Cập nhật tin tức nóng hổi

Biển Đông và tình hữu hảo viễn vông!

Để đạt được mục đích của mình, Trung Quốc sẵn sàng chà đạp lên tình hàng xóm, bạn bè hữu hảo Việt Nam – điều mà dư luận trong nước và quốc tế ai cũng thấy.

Thông tin về nhóm tàu Hải Dương 8 và đoàn tàu hộ tống của Trung Quốc thời gian gần đây tiếp tục di chuyển sâu vào Khu vực Bãi Tư Chính, xâm phạm nghiêm trong chủ quyền, quyền chủ quyền lãnh hải của Việt Nam vẫn luôn nhận được sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế.
Biển Đông và tình hữu hảo viễn vông!
Hoạt động đoàn tàu hộ tống Hải dương 8 tại Bãi Tư Chính nhận được quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế

Yêu sách “Tứ Sa”

Nhiều năm qua, Trung Quốc có rất nhiều luận điệu ngang ngược để đòi độc chiếm Biển Đông. Trong đó, theo một số nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, thì yêu sách “Tứ Sa” là nguy hiểm hơn cả, bởi phạm vi của nó còn rộng lớn hơn nhiều so với yêu sách đường 9 đoạn – vốn đã chiếm tới 80% Biển Đông.

Liên quan đến cái gọi là “Tứ Sa”, Phó Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước (Bộ Ngoại giao) Trung Quốc Mã Tân Dân đã đưa ra khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với “Tứ Sa” bao gồm bốn nhóm đảo: Đông Sa (Pratas), Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và Trung Sa (Macclesfield); Đồng thời, cũng đòi hỏi quyền được hưởng vùng biển rộng lớn (gần như toàn bộ Biển Đông) xung quanh bốn khu vực quần đảo này.

Ông Mã Tân Dân cũng nhấn mạnh rằng khu vực này là vùng nước lãnh hải lịch sử của Trung Quốc và cũng là một phần của vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng yêu sách quyền sở hữu bằng việc khẳng định “Tứ Sa” là một phần của thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc.

Như vậy, lập luận pháp lý mà Trung Quốc đưa ra chủ yếu dựa trên: Một là, yêu sách “vùng nước lãnh hải lịch sử” của Trung Quốc; Hai là, cho rằng khu vực này thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, được xác định từ phần lãnh thổ Trung Quốc có chủ quyền; Ba là, đáng chú ý Trung Quốc cũng đòi hỏi yêu sách chủ quyền thông qua việc khẳng định “Tứ Sa” là một phần thuộc thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc.

Để hiện thực hóa cho lập luận, yêu sách trên, Trung Quốc tiếp tục quan điểm bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài, và tăng cường khống chế, kiểm soát toàn bộ Biển Đông dưới nhiều hình thức và bằng nhiều công cụ khác nhau, trong đó vận dụng cả mặt trận pháp lý (Trung Quốc vốn bị xem là yếu thế), thông qua việc khẳng định chủ quyền đối với “Tứ Sa”, để từ đó tiến tới yêu sách các vùng biển rộng lớn, bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông.

Minh chứng cho sự ngang ngược đó chính là vùng hoạt động của tàu Hải Dương Địa chất 8 đã đi vào Bãi Tư Chính, xâm phạm nghiêm trọng thềm lục địa của Việt Nam. Phạm vi này hiện không nằm trong phạm vi đường 9 đoạn, nhưng nó lại nằm trong yêu sách “Tứ Sa”.

Đến thời điểm này, cả Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người phát ngôn Bộ Ngoại giao của nước này là Cảnh Sảng đều đã khẳng định yêu sách “Tứ Sa”, thể hiện rõ dã tâm biến Biển Đông thành “ao nhà”.

Mặc cho, về cơ sở pháp lý, cũng giống như yêu sách “đường đứt đoạn” trước đây, yêu sách các vùng biển dựa trên chủ quyền đối với “Tứ Sa” cũng chỉ là một phiên bản mơ hồ, thiếu rõ ràng, lập luận pháp lý không có căn cứ và thiếu logic.

Căng thẳng ở Bãi Tư Chính càng cho rõ tình “hữu hảo” viễn vông.
Biển Đông và tình hữu hảo viễn vông!
Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh hải Việt Nam khi đi vào Bãi Tư Chính

Khu vực bãi Tư Chính nói riêng và rộng hơn là vùng biển nam Biển Đông, vốn hoàn toàn nằm trong vùng 200 hải lý đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tính từ đất liền.

Nhưng, Trung Quốc có nhiều luận điệu về vấn đề Biển Đông. Trong đó, luận điệu quần đảo Trường Sa thuộc về Trung Quốc, là “2 lần sai”, như Thiếu tướng Lê Văn Cương lý giải: Cái sai thứ nhất, là theo Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982, quần đảo Trường Sa không được hưởng quy chế quốc gia quần đảo, nên không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý. Và cái sai thứ hai, đương nhiên, là quần đảo Trường Sa không thuộc về Trung Quốc. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo này.

Ấy thế mà, nhìn từ thực tế Biển Đông hiện nay cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả Mỹ, vì tính toán đến lợi ích của họ trong quan hệ với Trung Quốc, đều muốn đứng trung lập. Họ không muốn tỏ rõ lập trường của mình về chủ quyền đối với các thực thể địa lý đang có những tranh chấp giữa các quốc gia ở chung quanh Biển Đông.

Trong số lập trường trung lập đó không thể không nói đến Mỹ. Những gì diễn ra trên thực địa và bàn cờ chính trị – ngoại giao cho thấy, chính sách Biển Đông của Mỹ dưới thời chính quyền Trump vẫn chưa được định hình rõ ràng. Nhiều khả năng sự quan tâm đối với tình hình Biển Đông và sự ủng hộ đối với các nước yêu sách khác trong khu vực của Mỹ sẽ suy giảm. Vì vậy, Trung Quốc muốn tận dụng cơ hội để triển khai chiến thuật mới khẳng định chủ quyền đối với “Tứ Sa”.

Có lẽ Trung Quốc biết khai thác tình thế này để né tránh sự chỉ trích của dư luận bằng cách sử dụng lãnh thổ “Tứ Sa”mà Bắc Kinh tuyên bố có “chủ quyền lịch sử” để làm cơ sở mở rộng các vùng biển “liền kề”. Muốn làm việc này, Trung Quốc sẽ phải tiếp tục cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Mặt khác, không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc vẫn âm mưu độc chiếm biển Đông để làm bá chủ thế giới. Bởi lẽ theo nhà chính trị học Bill Hayton từng lý giải thì: “Biển Đông là mắt xích sống còn của giao thương toàn cầu, nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, Vịnh Ba Tư và Châu Âu”. Nếu ai đó năm quyền làm chủ biển Đông thì gần như thống trị cả thế giới.

Chưa kể, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng với tư cách là các vị trí phòng thủ chiến lược trọng yếu đối với nhiều quốc gia trong khu vực Biển Đông. Đồng thời là các cơ sở hậu cần phục vụ các hoạt động biển xa, như kiểm soát các tuyến hàng hải đi qua lại trên Biển Đông, dùng cho mục đích quân sự như đặt trạm ra-đa, các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng và tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền.

Tuy nhiên, dù có nói gì đi nữa thì một đất nước bị xâm phạm chủ quyền thì vẫn phải lên tiếng, đấu tranh. Dù họ có ngông cuồng dã tâm đến đâu thì mọi bằng chứng pháp lý, lịch sử về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn thuộc về Việt Nam. Những gì mà người Trung đang gây hấn ở phạm vi lãnh hải, quyền chủ quyền của Việt Nam càng minh chứng cho cái gọi là tình hữu hảo, láng giềng của Trung Quốc với Việt Nam chúng ta cũng chỉ là viển vông.

Dĩ nhiên, Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, hơn bất kỳ dân tộc nào, đất nước nào trên thế giới, Việt Nam luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Vì thế, những đụng độ ngoài Biển Đông nói chung và Bãi Tư Chính nói riêng cho thấy Chúng ta không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ.

Liên quan đến vấn đề này, còn nhớ, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong một dịp trả lời báo giới quốc tế đã nhấn mạnh rằng: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Như vậy, có thể nói, Chính sách Biển Đông của Trung Quốc không thay đổi từ trước đến nay, từ kiểm soát tiến tới độc chiếm Biển Đông bằng nhiều biện pháp khác nhau. Diễn biến trên Biển Đông trong thời gian qua có thể thấy Trung Quốc đã linh hoạt điều chỉnh các bước đi trên cơ sở, đa dạng trong công cụ, cách thức, đối tượng và thời điểm triển khai để tăng cường ảnh hưởng chính trị, khẳng định vai trò “cường quốc biển”.

Suy cho cùng, với cái gọi là “yêu sách Tứ Sa”, nó chỉ là một thủ đoạn được Trung Quốc tính toán để hợp thức hoá yêu sách đường “lưỡi bò” phi lý nhiều tai tiếng thời gian qua. Và để đạt được mục đích của mình, Trung Quốc sẵn sàng chà đạp lên tình hàng xóm, bạn bè hữu hảo Việt Nam – điều mà dư luận trong nước và quốc tế ai cũng thấy.

Nguồn tổng hợp ,

No comments:

Post a Comment