“Nếu tôi được quyền lựa chọn, điều đầu tiên, tôi sẽ từ chức rồi đưa ra lời xin lỗi sâu sắc nhất”, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam thổ lộ trong một cuộc họp kín hồi tuần trước.
Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga – Ảnh: REUTERS
Đoạn băng ghi âm lại cuộc họp giữa bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) và một nhóm doanh nhân Hong Kong đã bị rò rỉ ngày 2-9, theo Hãng tin Reuters.
Trong cuộc gặp đó, Trưởng đặc khu Hong Kong thừa nhận bà hiện tại gần như tiến thoái lưỡng nan trong việc giải quyết cuộc biểu tình ở Hong Kong, bởi những bất ổn ở Hong Kong đã trở thành vấn đề an ninh và chủ quyền quốc gia đối với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ.
Reuters bình luận việc bà Lâm nhắc tới cụm “cấp độ an ninh quốc gia” cho thấy quyết định giải quyết cuộc biểu tình ở Hong Kong như thế nào đang nằm phần lớn ở Bắc Kinh.
Những cuộc biểu tình rầm rộ đã bùng nổ tại Hong Kong khi dự luật dẫn độ giữa đặc khu này và đại lục được đưa ra thảo luận. Hơn 10 tuần trôi qua, các cuộc biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt giữa lúc Trung Quốc và một số nước phương Tây tiếp tục đấu khẩu về tình hình Hong Kong.
Bà Lâm chua chát thừa nhận với các doanh nhân Hong Kong rằng bà đã gây ra những “thiệt hại không thể tha thứ” cho đặc khu này và sẽ từ chức nếu có thể.
“Nếu tôi được quyền lựa chọn, điều đầu tiên, tôi sẽ từ chức rồi đưa ra lời xin lỗi sâu sắc nhất”, giọng của Trưởng đặc khu Hong Kong nghẹn ngào trong đoạn băng ghi âm.
Sinh viên và học sinh Hong Kong bãi khóa tham gia biểu tình ngày 2-9 – Ảnh: REUTERS
Bà Lâm cũng đồng thời trấn an rằng Bắc Kinh đã không áp đặt bất kỳ thời hạn nào để chấm dứt cuộc khủng hoảng trước lễ kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc (1-10). Bà cũng khẳng định Trung Quốc “hoàn toàn không có kế hoạch” triển khai quân đội tới Hong Kong bởi “cái giá sẽ vô cùng lớn”.
“Việc không thể đưa ra giải pháp chính trị để giảm căng thẳng là nỗi buồn lớn nhất của tôi”, bà Lâm trải lòng trong cuộc họp kín.
Reuters đã đem đoạn băng ghi âm đi hỏi ít nhất 3 người tham dự cuộc họp và họ đều xác nhận trưởng đặc khu Hong Kong có chia sẻ những điều đó.
Người phát ngôn của bà Lâm cho biết bà đã tổ chức 2 cuộc họp tuần trước, bao gồm 1 cuộc họp với các doanh nhân, song không bình luận về phát biểu của bà. Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Ma Cao và Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc chưa đưa ra bình luận trước yêu cầu của Reuters.
Trong khi Lâm nói rằng bây giờ không phải là lúc để “tự thương hại”, bà tiếp tục nói về sự thất vọng sâu sắc của mình khi không thể “giảm áp lực lên các sĩ quan cảnh sát tuyến đầu”, hoặc đưa ra một giải pháp chính trị để “xoa dịu những người biểu tình ôn hòa, những người đang rất tức giận với chính phủ, đặc biệt là với tôi”.
Ngọc Hoàng Chính trị , Tin quốc tế
No comments:
Post a Comment