Vụ VN Pharma bán thuốc ung thư giả làm tôi nhớ đến 3 người thân quen của mình đã ra đi vì căn bệnh quái ác này. Nói theo quy luật sinh – lão – bệnh – tử thì là chuyện bình thường nhưng ở đâu đó có những con người đang ngày đêm giành giật sự sống với tử thần mà sử dụng phải thuốc chữa trị giả thì thật bất thường. Ai phải chịu trách cho sức khỏe, tính mạng của họ, liệu có cơ chế quản lý để chấm dứt tình trạng bán thuốc giả hay không?
Bạn biết người mắc bệnh ung thư lên cơn đau sẽ như thế nào không? Đó là cơn đau quặn thắt, co quắp tím tái hết cả người đến dại cả mắt. Đau đến độ đang nằm trên giường phải lăn bò, lăn dài dưới nền nhà, vật vã cầu xin người thân tiêm thuốc morphine (một dạng thuốc phiện có tác dụng xoa dịu cơn đau) nhưng chỉ mang đến cảm giác dễ chịu tức thời một chút thôi. Rồi cơn đau lại tái phát, họ lại trở nên quằn quại, không thể kiểm soát hành động của mình. Khi đó người nhà chỉ biết ôm chặt người bệnh, chậc trào nước mắt và hy vọng có một phép màu nào đó giúp người mình yêu thương bớt đau và cứu sống lấy con người tội nghiệp này.
Nhưng trông chờ vào phép màu chỉ mang ý nghĩa tâm linh chứ thực ra với người bị ung thư thì chỉ có phác đồ điều trị của bác sĩ và thuốc mới hy vọng kìm hãm được sự phát triển của con vi rút, khóa tạm thời khối u không cho nó di căn đi các bộ phận khác và sống thêm vài năm nếu như cơ thể hấp thụ thuốc tốt. Khi đó, thuốc như một cái phao cứu sinh cho người bệnh và người nhà bệnh nhân bám víu vào và bằng mọi giá cũng phải mua được thuốc. Có những ông bố bà mẹ phải bán sạch đất đai, nhà cửa để lấy tiền đổi lấy những viên thuốc đắt đỏ tưởng chừng như sẽ kéo dài sự sống cho sinh linh bé bỏng của họ. Có những người chồng phải làm ngày làm đêm, thậm chí chạy thêm vài cuốc grab đến tận khuya để chắt chiu từng đồng mua thuốc cho vợ. Có người không tài sản phải đi vay nóng mấy trăm triệu với mức lãi cắt cổ để mua được thuốc chữa trị cho người thân. Có những người sáng nắng chiều mưa, đường xá xa xôi, không quản khó nhọc chở người thân của mình đi chữa trị, lấy thuốc. Tất cả đều hy vọng sự kỳ diệu từ thuốc nhưng đáng phẫn nộ có đến 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet chữa ung thư do VN Pharma nhập về lại là thuốc giả và đã bán sạch cho người bệnh.
Sức đề kháng của người bị ung thư đã èo uột lại còn uống cái thứ thuốc giả ấy vào người chẳng khác nào VN Pharma đã tiễn bệnh nhân đến con đường chết nhanh hơn bất cứ thứ gì. Khi viết bài này, tôi không biết đã có bao nhiêu người điều trị ung thư đã ra đi sau khi uống thuốc của VN Pharma, không biết bao nhiêu mái tóc bạc tiễn đưa người đầu xanh, bao nhiêu gia đình mang nỗi đau tột cùng khi chứng kiến cái chết đến quá nhanh với người thân của họ, bỏ lại sau lưng biết bao nhiêu dự định hay đơn giản chỉ là ước vọng sống thêm một ngày để làm một điều gì đó. VN Pharma có hiểu được nỗi đau kêu trời không thấu, đất không hay của bệnh nhân và người thân của họ? Cay đắng lắm nhưng câu trả lời chắc chắn là KHÔNG vì nếu có thì đã không có những chuyến đi đêm, cái bắt tay ma thuật, chứng nhận giả chất lượng thuốc, chữ ký phù phép lưu hành thuốc giả. Đáng nói nữa, cơ quan điều tra cũng đã xác định giá trị lô thuốc khi nhập chỉ 5,3 tỷ nhưng Tổng Giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng và các cá nhân liên quan đã nâng khống lên hơn 12 tỷ, qua đó chiếm đoạt gần 7 tỷ. Đừng nói với người dân là không có tiền lại quả, phong bì chia chác ở đây vì chẳng ai tin điều đó đâu. Buôn bán thuốc giả đã vi phạm đạo đức kinh doanh rồi nhưng nghiêm trọng hơn đó còn là hành vi vi phạm đạo đức con người. Những con người tự tay giết chết đồng loại của mình là tội ác ghê gớm phải bị xử lý. Người nào “bảo kê” cho chúng thì chẳng khác nào là tội phạm cả.
VN Pharma bán thuốc ung thư giả hại người như vậy mà còn xảo ngôn trước tòa.
Hội đồng xét xử vụ VN Pharma lần 2 đã triệu tập gần 200 người, trong đó có thành viên Hội đồng Giám định Bộ Y tế, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. HCM, Cục Quản lý dược và Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhưng nhiêu đó liệu đã đủ hay chưa? Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, tại Điều 12 Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký, hơn nữa còn phải chịu trách nhiệm với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực dược. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng chuyển Kết luận thanh tra sang Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, Đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Nhưng bây giờ cái người dân quan tâm bây giờ không chỉ là trách nhiệm sau một vụ mua gian bán lận mà còn có thể là tính chất ghê gớm của nhóm đặc quyền đặc lợi, là cơ chế quản lý của ngành Y tế bấy lâu nay. Nếu tiếp tục thanh tra, mở rộng phạm vi xem xét theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì có khi con số hầu tòa không chỉ dừng lại ở 200 người nữa.
Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chưa bao giờ có quyền trả giá hoá đơn bán thuốc. Và nếu không lôi nhóm đặc quyền đặc lợi làm giàu bằng sinh mệnh và sức khoẻ nhân dân ra ánh sáng thì công cuộc thanh lọc cán bộ, kiện toàn bộ máy nhà nước nhìn từ Bộ Y tế chỉ là cuộc “thay ngôi” mà thôi.
Đặng Trường Pháp luật , Tin trong nước , Y tế
No comments:
Post a Comment