Cập nhật tin tức nóng hổi

‘Lão phật gia’ đã bị lộ và ‘lời giải’ về mảnh giấy bí ẩn

Cựu trưởng phòng khảo thí Nguyễn Thanh Hoài khai “Lão Phật gia” là biệt danh của bà Tống Thị Bê – Chủ tịch công đoàn giáo dục Hà Giang đã nghỉ hưu, không liên quan tới gian lận thi 2018.

Chiều nay (14/10), TAND tỉnh Hà Giang tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 ở tỉnh Hà Giang.

Trong phiên chiều nay, HĐXX hỏi bị cáo Nguyễn Thanh Hoài – cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang), trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có thu được mảnh giấy có chữ “Lão phật gia” kèm theo là số báo danh.

“Theo bị cáo “Lão phật gia” là ai và số báo danh này có liên quan gì đến kỳ thi THPT quốc 2018?” – chủ tọa hỏi.

Bị cáo Hoài khẳng định “Lão phật gia” là chị Tống Thị Bê – cựu Chủ tịch Công đoàn Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang. Số báo danh kèm theo mảnh giấy có ghi chữ “Lão phật gia” không liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2018, mà chỉ là nhờ xem điểm giúp kỳ thi vào lớp 10.

Trước đó, bản kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang thể hiện trong số các vật chứng cảnh sát thu giữ có mẩu giấy khổ 10 x 9cm có ghi “P.T.H.Tr, SBD: 070389; P 17; HĐT Hùng An (Lão phật gia nhờ)”.

Nội dung này được hiểu là thí sinh H.Tr có SBD như trên, phòng thi tại Hội đồng thi Trường THPT Hùng An (trụ sở tại huyện Bắc Quang, Hà Giang). Người nhắn nhờ Nguyễn Thanh Hoài có ghi biệt danh là “Lão phật gia”. Tuy nhiên, kết luận điều tra không làm rõ “Lão phật gia” là ai.

Còn bản cáo trạng của Viện KSND tỉnh Hà Giang công bố ngày 22/8/2019 nêu cảnh sát đã thu giữ 26 vật chứng. Trong đó, cũng có mẩu giấy khổ 10x9cm có ghi: “P.T.H.Tr, SBD: 070389; P 17; HĐT An Hùng”, được thu giữ tại nhà bị can Nguyễn Thanh Hoài.

Những thông tin về vật chứng này trùng khớp với mẩu giấy là vật chứng do cơ quan điều tra kết luận. Tuy nhiên, trong cáo trạng đã “cắt” chi tiết trên mẩu giấy ghi “Lão phật gia” như trong bản kết luận của Cơ quan ANĐT Công an tỉnh trước đó. Ngoài ra, cảnh sát cũng thu giữ một mẩu giấy khác có kích thước 20x15cm có ghi “chuyên 3”.

5 bị can trong vụ gian lận thi cử Hà Giang bị truy tố với 3 tội danh:

Cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT Triệu Thị Chính (51 tuổi) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo điều 358 Bộ luật Hình sự 2015.
‘Lão phật gia’ đã bị lộ và ‘lời giải’ về mảnh giấy bí ẩn
Bà Triệu Thị Chính

Bị can Phạm Văn Khuông (60 tuổi) và bà Lê Thị Dung – cựu phó đội trưởng đội giáo dục Phòng an ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh Hà Giang) cùng bị xét xử về tội Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, theo điều 366 Bộ luật Hình sự 2015.

Nguyễn Thanh Hoài – cựu trưởng phòng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang), Vũ Trọng Lương (41 tuổi) – cựu phó phòng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài không trực tiếp sửa điểm thi nhưng đã đưa danh sách 93 thí sinh cần nâng điểm cho Vũ Trọng Lương.

Ngoài danh sách trên, Vũ Trọng Lương còn nhận trực tiếp nâng điểm cho 14 thí sinh. Kết quả, bị cáo Lương sửa 309 bài thi trắc nghiệm các môn trên 249 ảnh gốc bài thi (phiếu trả lời trắc nghiệm) của 107 thí sinh.

Bị cáo Phạm Văn Khuông đã nhờ Hoài can thiệp, nâng điểm thi cho con trai để đỗ Đại học Y Thái Bình.

Bị can Lê Thị Dung do mối quan hệ quen biết nên nhờ và được ông Hoài giúp nâng điểm cho 20 thí sinh.

Bà Triệu Thị Chính là trưởng ban chấm thi cũng đã đưa danh sách 13 thí sinh nhờ nâng điểm nhưng ông Hoài chưa giúp được bà Chính.

Theo Trí thức VN , ,

No comments:

Post a Comment