Giải thích lý do nâng điểm thi cho 20 thí sinh, Lê Thị Dung than vãn sức khỏe quá bi đát nên giúp nâng điểm thi cho người thân quen để tạo phúc cho bản thân.
Cuối giờ sáng 15/10, HĐXX vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang bước sang phiên hỏi đáp nữ công an là Lê Thị Dung (nguyên Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang).
Lê Thị Dung bị truy tố về tội “Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 366 BLHS 2015.
Nói về việc nhờ vả nâng điểm, Lê Thị Dung cho biết, khoảng tháng 6/2018, bị cáo đến nhà riêng của Nguyễn Thanh Hoài (lúc đó là Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Giang) để đưa danh sách 5 thí sinh nhờ Hoài nâng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Sau đó, Dung đưa tiếp danh sách 15 thí sinh còn lại, nâng tổng số thí sinh được nâng điểm là 20 thí sinh. Đáng chú ý, trong đó có thí sinh Nguyễn Văn Du được nâng điểm cao nhất lên đến 37,5 điểm, chênh lệch 29,75 điểm so với điểm thực.
Nói về lý do cũng như danh sách những người được Dung nhận lời giúp đỡ, bị cáo nói: “Tôi nghĩ đây đều là chỗ ân nhân của tôi, nếu không giúp được thì tâm can tôi rất áy náy”.
Bị cáo cho biết, 12 người nhờ giúp nâng điểm cho 20 thí sinh đều là những người thân thiết như người nhà, người bên gia đình thông gia và ân nhân. Trong số 20 thí sinh có một người cháu ruột của bị cáo sinh năm 1992 là thí sinh tự do, vừa hoàn thành nghĩa vụ công an.
“Sau khi Bộ Giáo dục chấm thẩm định tôi mới thấy mình sai nên đầu tháng 9/2018 tôi đã chủ động làm bản tường trình gửi Giám đốc Công an tỉnh và Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra. Sau đó khoảng 2-3 tháng tôi bị cơ quan An ninh điều tra gọi lên làm việc”, bị cáo Dung nói.
Trong 12 người có con, cháu nhờ Dung nâng điểm có một số trường hợp ở tỉnh khác. Trả lời về lý do nâng điểm, cựu nữ cán bộ Công an Hà Giang đưa ra hàng loạt lý do khiến những người có mặt trong phiên tòa sửng sốt:
“Thứ nhất là chị gái tôi, Lê Thị Sinh nhờ nâng điểm 1 trường hợp là con của chị ấy. Đồng nghiệp của tôi là Trần Hà Thắng nhờ nâng điểm cho 4 trường hợp.
Chị Mai ở thị trấn Sơn Dương (Tuyên Quang) là đồng hương bên gia đình chồng tôi nhờ 1 thí sinh. Vợ chồng tôi đi công tác xa, 6 anh em đều công tác ở Hà Giang nên ở quê chị Mai thường xuyên quan tâm chăm sóc bố mẹ chồng tôi nên tôi giúp chị ấy.
Người tiếp theo là chị Phúc nhờ nâng điểm cho con trai chị ấy. Nói thật với quý tòa là từ năm 2013 tôi ốm rất nặng, toàn nằm viện đa khoa tỉnh, rồi về bệnh viện trung ương, khi không khỏi bệnh tôi được lãnh đạo Công an tỉnh Hà Giang đồng ý cho tôi sang Trung Quốc điều trị mà vẫn không ổn định.
Từ ngày chị Phúc đi bán hàng mã ở đền Cầu Má, tôi và chị ấy quen biết nhau. Nói thật với quý tòa, có bệnh vái tứ phương, thuốc tha ma cầu, chị Phúc sắp lễ cầu cúng cho tôi, không có vật chất thì cũng là tinh thần nên tôi mang ơn chị ấy.
Người tiếp theo là anh Long, trú tại phường Tân Quang, tỉnh Tuyên Quang, là nhân viên trông xe ở bệnh viện tỉnh.
Nói thật với quý tòa vì thời gian tôi nằm viện anh ấy giúp đỡ mua bán các thứ rất nhiều, nên tôi coi anh ấy như ân nhân, nên tôi nhờ nâng điểm cho con trai anh ấy. Người tiếp theo, anh Chỉnh, cháu họ mẹ tôi, nhờ nâng điểm cho con trai và 2 người cháu con trai ruột của anh ấy.
Người tiếp theo, anh Tám, lái xe Sở Công thương Tuyên Quang, là người nhà của em rể tôi.
Người tiếp theo, chị Ngân ở tỉnh Thanh Hóa. Nói thật với quý tòa, hơn 1 tháng điều trị bệnh ở bệnh viện Bạch Mai, tôi cùng chị ấy điều trị và quen nhau. Nhiều lúc tôi đang khỏe lại quay ra chuếnh choáng mà không có người nhà tôi bên cạnh thì chị ấy và người nhà chị ấy giúp tôi, kể cả đi vệ sinh cá nhân. Chị ấy là ân huệ của bản thân tôi, nên tôi nhờ nâng điểm cho con trai chị Ngân.
Người tiếp theo, chị Vụ ở Triệu Sơn, Thanh Hóa, là người thân bên bên gia đình thông gia, nhờ nâng điểm giúp con và cháu.
Người tiếp theo, cháu Hoàng làm nghề lái xe, chuyên cắt thuốc nam cho tôi bao nhiêu năm nay rồi. Cháu Công, nhân viên nhà hàng cá ở Sơn Dương, tôi hay ăn nhà hàng này, thấy cháu ngoan ngoãn, lễ độ nên giúp”.
Bị cáo Lê Thị Dung cho rằng mình chỉ làm dựa trên mối quan hệ giúp người chứ không vì mục đích khác. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng nhất định phải có lý do nào đó.
“Người thân của thí sinh nhờ thì tôi cũng chỉ biết giúp thôi, ngoài cháu ruột tôi ra tôi không biết là các cháu khác thi những môn gì, thi bao nhiêu môn và đăng ký vào trường nào,” Lê Thị Dung nói.
HĐXX cho rằng “không ai làm điều gì mà không có mục đích cả, bị cáo nói như thế là không có cơ sở. Khi đưa danh sách bị cáo phải biết nguyện vọng của các thí sinh này muốn gì”.
Đến lúc này, Lê Thị Dung lại đưa lý do bệnh thần kinh tiền đình ra để than vãn,
“Trước khi nhờ anh Hoài, tôi chỉ nghĩ là sức khỏe của tôi quá bi đát. 10 giáo sư đầu ngành ở Bạch Mai còn không làm gì được, đến khi tôi gặp họ, tâm nguyện của tôi chỉ nghĩ là giúp đỡ mọi người để tạo phúc cho tôi”.
Dung cho rằng mình chỉ nhờ Hoài trên phạm vi cho phép, chứ chưa bao giờ nói là được nâng bao nhiêu điểm.
“Tôi không bao giờ nghĩ anh Hoài lại nâng điềm nhiều như thế, lúc đó tôi mới ngộ nhận là mình vi phạm pháp luật”, cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang nói trước tòa.
Thẩm phán, Chủ tọa Vương Thị Thu Hà phân tích: “Cho dù nâng đến nửa điểm cũng là trái pháp luật. Mình phải làm đúng với lương tâm, đạo đức con người mới là tạo phúc”.
Phiên tòa kết thúc lúc hơn 11h, chiều nay phiên tòa tiếp tục phiên xét hỏi.
Theo VTC News Giáo dục , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment