Tình báo Trung Quốc không hề biết Hu cũng làm việc cho tình báo CHDC Đức. Tình báo CHDC Đức chỉ biết Hu làm cho CIA. Trong khi, CIA không hề biết Hu là điệp viên của cả CHDC Đức và Trung Quốc.
Câu chuyện được bắt đầu vào năm 1967, khi chàng trai CHDC Đức Horst Gasde “vinh quy bái tổ” trở về từ Bắc Kinh sau những năm học tiếng Trung Quốc. Gasde không chỉ mang theo tấm bằng tốt nghiệp đại học mà còn giới thiệu với bố mẹ nàng dâu Hu Shi Meng người bản xứ.
Tình báo Trung Quốc không hề biết Hu cũng làm việc cho tình báo CHDC Đức. Tình báo CHDC Đức chỉ biết Hu làm cho CIA. Trong khi, CIA không hề biết Hu là điệp viên của cả CHDC Đức và Trung Quốc. (ảnh minh họa)
Về nước, Gasde làm giảng viên ngôn ngữ tại Đại học Humbold, còn Hu làm gia sư cho các nhà ngoại giao và doanh nghiệp Trung Quốc đang làm ăn tại Berlin. Và cũng từ đây bắt đầu cuộc trường chinh của đôi vợ chồng vào thế giới đầy hấp dẫn của nghề tình báo.
Horst Gasde được Cơ quan Tình báo CHDC Đức (HvA) tuyển làm cơ sở chuyên theo dõi những người nước ngoài cùng công tác hoặc được anh giảng dạy, chủ yếu là người Trung Quốc. Gasde liền giới thiệu với cấp trên cô vợ người Hoa như “một điệp viên tiềm năng”.
Lời giới thiệu và bảo lãnh của Gasde được lãnh đạo chấp thuận. Đôi vợ chồng trẻ bắt đầu hợp tác và nhận tiền của HvA mà lờ đi rằng Hu là nhân viên được trả lương của tình báo Trung Quốc. Họ thực hiện một trò chơi tình báo hết sức liều lĩnh, song cũng rất giản đơn là báo cáo bất kì điều gì biết được về bên này cho bên kia và ngược lại.
Thật bất ngờ là cả hai phía tỏ ra hài lòng về những gì đôi vợ chồng điệp viên nghiệp dư này báo về. Tiền thù lao từ cả hai phía bắt đầu chảy vào nhà Gasde-Hu, giúp cho vợ chồng họ thực hiện được những chuyến du lịch xa hoa, mua nhà, ôtô cùng nhiều tiện nghi xa xỉ.
Đó là những tháng năm mà quan hệ Xô Trung ở vào trạng thái lạnh lẽo cực điểm. Cơ quan tình báo hai nước này chỉ có một “cửa” duy nhất để tìm hiểu về nhau là thông qua CHDC Đức. Tình báo đại lục dùng Hu Shi Meng để “đi” vào mặt sau của Xô-viết, còn HvA cũng sẵn sàng chuyển giao tất cả những gì họ biết về Trung Quốc cho ông anh KGB.
Vợ chồng Gasde-Hu lại có thêm việc làm, và két bạc trong nhà cũng như tài khoản ở ngân hàng của họ cứ đầy thêm mãi. Cứ mỗi lần họ về thăm quê ngoại, họ hàng nhà Hu đều choáng ngợp và thán phục sự giàu có, lịch lãm của cô cháu gái chỉ làm gia sư.
Trò chơi kéo dài đã được 10 năm. Kết quả duy nhất là vợ chồng Gasde ngày càng trở nên giàu có, còn cơ quan tình báo của ba nước thì cũng càng trở nên bối rối. Thực ra KGB bắt đầu nghi ngờ, nhưng họ im lặng để tự chắt lọc lấy những thông tin cần thiết cho mình trong số hàng chục báo cáo được người anh em HvA hào phóng trao cho.
Đến năm 1978, tình hình lại càng rắc rối khi HvA quyết định dùng Hu Shi Meng để nhử CIA vào cuộc. Tổ điệp báo của CIA ở Berlin là một trong những lưới điệp báo hoạt động luộm thuộm và kém cỏi nhất.
Ảnh minh họa
Thông qua các cuộc nghe trộm điện đàm của các nhân viên tổ này, CHDC Đức nắm bắt được nhu cầu của CIA tuyển mộ người Trung Quốc đang làm việc ngoài đại lục, để bù vào chỗ trống ở bên trong Trung Quốc mà CIA phải rút đi bởi những lí do tế nhị trong quan hệ hai nước.
Hu Shi Meng liền được phái sang Tây Berlin. Cô suốt ngày thơ thẩn ở một trung tâm sách báo lớn và bỏ hàng tiếng đồng hồ xem những ấn phẩm bằng tiếng Hoa. Đúng như HvA dự đoán, chỉ một thời gian sau một người Mỹ đã tiếp cận Hu, nói bằng một thứ tiếng Đức giả cầy tồi đến nỗi Hu phải chủ động chuyển sang trò chuyện bằng tiếng Anh.
Gã này bắt đầu “tuyên truyền vận động” Hu, chỉ còn thiếu nói toạc ra mình là nhân viên CIA. Hu giả vờ tỏ ra quan tâm đến lời đề nghị nhưng nói để cho cô có thời gian suy nghĩ. “Thời gian suy nghĩ” chính là khi cô trở về Đông Berlin, báo cáo cấp trên là cá đã cắn câu.
Chỉ sau một tuần, Hu Shi Meng chính thức được CIA công nhận là điệp viên của họ. Có lẽ cảm thấy “buồn” và muốn có thêm thu nhập, Hu giới thiệu chồng với CIA, không quên quảng cáo rằng Gasde “có những mối quan hệ chặt chẽ với các quan chức cao cấp CHDC Đức”.
Thật ngạc nhiên, ngay lập tức CIA kí hợp đồng làm ăn với Gasde, trong đó điều khoản quan trọng nhất là mỗi tháng CIA chuyển 300USD vào tài khoản của cặp vợ chồng “đầy triển vọng”. Hai vợ chồng sang Tây Berlin như đi chợ. Xe của CIA đợi sẵn ở bên kia trạm kiểm soát, đưa hai người lúc đi cùng, lúc đi riêng đến một nơi an toàn.
Tại đây, họ thậm chí không cần viết báo cáo mà chỉ đơn giản ngồi kể những điều họ thu thập được về hoạt động của các nhà ngoại giao và doanh nghiệp Trung Quốc ở CHDC Đức. Điều người Mỹ không hề ngờ là những thông tin đó là do HvA chế biến từ những tin giả, tin rởm mà tình báo Trung Quốc giao cho Hu Shi Meng.
Cho đến giờ người ta vẫn không hiểu sao lại có chuyện ngớ ngẩn và khó tin như thế.
Hu làm việc cho tình báo Trung Quốc, nhưng tình báo Trung Quốc không hề biết cô đồng thời đang làm việc cho tình báo CHDC Đức. Tình báo CHDC Đức cũng không biết Hu là gián điệp Trung Quốc, nhưng biết cô hoạt động cho CIA. CIA không hề biết Hu là điệp viên của CHDC Đức và Trung Quốc.
KGB thậm chí không biết Hu là ai vì họ nhận mọi thông tin hầu như “miễn phí” qua HvA. Còn tin được gọi là “tình báo” mà các bên nhận được từ Hu đều là tin giả mà các cơ quan tình báo xào nấu lại từ chính các tin giả của nhau.
Gasde có công việc giống vợ, chỉ khác là anh ta không làm cho tình báo Trung Quốc, nhưng tham gia trò chơi cùng vợ và những điều anh ta thu lượm được cũng đến tai tình báo Trung Quốc thông qua Hu.
Trò chơi cứ thế tiếp diễn thêm 10 năm nữa, tiền bạc của cả 4 bên cứ thế chảy vào túi nhà Gasde. Mãi trước khi bức tường Berlin sụp đổ thì Gasde và Hu mới bị lộ chân tướng, nhưng HvA không kịp xử lí vì nước Đức tái thống nhất. Hồ sơ rơi vào tay cơ quan tình báo Cộng hoà Liên bang Đức.
Đến lúc đó các bên mới tá hoả rằng, họ đã bị vợ chồng Gasde qua mặt trong suốt từng ấy năm. Thế nhưng, không ai tính đến chuyện xử lí vụ việc này. Có lẽ vì các “ông lớn” tình báo thế giới cảm thấy hổ thẹn. Chính vì vậy mà vợ chồng Gasde-Hu vẫn sống bình yên, sung túc bằng chính những khoản tiền mà các cơ quan tình báo hàng đầu thế giới biếu không.
Nguyên Phong
(Theo Vietnamnet) Chính trị , Tin quốc tế
No comments:
Post a Comment