ĐBQH Bình Định cho rằng, trong khi thế giới đang từ bỏ nhiệt điện than thì Việt Nam không nên xây dựng.
Ông Lê Công Nhường – ĐBQH Bình Định không đồng tình với đề xuất vay vốn T.Q xây nhiệt điện than Quảng Trạch 2.
Ông Nhường nói thẳng: “Không nên vay vốn T.Q và cũng không nên làm nhiệt điện than nữa”.
Lý giải cho quan điểm trên, vị ĐBQH đoàn Bình Định chỉ ra từng vấn đề.
Thứ nhất, về chủ trương xây dựng nhiệt điện than, ông cho rằng đây là chủ trương không còn phù hợp trong bối cảnh cả thế giới đều hướng tới năng lượng sạch như hiện nay.
Phát triển nhiệt điện than đồng nghĩa với việc phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch, và như vậy, khói thải có thể bay hàng trăm kilômet, tạo bụi siêu nhỏ mà nếu con người hít vào thì nguy cơ gây bệnh tật rất lớn. Chưa kể tới những ảnh hưởng đến chất lượng đất, mùa màng nhiều nơi…
Chính vì những tác hại nghiêm trọng như vậy mà tới nay thế giới đã bắt đầu quay lưng lại với loại năng lượng này.
Bản thân T.Q cũng đã chỉ đạo cho đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện than từ năm 2017 vì những lo ngại về ô nhiễm môi trường. Việt Nam không nên đi ngược xu hướng chung của thế giới.
Vấn đề thứ hai ông cho rằng, khi T.Q đã đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than tại quốc gia này họ sẽ tìm cách đẩy các thiết bị, công nghệ cũ kỹ, lạc hậu sang nước khác.
Nếu vay vốn xây dựng dự án Quảng Trạch 2, Quảng Bình rất khó tránh được việc phải sử dụng công nghệ của nước này.
“Quan điểm của tôi là chúng ta không thể tiếp nhận những công nghệ lạc hậu, cũ kỹ, nhất là công nghệ trong phát triển nhiệt điện than.
Tại sao T.Q đã bỏ đi mà chúng ta còn nhận về? Chúng ta nên có cái nhìn hài hạn, hướng tới đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường”, đại biểu Nhường nhấn mạnh.
Vấn đề thứ ba ông đề cập, liên quan tới đề xuất xây dựng nhà máy theo hình thức PPP (đối tác công – tư). Vị đại biểu cho rằng, đây là hình thức doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, chuyển giao – Nhà nước mua lại và quản lý.
“Với hình thức này nếu sau khi tiếp nhận mà dự án hoạt động không hiệu quả sẽ là gánh nặng cho nợ công, gánh nặng cho đất nước”, ông Nhường lo ngại.
Đại biểu Lê Công Nhường cho biết, những bất cập đã được chỉ rõ nhưng nếu vẫn lựa chọn nguồn vốn của T.Q thì rất khó tránh được phải sử dụng công nghệ, nhân công của nước này.
Do đó, ông cho rằng, việc đầu tiên là không nên vay vốn của T.Q để xây dựng nhà máy nhiệt điện than Quảng Trạch 2.
“Dự án nào sử dụng nguồn vốn của nước này cũng bị chậm tiến độ, bị kéo dài thời gian, đội vốn cao hơn gấp nhiều lần. Hơn nữa, một dự án vay hàng nghìn tỷ đồng nhưng khi đưa vào hoạt động lại không hiệu quả sẽ là gánh nặng cho nợ công quốc giá”, ông Nhường nói.
Để tránh được những hệ lụy trong tương lai, vị đại biểu cho rằng, Quảng Bình cần đặt câu hỏi: Có cần thiết phải xây dựng một dự án nhiệt điện than trong bối cảnh hiện nay hay không khi đang có rất nhiều dự án năng lượng sạch cũng đang mời chào như, năng lượng gió, năng lượng mặt trời?
“Quan điểm của tôi là phải cân nhắc, không nên đầu tư vào nhiệt điện than nữa”, ông Nhường chốt lại.
Xây nhà máy nhiệt điện bằng vốn T.Q: Sao chưa tỉnh? Vì sao đã bỏ còn làm?
Ông Hoàng Xuân Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Nghệ An cũng lo ngại, nếu xây dựng nhà máy nhiệt điện than Quỳnh Lập 1 bằng vốn T.Q thì có nguy cơ bị phụ thuộc về vốn, công nghệ và nhân công của nước này. Như vậy rất khó kiểm soát.
Quan trọng hơn theo ông Trường là Việt Nam cũng nên đi theo xu thế chung, phát triển năng lượng sạch, công nghệ hiện đại, an toàn chứ không nên phát triển nhiệt điện than.
“Miền Nam đã phải bỏ một loạt các dự án nhiệt điện than để chuyển sang năng lượng gió, vậy tại sao còn muốn xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở Nghệ An?”, ông Trường đặt câu hỏi.
Ông Trường nói thẳng, nếu để lựa chọn công nghệ cho ngành năng lượng chỉ nên lựa chọn công nghệ của Mỹ, Nhật, Úc… Riêng công nghệ T.Q tuyệt đối không lựa chọn.
“Tôi chưa thấy dự án nào sử dụng công nghệ của T.Q mà thể hiện được tính ưu vượt, do đó, tôi không chọn công nghệ của nước này”, ông Trường nhấn mạnh.
Theo Đất Việt Chính trị , Kinh tế , Môi trường , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment