Cập nhật tin tức nóng hổi

Vụ đường lưỡi bò trong phim Everest: ‘Nếu có sai, chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm’

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chủ tịch Hội đồng thẩm định phim quốc gia, ông Trần Thanh Hiệp, khẳng định: “Nếu duyệt sai, chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm”.
Vụ đường lưỡi bò trong phim Everest: ‘Nếu có sai, chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm’
Hình lưỡi bò xuất hiện trong phim Everest – Người tuyết bé nhỏ bị khán giả phát hiện

Liên quan đến vụ việc phim Everest – Người tuyết bé nhỏ (Abominable) đột ngột rút khỏi rạp chiếu tối 13-10 vì bị khán giả phát hiện phim có để lọt một số hình ảnh bản đồ với đường lưỡi bò, sáng 14-10, Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.

Người phát ngôn của bộ cho biết hiện nay Cục Điện ảnh đang kiểm tra thông tin và mọi thứ đều phải làm theo quy trình, chưa thể phát ngôn gì thêm. Tuổi Trẻ Online liên hệ với chủ tịch Hội đồng thẩm định quốc gia, ông Trần Thanh Hiệp cho biết ông đang đi công tác.

“Hôm trước có một chị phóng viên hỏi tôi xem phim Everest – Người tuyết bé nhỏ chưa, lúc đó nghe loáng thoáng tên phim là Everest tôi nói tôi chưa xem. Nay tôi xác nhận là tôi đã duyệt bộ phim này rồi, và tôi nhớ tên phim theo tựa tiếng Anh là Abominable.

Phim này là phim hoạt hình dành cho thiếu nhi, nội dung về bảo vệ môi trường, nên… trong quá trình duyệt hoàn toàn có thể xảy ra sơ suất. Hiện chúng tôi đang phải kiểm tra lại bản phim. Nếu có sai sót chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm”, ông Trần Thanh Hiệp nói.

Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, Hội đồng thẩm định phim quốc gia hiện nay gồm 11 thành viên, trong đó có nhiều người đã hoặc đang công tác tại Cục Điện ảnh.

Được biết 11 thành viên này đang phải gánh một khối lượng công việc rất lớn, khi mỗi năm có khoảng 200 phim nước ngoài nhập về Việt Nam và khoảng 40 phim nội địa được gửi tới duyệt. Khi phim gửi đến thì trong khoảng thời gian 15 ngày hội đồng phải hoàn thành thủ tục duyệt phim để Cục Điện ảnh cấp giấy phép hoặc từ chối cấp phép.

Một số cựu thành viên hội đồng từng chia sẻ rằng công việc này không đơn giản, nhất là đối với những thành viên tuổi đã cao. Vì có những ngày họ phải duyệt tới hai phim, nếu thuộc thể loại hành động và phim kinh dị thì quả là một sự “tra tấn” không hề nhẹ.

Hội đồng thẩm định phim quốc gia theo luật phải gồm 5 thành viên trở lên do Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch thành lập. Hội đồng hoạt động theo nhiệm kỳ, có trách nhiệm tư vấn cho lãnh đạo Cục Điện ảnh ra quyết định cấp phép phổ biến và phát hành phim.

Với sự phát triển quá nhanh của điện ảnh trong một thập niên trở lại đây, cơ chế duyệt phim đang cho thấy có rất nhiều bất cập.

Năm ngoái, thông tin phim Điệp vụ Biển Đỏ của Trung Quốc có cài cắm những thông tin bất lợi cho Việt Nam về chủ quyền biển đảo sau khi Cục Điện ảnh kiểm tra thông tin, lãnh đạo cục vẫn khẳng định cục làm đúng quy trình, dù có nói sẽ “rút kinh nghiệm” sau vụ việc này.

Còn vụ phim Ròm chưa được cấp phép vẫn đi Liên hoan phim Busan và đoạt giải thưởng cũng đặt ra câu hỏi về vấn đề duyệt phim tại Việt Nam.

Theo Tuổi trẻ
, ,

No comments:

Post a Comment