Cập nhật tin tức nóng hổi

“Thạc sĩ không đầu” và nỗi buồn trí thức

Với tình trạng “trăm hoa đua nở, trăm trường liên kết đào tạo thạc sĩ” thế này thì chẳng bao lâu nữa, ngành giáo dục sẽ hoàn thành chỉ tiêu “phổ cập” thạc sĩ.

LTS: Chia sẻ về tình trạng đào tạo thạc sĩ ồ ạt như hiện nay, tác giả Thạch Hoài Lam đặt ra câu hỏi “Phải chăng có sự buông lỏng quản lý trong lĩnh vực đào tạo cao học như hiện nay”.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trước đây, mỗi khi nghe nói đến chuyện thi đầu vào Cao học là chúng tôi sợ xanh mặt. Vì thi đầu vào của Trường đại học Cần Thơ có tiếng là rất khó, rất khắt khe nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.

May mắn nhờ ôn thi tích cực, chúng tôi trúng tuyển vào khóa Văn học Việt Nam đầu tiên của Khoa sư phạm với vỏn vẹn 14 người…

Ba năm học, chúng tôi nghiên cứu, tìm tòi tài liệu; đi thành phố Hồ Chí Minh đến các thư viện của Cần Thơ vì có những tư liệu ở Cần Thơ không có.

Khi bảo vệ xong luận văn tốt nghiệp, người nào cũng sụt mất mấy ký vì học khá vất vả, “trầy vi tróc vảy” mới có tấm bằng Cao học, chứng nhận trình độ của bản thân.
“Thạc sĩ không đầu” và nỗi buồn trí thức
Một lớp học thạc sĩ (Ảnh minh họa: A.N).

Sau đó, “phong trào” học Cao học bỗng trở nên sôi nổi khắp nơi. Có những khóa có đầu vào, có những khóa vì lý do nào đó, không có đầu vào (chúng tôi gọi vui là “Thạc sĩ không đầu”). Những khóa “không đầu” này sẽ trả nợ “đầu vào” sau.

Phải nói là học Cao học thời gian gần đây “dễ thở” hơn so với thời kỳ “trứng nước” như chúng tôi.

Nắm được “nhu cầu” học nên đủ các loại hình đào tạo, liên kết ra đời. Các trung tâm giáo dục, các trường cao đẳng được dịp bung ra, “làm ăn” cũng khấm khá nhờ các màn “liên kết đào tạo cao học” với các trường đại học.

Nhờ các “lò ấp” này mà hàng loạt thạc sĩ “ra lò”, bổ sung cho các trường, góp phần phấn đấu cho trường đạt chuẩn quốc gia, quốc tế…

Thạc sĩ trong các cấp chính quyền giờ cũng không hiếm. Các phòng ban cấp tỉnh thì Thạc sĩ chiếm đa số. Các trường học thì không thể đếm hết vì đi ra đường, đi đến trường là gặp Thạc sĩ.

Trưởng phòng Nông nghiệp huyện là Thạc sĩ kinh tế hoặc Thạc sĩ ngành trồng trọt… là chuyện bình thường. Có thể nay mai, theo đà này thì Chủ tịch xã, Trưởng ban nhân dân ấp, xóm cũng có bằng Thạc sĩ chuyên ngành.

Nhưng thói đời “nhân nào quá nấy” vì đào tạo ồ ạt như thế thì tất nhiên chất lượng không cao là điều không tránh khỏi. Không thể tin được khi có những thạc sĩ ngành Ngữ văn mà còn viết sai chính tả.

Trong giảng dạy, người có bằng thạc sĩ cũng không hơn gì mấy người chưa có. Riêng môn Ngữ văn vẫn giảng bài thiếu lửa, lời giảng chưa xuất phát từ trái tim mà mới dừng ở mức xuất phát ra từ cổ họng (còn khoảng một gang tay nữa mới tới tim).Có nhiều thạc sĩ không viết nổi một dòng tin phản ánh các hoạt động của trường cho báo chí… Cũng nhiều người có bằng thạc sĩ nhưng viết một bài khảo cứu, một bản “sáng kiến kinh nghiệm” đều phải “copy” trên mạng rồi “chắp nhặt dông dài” thành của mình.

Với tình trạng “trăm hoa đua nở, trăm trường liên kết đào tạo thạc sĩ” thế này thì chẳng bao lâu nữa, ngành giáo dục sẽ hoàn thành chỉ tiêu “phổ cập” thạc sĩ.

Cũng chưa bao giờ danh xưng của tên gọi “Thạc sĩ” mất giá như bây giờ vì học dễ quá, bảo vệ luận văn cũng dễ quá.

THẠCH HOÀI LAM

Theo giaoduc.net ,

No comments:

Post a Comment