Mặc dù pháp luật đã siết chặt tình trạng ngân hàng cho vay công ty “sân sau” nhưng tiền vẫn “chảy ngầm” tới đích theo nhiều cách lòng vòng, lắt léo. Nhận diện những công ty “bình phong” của chủ nhà băng không khó, mà vấn đề là khó xử lý, ngăn chặn rủi ro từ những khoản nợ “sân sau”.
Vốn ngân hàng vẫn “chảy ngầm” tới những công ty “sân sau” theo nhiều cách lòng vòng
Bí ẩn “hệ sinh thái DOJI”
Năm 2011, nhóm cổ đông đến từ Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI đã chớp được cơ hội hiếm có, mua 20% cổ phần TPBank, khi ấy nằm trong nhóm 9 ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu bắt buộc do kinh doanh thua lỗ tới 1.371 tỉ đồng. Sau đó, DOJI đã vực dậy hoạt động kinh doanh của TPBank, xoá sạch lỗ luỹ kế vào quý II/2015, từ đây bắt đầu báo lãi mỗi năm hàng trăm tỉ đồng.
Năm 2018, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế kỷ lục 2.258 tỉ đồng, cao gấp 4 lần so với 3 năm trước đó và riêng 9 tháng đầu năm nay đạt 2.400 tỉ đồng. Đồng thời, TPbank mua lại toàn bộ 756,6 tỉ đồng trái phiếu VAMC để chủ động xử lý nợ xấu.
Lợi nhuận TPbank cải thiện tích cực nhờ tín dụng liên tục tăng “nóng” trên 14-20% trong giai đoạn 2015-2018, cùng với việc cơ cấu nguồn thu nhập, đẩy mạnh số hoá ngân hàng…
Trong vai trò “giải cứu” ngân hàng, đại diện nhóm cổ đông lớn do ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch DOJI đã tham gia điều hành, giữ vị trí Chủ tịch TPbank. Do quy định pháp luật cấm Chủ tịch ngân hàng kiêm nhiệm chức danh tương đương tại doanh nghiệp nên năm 2018, ông Phú đã mới rút khỏi vị trí Chủ tịch DOJI. Dù vậy, việc tập đoàn tư nhân sở hữu cổ phần ngân hàng đặt ra nghi ngờ về tình trạng “ưu ái” cấp vốn vay cho hệ thống công ty “sân sau”, doanh nghiệp “thân hữu”…
Trước khi đặt chân vào TPBank, ông Đỗ Minh Phú và Tập đoàn DOJI đã cất công xây dựng hệ sinh thái gồm các công ty con, công ty liên kết ở nhiều lĩnh vực kinh doanh như: chế tác vàng, đá quý, thương mại, bất động sản, du lịch, khoáng sản… và ngân hàng là “mảnh ghép” hoàn thiện cho hệ sinh thái này.
Nhiều năm qua, Tập đoàn DOJI đã mở rộng lấn sân đầu tư bất động sản thông qua việc thành lập và thâu tóm doanh nghiệp, dự án tiềm năng. Hàng loạt dự án bất động sản lớn có quy mô vốn nghìn tỉ ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… đã âm thầm về tay DOJI.
Đơn cử: dự án khu nhà ở cao cấp tại số 1 Bến Đoan (Hạ Long, Quảng Ninh), có tổng diện tích 3,6ha (gồm hai ô đất là đất thuê có thời hạn 49 năm), dự kiến xây dựng 4 toà tháp chung cư cao 30 – 40 tầng. Dự án này do DOJI mua lại một phần đất từ dự án của Vingroup – cũng là đối tác vay vốn của TPBank. Khi giao dự án Hạ Long cho Công ty TNHH Đầu tư bất động sản DOJI (DOJI Land) thực hiện và TPBank đồng hành tài trợ vốn vay, dự án đã vướng lùm xùm bị tố là quảng cáo “mập mờ đánh lận con đen” về tính pháp lý sở hữu vĩnh viễn các căn hộ tại đây.
Hay thâu tóm khu đất 12.868m2 tại trung tâm Hải Phòng thông qua mua lại 91% cổ phần CTCP Thương mại Hải Phòng Plaza, là chủ đầu tư dự án này. Được biết, tháng 8/2018, Tập đoàn TTC Land đã mua CTCP Thương mại Hải Phòng Plaza, tiến hành tăng vốn lên 310 tỉ đồng hồi đầu năm nay. Đến ngày 26/6/2019, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DOJI (DOJI Land), thành viên của Tập đoàn DOJI đã mua lại toàn bộ 91% cổ phần CTCP Thương mại Hải Phòng Plaza. Mặc dù làm ăn thua lỗ, dự án treo cả chục năm trời và gánh khoản nợ hàng trăm tỉ đồng nhưng Hải Phòng Plaza vẫn được “sang tay” với giá cao tới 405 tỉ đồng, gấp đôi mức giá mà TTC Land đã chi mua công ty này trước đó.
Trong hệ sinh thái DOJI hiện có một cái tên đáng chú ý là Công ty CP Phát triển Bất động sản DPV (thành lập cuối năm 2014), có ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất... DPV được sáng lập bởi các lãnh đạo ngân hàng nổi tiếng như ông Kiều Hữu Dũng, từng là Chủ tịch Sacombank (góp 374,2 tỉ đồng, chiếm 40% vốn). Ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch TPBank và Tập đoàn DOJI cũng sáng lập DPV nhưng không trực tiếp đứng tên cổ phần, mà nhóm DOJI Land và bà Đỗ Vũ Phương Anh (con gái ông Phú) nắm 20% cổ phần.
Đến năm 2015, ông Kiều Hữu Dũng rút hết vốn thì nhóm DOJI nâng sở hữuu tại DPV lên 37,5% cổ phần. Công ty TNHH KD và Cộng sự (10%) và Công ty TNHH Đầu tư TP Việt Nam (12,5%), chưa rõ có sự liên quan nào đến nhóm ông Đỗ Minh Phú…
Ông Đỗ Minh Phú đã cất công xây dựng hệ sinh thái gồm các công ty con, công ty liên kết mà bất động sản là cỗ máy “ngốn” nhiều vốn nhất. Ảnh: DOJI.
“Trạm trung chuyển vốn”?
Sở hữu hệ sinh thái doanh nghiệp ở 3 lĩnh vực chủ lực tài chính-bất động sản-thương mại, Tập đoàn DOJI ngày càng phát triển bành trướng, mở rộng dự án đầu tư… đòi hỏi áp lực huy động tài chính rất lớn.
Ở lĩnh vực bất động sản, DOJI đang có những bước đi khá lạ trong việc thâu tóm quỹ đất đai màu mỡ, cũng như xoay sở nguồn vốn triển khai hàng loạt dự án nghìn tỉ.
Có thể thấy, khi TPBank trở thành đối tác tài trợ vốn cho dự án của Vingroup thì DOJI cũng xuất hiện, mua lại một phần dự án bất động sản của chính Vingroup.
Song song với quá trình mua bán CTCP Thương mại Hải Phòng, TTC Land đã bắt đầu được TPBank cho vay vốn với tổng dư nợ hơn 151 tỉ đồng. Trong đó, TPBank đã mua 100 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp (kỳ hạn 2 năm, lãi suất 11%/năm) do TTC Land phát hành và mục đích vay là bổ sung vốn lưu động.
Theo BCTC quý 3/2019 của TTC Land, ngày 9/7/2019, TPBank đã cho TTC Land vay vốn thông qua việc mua 60 tỉ đồng trái phiếu của doanh nghiệp này. Tương tự, VIB cũng mua 60 tỉ đồng trái phiếu TTC Land. Tổng hai khoản vay này là 120 tỉ đồng, đều nhằm bổ sung vốn lưu động. TTC Land đã thế chấp bằng 95 quyền sử dụng đất tại số 16/9 đường Bùi Văn Ba, khu phố 2, quận 7, TP HCM là tài sản Công ty CP Thương Tín Tàu Cuốc (công ty con của TTC Land).
Kín tiếng nhất trong hệ sinh thái DOJI là Công ty CP Phát triển bất động sản DPV khi hầu như thông tin về dự án, tình hình tài chính, vay nợ nần… đều không được công bố. Thông tin hiếm hoi là DPV đã hợp tác đầu tư hơn 100 biệt thự tại dự án nghỉ dưỡng tại Nha Trang.
Vốn ngân hàng vẫn “chảy ngầm” tới những công ty “sân sau” theo nhiều cách lòng vòng.
Thế nhưng, DPV đã có những giao dịch vay vốn nghìn tỉ tại nhiều ngân hàng như Sacombank, Vietcombank, TPBank, Techcombank… Lãnh đạo của hai nhà băng TPBank và Sacombank có liên quan tới cổ đông sáng lập của DPV. Trong giai đoạn 2015-2019, DPV đã được các ngân hàng cho vay vốn và dư nợ đến cuối năm 2018 là hơn 927 tỉ đồng. Đến cuối quý 1/2019, DPV đã tất toán trả hết nợ vay.
Câu hỏi đặt ra là vì sao DPV lại được các ngân hàng “ưu ái” cho vay cả nghìn tỉ đồng và khoản nợ vay có tài sản đảm bảo theo đúng quy định hay không?
Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 đã nghiêm cấm việc ngân hàng cho vay đối với các lãnh đạo trong Hội đồng quản trị và Ban giám đốc ngân hàng, công ty có người đại diện vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu ngân hàng là công ty TNHH… Quy định về giới hạn cấp tín dụng này nhằm ngăn chặn hành vi ngân hàng “bơm” vốn cho vay đối với các công ty “sân sau” của lãnh đạo chủ chốt, cổ đông lớn, các bên liên quan… có thể gây rủi ro thiệt hại mất vốn lớn.
Vấn đề quan trọng là khi các giao dịch cho vay, mua trái phiếu được thực hiện chuyển vốn lòng vòng thông qua các công ty trung gian, nhằm “bật tường” cho vay “sân sau” thì cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước liệu có phát hiện, xử lý kịp thời?
H.N
(Theo Tạp chí KTMT) Kinh tế , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment