Lỗi luôn là của cả hệ thống, trong khi người dân đã bị ảnh hưởng sức khỏe, quyền lợi thì chẳng phải trách nhiệm của ai.
Hẳn chúng ta vẫn chưa quên vụ quán cà phê Xin Chào ở Thành phố Hồ Chí Minh, hay việc người dân đi tới, đi lui đến ba lần vẫn không xin được giấy chứng tử ở Hà Nội. Dù việc chỉ bé bằng cái móng tay nhưng phải có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì mới xong.
Vụ cháy ở công ty cổng phần bóng đèn và phích nước Rạng Đông lại khác. Hậu quả rất lớn, mức độ rất nghiêm trọng, rất cần sự quyết đoán, bản lĩnh của người và cấp có thẩm quyền. Nhưng sau chuyện thò ra, thụt vào của các quyết định, rồi thông tin khuyến cáo; sau những chỉ đạo tiền hậu bất nhất, không kịp thời của cơ quan có trách nhiệm; sau sự không minh bạch, thiếu trung thực của lãnh đạo công ty, vẫn là sự trùng trình, mập mờ đến khó hiểu. Chỉ đến khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo thì mới quyết liệt, rốt ráo, người dân mới biết cần phải làm gì để bảo vệ mình, bảo vệ môi trường sống, mới hết mòn mỏi, mong chờ được khắc phục hậu quả.
Thực tế ấy nói lên điều gì? Nếu như không phải là phản ánh sức ỳ của nền hành chính. Nếu như không phải là người và cơ quan có thẩm quyền chưa làm đúng, chưa thực hiện đủ trách nhiệm trước chức trách được giao, trước sự xáo trộn, lo lắng của nhân dân. Nếu như không phải là một biểu hiện của sự yếu kém về năng lực quản lý, điều hành. Nếu như không phải căn bệnh đùn đẩy trách nhiệm, né trách nhiệm, sợ trách nhiệm đang tái phát.
Vậy nên mới có một bộ phận cán bộ thụ động, không dám quyết định khi giải quyết công việc thuộc phạm vi, chức trách. Mới có một bộ máy đông nhưng không mạnh. Đông nhưng mọi việc dù lớn, hay nhỏ cũng đều báo cáo, kính chuyển hoặc ngồi chờ ý kiến chỉ đạo. Mới có những công bộc mà việc làm của họ mới khiến lòng dân không yên, không thể đặt niềm tin. Và người dân có quyền đặt câu hỏi: “Điều gì khuất tất đằng sau những thông báo bất nhất, những quyết định mà chẳng quyết được vấn đề gì ấy”. Chính quyền, cơ quan chức năng đang phục vụ ai? Người dân hay vì chính cái nghế của mình? Vì sao trong phạm vi chức trách mà người và cơ quan có thẩm quyền không xử lý, lại đẩy lên chờ chỉ đạo từ cấp trên? Vì sao có những chuyện bé như cái móng tay mà Thủ tướng Chính phủ cũng phải để tâm, chỉ đạo giải quyết?
Theo lý giải của Bộ Nội vụ, chính vì việc phân chia thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp chính quyền địa phương chưa rõ ràng, còn chồng chéo nên mọi việc bị đùn đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Và chỉ khi người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo thì mới rõ thẩm quyền trách nhiệm thuộc về ai, cơ quan, ngành, cấp nào, mọi việc cũng mới thông suốt.
Đó là một hực tế, nhưng cốt lõi vẫn là việc các cơ quan chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ đã quy định trong Luật Cán bộ, công chức và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Chưa thực sự đề cao trách nhiệm thực thi công vụ, thiếu trách nhiệm với dân, với chính bản thân mình.
Tính trạng né trách nhiệm, sợ trách nhiệm đã trở thành một căn bệnh, mà nếu như chỉ dừng ở mức nhắc nhở, không xử lý đến nơi, đến chốn, không dùng liệu thuốc đặc trị là luật pháp thì sẽ là một trở ngại của phát triển. Nguy hại hơn, nó gây mất niềm tin của dân vào chính sách, pháp luật; vào những người gánh vác trọng trách. Và nếu cứ như vậy, tình trạng trên chuyển động, dưới ỳ ạch, làm giảm hiệu quả quản trị của cả hệ thống, hình thành một nền hành chính xin ý kiến là chuyện không có gì đáng ngạc nhiên.
Người đứng đầu Chính phủ từng lo lắng: Chúng ta đang có một bộ phận cán bộ có cũng được, không có cũng được. Ông cho rằng: Cứ ngại trách nhiệm, cứ sợ trách nhiệm, cứ né trách nhiệm thì làm sao xã hội phát triển được, trong khi quyền lực đó, trách nhiệm đó thuộc về các đồng chí, những người thực thi.
Rõ ràng là đã đến lúc phải tìm cho ra đáp án của bài toán trách nhiệm, đã đến lúc phải gạt bỏ trở lực phát triển của đất nước, làm lung lay niềm tin của dân. Có như vậy mới mong xây dựng được nền hành chính kiến tạo, phục vụ nhân dân.
Nguồn Tổng hợp Môi trường , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment