” báo cáo của Chính phủ, Ủy viên Thường trực UBTP Đỗ Đức Hồng Hà cho biết trong năm 2019, các ngành, địa phương đã tiến hành 1.459 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó có 131 trường hợp bị thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; 176 trường hợp thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng, tiếp nhận …
ĐBQH phát biểu trong cuộc họp.
Vấn đề “nhất hậu duệ” trong bổ nhiệm cán bộ đang khó có thể xử lý triệt để
Trước số liệu lớn về cán bộ bổ nhiệm sai quy định, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Sơn cho biết có tình trạng cán bộ không đủ tiêu chuẩn mà vẫn đưa vào, thậm chí còn “non”. Cán bộ chưa đạt yêu cầu nhưng người ta vẫn ấn vào để làm, cuối cùng những con người đó bị thui chột.
“Ở doanh nghiệp nhà nước, người dân than phiền lắm. Con em của người lao động thì khó xin việc. Nhưng thực tế vẫn tồn tại những đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp khi ngồi ăn cơm trưa mà hơn 1 nửa bếp ăn là con, em lãnh đạo của đơn vị”- ông Sơn bức xúc.
Câu chuyện “tú tài hư danh” không chỉ có riêng trường hợp Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng nêu là ngoại lệ, mà đây cũng là chuyện của không ít trong cơ quan, đơn vị nhà nước từ trung ương tới địa phương. Một vấn đề không hề mới, bởi từ lâu nay, trong bộ máy nhà nước có ít nhiều cán bộ, công chức nhà nước là những người không đủ năng lực làm việc, làm việc không hiệu quả thỏa sức “tồn tại” kiểu “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”.
Sợi dây móc nối quan hệ họ hàng, người thân trong một cơ quan tồn động quá lớn mà sẽ dẫn đến tình trạng “anh giúp con tôi, tôi giúp cháu anh”. Do đó, muốn đuổi việc một người không làm được việc, thiếu tránh nhiệm thì người quản lý sẽ rơi vào cái bẫy “vuốt mặt nể mũi”, “ô dù” che đỡ cho nhau.
Ngại đụng chạm, nên người có trách nhiệm quản lý rất khó có thể có đủ dũng khí để thực hiện những điều mà Đảng, Nhà nước và pháp luật đã đề ra, quy định cụ thể, rõ ràng.
Cuối cùng, người chịu thiệt nhất lại chính là nhân dân, khi người dân phải làm việc với những “ông quan, bà quan” thiếu trách nhiệm, năng lực yếu kém. Ngân sách nhà nước sẽ phải chịu một khoản gánh nặng lớn, trong khi hiệu quả thì chẳng có một chút xứng đáng với đồng tiền đó.
Vừa qua, dư luận xôn xao với thông tin do ông Tô Quang Phán, Tổng giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội đưa ra. Theo đó, trong số hơn 700 cán bộ, phóng viên, người lao động ở cơ quan báo chí này, có tới 40% người làm việc yếu kém, mà trong đó có bộ phận “con ông này cháu bà kia”.
Thực ra, không ít cơ quan, đơn vị sự nghiệp vẫn được ví von vui là “nhà trông trẻ” vì tình trạng “gửi gắm” con em quan chức vào trong bộ máy. Công tâm mà nói, không phải con em lãnh đạo nào cũng “làng nhàng”. Nhưng số có kiến thức, lòng tự trọng và chí tiến thủ không nhiều, nhất là ở các cơ quan báo chí.
Nghề báo là một trong những nghề chọn người rất khắt khe, không phải ai tốt nghiệp đại học, kể cả chuyên ngành báo chí – truyền thông cũng theo được. Vì ngoài những kiến thức cơ bản được đào tạo trên ghế nhà trường, người làm báo phải có tố chất, năng khiếu báo chí.
Đảng luôn trăn trở, tìm biện pháp đẩy lùi vấn nạn “con ông cháu cha”
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ 7 BCHTW Khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề: làm thế nào để “khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền hay thân quen, cánh hẩu?”.
Đây không chỉ là nỗi trăn trở của người đứng đầu Đảng ta và cũng không phải bây giờ mới được đặt ra. Đảng đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác cán bộ. Nhưng những yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ vẫn đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và làm suy giảm niềm tin của nhân dân.
Trong Di chúc của Hồ Chí Minh, ngay sau phần nói về Đảng, Người đã nhắc đến việc đào tạo thế hệ thanh niên cho sự nghiệp cách mạng: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Việc lựa chọn được người có đức, có tài cho nhân dân, cho đất nước là một vấn đề rất hệ trọng của mỗi quốc gia, dân tộc. Đặc biệt, khi vai trò đó được Người nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì thế, khi từ ngay những cán bộ trẻ, được xem là “hạt giống đỏ” của Đảng, của Đất nước, của nhân dân thì cần phải được chú trọng và nâng cao năng lực, bản chất chính trị và tư tưởng vững vàng.
Nhưng thực tế, trong xã hội hiện nay, đã có không ít những cán bộ trẻ vì sự “nôn nóng”, thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu năng lực mà đánh mất bản thân, để rơi vào con đường chạy chức, chạy quyền, vi phạm đạo đức người cán bộ. Vì sự “nóng vội” về công tác cán bộ trẻ của một số tỉnh, thành phố như trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh và Nguyễn Bá Cảnh của Đà Nẵng mà hiện nay địa phương này đã có những cá nhân là “hoạt giống đỏ” nằm trong quy hoạch cán bộ, nhưng lại vi phạm và bị kỷ luật Đảng là điều hoàn toàn đáng tiếc.
Từ thực tiễn 12 năm thực hiện Nghị quyết về luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý, chúng ta hoàn toàn có khả năng thống kê, điều tra, khảo sát, hỏi ý kiến người dân về hiệu quả công tác của những cán bộ lãnh đạo quản lý ở cả Trung ương và địa phương, những ai là “hậu duệ”, những ai là cùng họ hàng, thân thích của các “sếp”, những cán bộ nào thuộc cánh hẩu.
Cũng từ đó có thể xác định được những cán bộ lãnh đạo nào không thuộc các diện trên mà phẩm chất, năng lực yếu kém thì gần như chắc chắn là do “chạy” mà lên. Không thể mặc định làm cán bộ suốt đời, thậm chí vi phạm, kỉ luật lại được luân chuyển hay thăng chức cao hơn. Biên chế nhà nước không phải là cái giấy thông hành để cá nhân giữ chỗ ngồi hưởng lương.
Quản lí nhân sự trong bộ máy hành chính công phải theo hướng mở chứ không phải khép kín như bấy lâu nay. Nghĩa là phải có sự “đào thải”, “thay máu” hằng năm.
Mỗi cơ quan, đơn vị phải dành một tỉ lệ thích hợp trong tổng số cán bộ, viên chức cho việc loại bỏ những người yếu kém, vi phạm khuyết điểm. Phải coi thất nghiệp như một môi trường tích cực để những ai rơi vào đó tự nuôi dưỡng động lực phấn đấu tìm kiếm việc làm mới.
Khi môi trường làm việc mang tính cạnh tranh (điều này đã thấy rất rõ trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài) thì tự khắc mỗi người sẽ biết cách chăm lo cho công việc của mình nếu không muốn bị đào thải sớm. Và khi đó, chẳng cần đến một xu tiền thuế của dân để “mua” lấy sự tự nguyện thôi việc của mỗi người.
Tùng Lâm Chính trị , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment