Bộ luật Hình sự đã quy định xử lý pháp nhân nên nếu Công ty nước sạch sông Đà vi phạm nghiêm trọng có thể xử hình sự. Người dân có thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường.
Đó là quan điểm được đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đưa ra khi đề cập đến vụ hàng trăm nghìn hộ dân thủ đô thời gian qua phải sử dụng nước sông Đà bị nhiễm dầu thải.
Phản ứng chậm trễ của chính quyền
Qua vụ việc này, ông Hồng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh nguồn nước. “Tuy không nằm trong phạm trù an ninh quốc gia, nhưng an ninh nguồn nước lại tác động lớn đến an ninh quốc gia”, ông Hồng nói.
Trong quá trình thau rửa bể nước ngầm tại tòa nhà Golden Land (275 Nguyễn Trãi, Hà Nội) ngày 21/10, người dân phát hiện nước sinh hoạt có màu nâu đen, bốc mùi khét nồng nặc như dầu thải.
Ông đánh giá sự vào cuộc của chính quyền trong vụ việc này là không kịp thời. Việc này xuất phát từ nhận thức và tính chủ động trong việc xử lý sự cố liên quan đến môi trường khi có hiện tượng bất thường xảy ra.
Đại biểu Hồng nhấn mạnh câu chuyện trách nhiệm và cho rằng hai chữ “trách nhiệm” vẫn luôn ẩn khuất ở đâu đó, không rõ ràng, chỉ quy vào tập thể và không giải quyết được căn cơ các vấn đề liên quan.
Từ vụ việc nói trên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng trước hết cần phải có quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ nguồn nước, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
Đặc biệt, phải có cơ chế xử lý kịp thời khi các sự cố xảy ra, đề phòng đến hoạt động phá hoại, đưa chất độc hại vào nguồn nước. Có như vậy khi xảy ra sự cố mới có phương án xử lý hiệu quả.
Trong câu chuyện trách nhiệm, ông Hồng cho rằng rõ ràng người đứng đầu địa phương, ở đây là Chủ tịch UBND Hà Nội, phải vào cuộc ngay tức thì. Việc mất nước xảy ra trên địa bàn Hà Nội nên lãnh đạo TP cần phải vào cuộc ngay để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Ảnh: Minh Quân.
“Sự cố diễn ra trong nhiều quận, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm nghìn người dân, thậm chí còn nảy sinh nhiều vấn đề mà người dân bức xúc, có phản ứng dẫn đến mất an ninh trật tự. Thậm chí một số người còn lợi dụng sự cố này để đầu cơ… Vì vậy, vai trò của người đứng đầu địa phương rất lớn”, ông Hồng nói
Không chỉ có Hà Nội, theo ông phản ứng của chính quyền tỉnh Hòa Bình, nơi hoạt động của Công ty nước sạch sông Đà, cũng rất chậm trễ.
Thay vì cúi đầu nhận lỗi, lại coi thường người dân
Về khía cạnh doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho rằng cần xem xét lại quy định với một doanh nghiệp cung cấp mặt hàng thiết yếu theo hướng cụ thể về việc cam kết đảm bảo chất lượng nguồn nước trong hợp đồng. Ví dụ nước đảm bảo chất lượng mới trả tiền, nếu không anh phải đền bù thiệt hại.
Hàng tấn dầu thải đổ xuống con suối đầu nguồn làm ô nhiễm toàn bộ nguồn nước sông Đà. Ảnh: Hồng Quang.
“Nhân vụ việc này tôi đề nghị báo chí lên tiếng, yêu cầu họ đền bù thiệt hại cho người dân. Tôi ủng hộ phương án đưa doanh nghiệp này ra tòa. Bây giờ người dân có thể khởi kiện về dân sự. Hội Bảo vệ người tiêu dùng Hà Nội phải đứng ra khởi kiện, giống như vụ Vedan xả thải gây ô nhiễm ở Đồng Nai trước đây”, ông Hồng nêu quan điểm.
Theo ông, vụ việc này đã khởi tố thì phải xác định rõ tội danh, nếu phát hiện đối tượng đổ dầu phải xử lý nghiêm.
Còn với vi phạm của doanh nghiệp, Bộ luật Hình sự đã quy định về xử lý pháp nhân, nên có thể nghiên cứu, xem xét doanh nghiệp vi phạm đến mức nào, nặng có thể xử lý hình sự, hoặc người dân có thể khởi kiện dân sự doanh nghiệp đó và yêu cầu bồi thường.
“Trong trường hợp này, có thể không xác định được thiệt hại vật chất, nhưng buộc doanh nghiệp phải xin lỗi và có động thái chia sẻ với người tiêu dùng. Công ty nước sạch sông Đà đã vi phạm hợp đồng vì khi sự cố xảy ra, anh xử lý không đảm bảo, không kịp thời, biết thế mà vẫn cấp nước cho người dân sử dụng”, ông Hồng phân tích.
Về việc lãnh đạo công ty này từ chối xin lỗi người dân khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra, ông Hồng đánh giá điều đó thể hiện “văn hóa doanh nghiệp”.
“Qua báo chí phản ánh, tôi được biết doanh nghiệp này có doanh thu lợi nhuận tốt. Nhưng họ nói như vậy thể hiện sự vô tâm, thậm chí là nhẫn tâm”, ông Hồng nói.
Theo ông, đây là lúc doanh nghiệp phải cúi đầu nhận lỗi, nhưng họ lại có thái độ coi thường người dân là không thể chấp nhận được. Vì vậy, cần lên án để tạo ra một văn hóa trong kinh doanh, thậm chí, cần phải xem xét trách nhiệm thông qua khởi tố vụ án và thông qua con đường khởi kiện.
Hoài Thu/Zing Kinh tế , Môi trường , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment