“Bổ nhiệm cán bộ mà chỉ thấy có “con cháu” thì sai phạm khó tránh, nguy cơ mất cán bộ còn tiếp tục xảy ra” – Đó là lời cảnh báo của bà Lê Thị Thu Ba, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội xung quanh câu chuyện Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cảnh báo chuyện “mất” cán bộ làm nóng dư luận mới đây.
Bí thư Thành ủy Đà NẵngTrương Quang Nghĩa thẳng thắn cảnh báo chúng ta đang “mất” nhiều cán bộ vì sai phạm quản lý
Chúng ta đang “mất” khá nhiều cán bộ
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng do ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy dẫn đầu kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ quận Liên Chiểu.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa thẳng thắn cảnh báo: “Thời gian vừa qua, chủ yếu “mất cán bộ” là vì câu chuyện quản lý đô thị. Chúng ta có cán bộ nhưng không nhất thiết cứ phải làm tại đây. Cán bộ được đào tạo để có thể làm bất cứ đâu trong thành phố”.
Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Thị Thu Ba, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: “Lời úy thị cán bộ của Bí thư Trương Quang Nghĩa với cấp dưới không chỉ nhắm tới cựu lãnh đạo của Quận Liên Chiểu, mà còn là lời nhắc nhở chung cho cả những cán bộ, lãnh đạo ở cấp cao hơn của thành phố…Sai phạm nhỏ, trách nhiệm nhỏ. Sai phạm lớn, trách nhiệm lớn. Tất cả đều phải bị xử lý, phải chịu trách nhiệm”.
Chuyện tham nhũng đất công vẫn được hợp pháp hoá nhờ những cán bộ nắm giữ quyền lực lớn nhưng bị thoái hóa, biến chất, không chí công vô tư, nhìn thấy lợi là nổi lên lòng tham. Nên, chuyện “mất” cán bộ vì sai phạm đất đai, quản lý đô thị có lẽ không chỉ nên cảnh báo ở Đà Nẵng mà có thể thấy đang xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như: TP.HCM, Đồng Nai, Khánh Hòa…
Việc khởi tố hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng là ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến phần nào cho thấy cái gọi là “không có vùng cấm”. Hai ông cùng bị khởi tố về các tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015) và Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai (Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015)
Hay chuyện Bộ Công an hoàn tất Kết luận điều tra chuyển VKS đề nghị truy tối đối với ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó chủ tịch UBND TPHCM) và 4 cán bộ, lãnh đạo các đơn vị về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý đất đai. Cụ thể, ông Nguyễn Hữu Tín được xác định là người ký các văn bản giao đất cho Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 (Cty Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ ‘nhôm’, Chủ tịch HĐQT) khu đất số 15 đường Thi Sách để xây dựng khu phức hợp thương mại – dịch vụ – căn hộ.
Cũng liên quan đến đất đai, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vừa đề nghị xem xét, kỷ luật Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã vi phạm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Mới đây nhất, đoàn công tác của UBKT Trung ương do ông Hoàng Văn Trà, Phó Chủ nhiệm UBKTTtrung ương, làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh này để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan đến các sai phạm về đất đai và các dự án BT của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa theo kết luận của UBKT trung ương. Trong đó, ông Lê Thanh Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa – là người chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy..v..v.
Tuy nhiên, mấu chốt không phải là lôi được một vài cán bộ có sai phạm, tham nhũng ra ánh sáng. Đây chưa nên xem là thành công hoàn toàn. Cần phải nhìn rộng hơn trong công cuộc chống tham nhũng chung của đất nước, với quyết tâm chống tham nhũng không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ và phải bị xử lý thật nghiêm minh, nghiêm khắc, bất kể người đó là ai, bất kể đó là ngành nào.
Món ngon mang tên “đất công”!
Hẳn ai cũng đều biết rằng đất công, nhất là tại đô thị là tài sản cực kỳ lớn. Ai ở đô thị đều thấy, trước đây từ công trình to đến cửa hàng bán thực phẩm, tiệm cắt tóc, cửa hàng giải khát…đều thuộc nhà nước. Nhưng sau khi chuyển sang cơ chế thị trường thì bằng cách này, cách khác đã thuộc về tư nhân.
Và sai phạm trong quản lý đất đai diễn ra đối với hầu hết các loại đất: từ biến đất công thành đất tư; thâu tóm đất vàng của nhà nước rồi bán cho doanh nghiệp kiếm lời; đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng, đất lâm nghiệp, đất quốc phòng, an ninh. Hẳn có những kẽ hở, những điểm chưa quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật hiện hành khiến xảy ra nhiều sai phạm như vậy?
Trong đó, pháp luật về đất đai của chúng ta quy định rất nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều việc là phải công khai, minh bạch thông tin nhưng riêng việc giao đất, cho thuê đất của nhà nước cho một người nào đó thì rất tiếc lại không có quy định về công khai thông tin.
Hiện nay, trên thế giới, những nhà nghiên cứu đã đưa ra một công thức về tham nhũng trong quản lý đất đai như sau: Tham nhũng = Độc quyền + Độc đoán – Trách nhiệm giải trình – Minh bạch. Rà soát lại toàn bộ quá trình quản lý đất đai, thì những liên quan đến tham nhũng đất đai, đất công của chúng ta đều xuất hiện ở các khâu.
Trở lại với trường hợp mà Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề cập trong buổi làm việc nói trên thì Liên Chiểu là quận tập trung các khu công nghiệp, trường học nên cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề quản lý đô thị, trật tự, phát huy vai trò của Nhà nước trong quy hoạch, quản lý quy hoạch. Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng đã luân chuyển cán bộ giữ các chức vụ chủ chốt của quận. Việc luân chuyển này, bước đầu đã phát huy hiệu quả tốt trong chỉ đạo, điều hành. Theo ông, cần rút ra những bài học sâu sắc từ những việc sai phạm vừa qua, đặc biệt không để “mất cán bộ” vì những câu chuyện như vậy nữa.
Dẫu vậy, cá nhân người viết đồng ý với nhận định của nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Đặng Hùng : “Tất cả các quan chức nếu phải minh bạch về mọi tài sản đang có, tôi nghĩ khó có ai có thể minh bạch được. Câu chuyện đặt ra là liệu chúng ta có xử lý được một cách rộng khắp hay không, có làm cương quyết như những vụ án trọng điểm hay không. Nhân dân thì thường nói rằng quan chức nào cũng có nhiều nhà đất. Chúng ta hãy làm đi, để người dân đẩy khỏi đầu mình suy nghĩ cứ quan chức là có vấn đề về đất đai. Lúc đó, câu chuyện tham nhũng đất đai mới lùi thực sự”. \
Song song, cần tránh kiểu bổ nhiệm cán bộ mà chỉ thấy môi trường cơ quan nào cũng thấy “con cháu các cụ cả”. Chúng ta chỉ sợ mất cán bộ có cái tâm cái tầm mà thôi còn những loại cán bộ tham nhũng, phá hoại, kém về nhân cách, kém về trình độ thì “mất” cũng đáng giá lắm chứ.
Vườn rau chỉ có thể xanh tốt khi bắt hết sâu. Nồi cơm chỉ ngon khi không còn hạt sạn. Con mắt thật thoải mái khi dị vật được loại bỏ….. cho nên cái mất này càng mất nhiều càng tốt để lành mạnh hóa môi trường chính trị, tạo nền tảng cho sự phát triển của đất nước.
Nguồn Tổng hợp Chính trị , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment