Đúng thời điểm nguồn nước của Nhà máy nước Sông Đà bị “khủng bố” thì UBND TP Hà Nội bàn về việc tăng giá nước.
Giá nước sạch của nhà máy nước sạch Sông Đà bằng 1/2 so với giá bán của nước sạch Sông Đuống.
Hà Nội chuẩn bị tăng giá nước sạch
Ngày 25/10 CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đã chính thức thông báo về việc hoàn tất khắc phục sự cố tràn dầu thải vào nguồn nước sản xuất của Nhà máy nước Sông Đà để đủ điều kiện cung cấp nước sạch trở lại cho khách hàng.
Các đối tượng đã đổ hàng tấn dầu thải xuống nguồn nước sông Đà là Lý Đình Vũ (37 tuổi) Nguyễn Chương Đại (25 tuổi, cùng quê Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (33 tuổi, quê Lạng Sơn) hiện đang đối mặt với cáo buộc phạm tội Gây ô nhiễm môi trường.
Trước đó, ngày 7/10, Nguyễn Đình Vũ thuê 2 người đi đổ 10.000 lít dầu thải vào nguồn nước Sông Đà thì chỉ 1 ngày sau đó, ngày 8/10, UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo các sở ngành về vấn đề nước sạch, trong đó giao Sở Tài chính xem xét điều chỉnh giá nước. Hiện UBND TP Hà Nội đã giao Sở Tài chính trình phương án tăng giá nước.
Hiện giá nước sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội được tính theo Quyết định 38 của Thành phố ban hành năm 2013. Thời điểm đó, TP Hà Nội quyết định tăng giá nước sinh hoạt trong 3 năm liên tiếp từ 2013-2015. Mỗi năm Hà Nội tăng giá nước một lần trong 3 năm liên tiếp, tính từ ngày 1/10.
Cụ thể, giá nước sinh hoạt (10 m3 đầu tiên) sau 3 năm tăng liên tiếp, đến năm 2015 có giá là 5.973 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt từ trên 10m3 đến 20m3, năm 2015 có giá là 7.052 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt từ 20 m3 đến 30m3, năm 2015 có giá là 8.669 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt trên 30m3, năm 2015 có giá là 15.929 đồng/m3. Theo phương án tính lũy kế theo mức sử dụng nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội chênh nhau tới 10.000 đồng/m3.
Thậm chí, hơn 2 năm trước, ngày 6/7/2017, thời điểm việc đầu tư của nhà máy thực tế triển khai ra sao chưa có kiểm toán nhưng UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án nhà máy nước sạch Sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này. Giá nước sạch tối đa của nhà máy nước sạch Sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.
“Sau khi nhà máy đi vào hoạt động cấp nước, giá nước sạch, nguyên tắc điều chỉnh giá nước sẽ căn cứ vào chính sách, pháp luật tại từng thời kỳ để thực hiện; giao Sở Xây dựng hoàn thiện thỏa thuận dịch vụ cấp nước và ký kết với công ty cổ phần nước mặt sông Đuống thực hiện”, văn bản do Phó chủ tịch TP Nguyễn Doãn Toản ký nêu rõ.
Trong khi đó, tại Quyết định phê duyệt phương án giá thành sản xuất, giá bán buôn nước sạch và phương án bù giá của công ty Công ty Nước sạch Vinaconex (nhà máy nước sạch Sông Đà) được UBND TP Hà Nội đưa ra ở các mức: năm 2013: 4.612,22 đồng/m3; 2014: 4.658,90 đồng/m3; 2015: 4.726,54 đồng.
Lộ trình tăng giá thành giai đoạn từ năm 2013-2015 dao động từ -400 đồng/m3 cho đến gần 200 đồng/m3. Lộ trình giá bán buôn nước sạch từ năm 2014-2016 cụ thể ở các mức từ 3.600-4.658,90-5.069,76 đồng/m3.
So sánh mức giá bán được phê duyệt, giá nước sạch của nhà máy nước sạch Sông Đà bằng 1/2 so với giá bán của nước sạch Sông Đuống.
Giá bán cao hơn chất lượng có tốt hơn?
Giá bán cao hơn, vấn đề đặt ra phải chăng chất lượng nước sạch sông Đuống tốt hơn sông Đà và như vậy người dân sẽ sẵn sàng bỏ ra mức chi phí cao hơn nhất là trong bối cảnh sự cố nước mới xảy ra?
Tuy nhiên, thực tế là chất lượng nước sau khi xử lý của Nhà máy nước Sông Đà hay Sông Đuống đều phải đáp ứng quy chuẩn chất lượng QCVN01:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành tức là chất lượng kiểm soát như nhau.
Không những vậy, Tổng giám đốc Nhà máy nước Sông Đuống là ông Tạ Đức Hoàng từng khẳng định, trong giá nước 10.246 đồng/m3, giá nước sản xuất chỉ có 1.000 đồng/m3, còn hơn 9.000 đồng là do xây dựng đường ống.
Theo quy hoạch hệ thống đường ống của nhà máy nước Sông Đuống gồm: Khu vực đô thị trung tâm phía Đông Bắc Hà Nội (quận Long Biên, huyện Gia Lâm, một phần Đông Anh), khu vực Nam Hà Nội (một phần quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai); đô thị vệ tinh Phú Xuyên và nông thôn liền kề. Ngoài ra, còn cấp nước cho một số khu vực của các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên. Tuy nhiên, Nước sông Đuống đã xây đường ống vào khu đô thị vệ tinh phía Tây là nơi mà Sông Đà đang thực hiện việc cung cấp nước có thể là nguyên nhân khiến đẩy chi phí xây dựng đường ống cao hơn.
Hiện nay, lĩnh vực cung cấp nước nguồn đã bắt đầu được tư nhân hoá, nhà máy nước Sông Đuống và nhà máy nước Sông Đà cung cấp nước sạch cho các công ty phân phối nước vốn đang giao cho doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp phân phối này trực tiếp bán nước cho dân.
BẢO VY/Bizlive Kinh tế , Môi trường , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment