Nhiều hộ dân bất ngờ khi bị lực lượng chức năng với máy móc đến cưỡng chế những công trình như ao hồ để nuôi trồng thủy sản nhưng lại không hề nhận được bất cứ văn bản hay quyết định cưỡng chế nào từ phía Tổ công tác.
Chủ tịch UBND huyện tự “đẻ” ra cấp hành chính mới? Tại khu vực bãi ngang thì người dân chỉ xây dựng các nhà nhỏ và các ao để nuôi trồng thủy sản.
Cưỡng chế… nhưng không có Quyết định cưỡng chế
Theo phản ánh của nhiều hộ dân tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, vào ngày 22/12/2019 ông Đỗ Hùng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn đã dẫn một Đoàn cán bộ, trong đó có cả lực lượng Công an với máy móc tiến hành cưỡng chế phá dỡ các công trình bể nuôi sản xuất Hàu giống của nhiều người dân tại đây.
Điều lạ là, khi tiến hành cưỡng chế, UBND huyện Kim Sơn cũng như UBND xã Kim Đông không hề lập Biên bản vi phạm hành chính hay Quyết định cưỡng chế nào được ban hành mà ngang nhiên mang máy cuốc vào và san ủi các công trình phục vụ nuôi Hàu giống của người dân đã xây dựng trước đó.
“Chúng tôi đầu tư cả trăm triệu đồng ra để xây bể gây Hàu giống chứ có xây nhà kiên cố để ở đâu? Hiện, đang vào mùa vụ sản xuất nếu không có trục trặc xảy ra thì có thể thu hàng vài trăm triệu đồng, vì vùng Kim Sơn hiện tại là vùng sản xuất Hàu giống gần như tốt nhất cả nước, nhưng không hiểu sao ông Chủ tịch huyện lại có hành động như thế!?”. – Một người dân bị cưỡng chế công trình bức xúc.
Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Thanh tra, ông Đỗ Hùng Sơn cho biết, theo quy định thì đây là những trường hợp vi phạm và bị phát hiện bắt quả tang nên tiến hành xử lý ngay mà không cần phải lập biên bản hay ban hành quyết định cưỡng chế.
Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi: Tại sao bắt quả tang mà mang cả máy cuốc cũng như có rất đông lực lượng Công an mặc quân phục cùng tham gia và hơn nữa lại vào ngày Chủ nhật thì đây rõ ràng là việc làm có kế hoạch trước?. Ông Sơn cho biết: Công an tham gia đoàn là đi vận động người dân, còn về chiếc máy cuốc thì ông nói sẽ cho kiểm tra lại. Và ông liên tục khất lần và đề nghị sau Tết sẽ trả lời cụ thể!?.
Đây là những công trình phục vụ nuôi Hàu giống đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân
Trước đó, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XIV cuối tháng 12/2019, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III và từ đê Bình Minh III đến Cồn Nổi có diện tích khoảng 3.000 ha. Từ năm 1991 đến năm 2009, UBND huyện Kim Sơn giao các ngành chức năng của huyện ký hợp đồng sử dụng đánh bắt, tận thu hải sản tự nhiên.
Hiện nay, khu vực bãi bồi ven biển từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi không có nhà ở kiên cố, các hộ gia đình, cá nhân chủ yếu xây dựng các ao nổi, lều lán để sản xuất con giống, đồng thời chưa được đo đạc, lập bản đồ địa chính.
Đây là vùng có rất nhiều chương trình, dự án lớn đầu tư như: Dự án Cồn Nổi; dự án nạo vét cửa sông Đáy; dự án xây dựng khu nuôi trồng thuỷ sản theo hướng công nghiệp khu vực ngoài đê Bình Minh II, trong đê Bình Minh III; dự án xây dựng cảng, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền… Tuy nhiên, đến nay một số dự án không được triển khai hoặc dừng thi công gây khó khăn đến công tác quản lý vùng ven biển.
Huyện Kim Sơn cho phá dỡ mà không ban hành bất cứ Quyết định vi phạm hành chính nào nói về sai phạm trước đó.
Chủ tịch huyện Kim Sơn tự “đẻ” ra cấp hành chính mới?
Ngày 19/7/2019 ông Đỗ Hùng Sơn với tư cách Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn đã ký Quyết định số 3328 về việc thành lập “Tổ công tác thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, quản lý hành chính khu vực đất bãi bồi, ven sông, ven biển, đất có mặt nước ven biển huyện Kim Sơn”.
Tổ công tác do Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện làm Tổ trưởng và 3 cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ làm tổ viên.
“Tổ công tác thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, quản lý hành chính khu vực đất bãi bồi, ven sông, ven biển, đất có mặt nước ven biển huyện Kim Sơn”. – Điều 2 Quyết định 3328 ghi.
Tại Điều 3 của Quyết định cho biết: Kinh phí hoạt động của Tổ công tác do UBND huyện đảm bảo, giao cho Phòng Tài chính – Kế hoạch thẩm định kinh phí hoạt động của Tổ công tác trình UBND huyện phê duyệt.
Quyết định này căn cứ vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Tuy nhiên Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì chỉ quy định có 3 cấp hành chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước là cấp xã, huyện và tỉnh. Như vậy, ông Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn đã tự đẻ ra thêm một cấp hành chính mới không có trong luật và nếu có thì điều này phải do Quốc hội quyết định.
Ngày 19/12/2019, ông Đỗ Hùng Sơn tiếp tục ký Quyết định số 6126 về việc thành lập Tổ công tác tham mưu cho UBND huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước khu vực bãi nổi ven biển từ đê Bình Minh 2 đến Cồn Nổi (gọi là Tổ công tác Kinh tế biển).
Để xây dựng công trình phục vụ nuôi trồng tại khu vực này mất rất nhiều thời gian, tuy nhiên không hề bị xã Kim Đông hay huyện Kim Sơn lập biên bản xử lý cho đến khi bị đập.
Theo tìm hiểu, huyện Kim Sơn ra đời từ công cuộc khẩn hoang vùng bãi bồi ven biển. Trải qua 9 lần quai đê lấn biển, diện tích tự nhiên của huyện là 21.571,4 ha tăng hơn 4 lần so với ngày đầu mới thành lập. Với 2 vùng địa lý kinh tế: Các xã khu vực phía nam (trung tâm là thị trấn Bình Minh) nằm ở ven biển có thế mạnh về nuôi trồng và khai thác thuỷ hải sản, với trên 10.000 ha vùng bãi bồi ven biển rộng lớn và các xã bãi ngang, chứa đựng nhiều tiềm năng về thuỷ sản và du lịch.
Trả lời báo chí trước đó, ông Đỗ Hùng Sơn cho biết: Từ năm 2016 thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Nghị quyết số 02 ngày 11/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và Nghị quyết số 05 ngày 24/10/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030”, kinh tế nông nghiệp của Kim Sơn bước đầu đạt được những kết quả tích cực, nhận thức, tập quán truyền thống đang dần chuyển sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, theo nhu cầu thị trường. Vì vậy giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nông nghiệp đã được nâng lên từ 57,17 triệu đồng năm 2008 lên 160 triệu đồng năm 2018.
Người dân chỉ xây dựng các hạng mục phục vụ sản xuất nuôi trồng để nâng cao thu nhập nhưng đã bị xử lý nhưng không theo quy định của pháp luật
Nhận thức được tiềm năng, thế mạnh của kinh tế biển, huyện đã huy động các nguồn lực của địa phương và tranh thủ vốn đầu tư của tỉnh, của Trung ương để đầu tư, phát triển kinh tế biển. Đến nay, nuôi trồng và khai thác thuỷ hải sản đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, với trên 10.000 ha vùng bãi bồi ven biển và các xã bãi ngang. Các hộ nuôi từng bước duy trì và cải tạo môi trường vùng nuôi, ổn định các con giống chủ lực là tôm sú, cua càng xanh, ngao vạng và đang xây dựng các mô hình chuyển đổi con giống cho phù hợp với đồng đất như cá bống bớp, cá mú, cá nác, cá vược… Sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thuỷ, hải sản hàng năm đạt trên 20.000 tấn. Năm 2018, diện tích nuôi trồng thủy sản là 4.116,6 ha, tổng sản lượng thuỷ, hải sản đạt 26.005 tấn.
“Kêu gọi, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là phát triển giống cây trồng, con nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác; xây dựng và phát triển một số mô hình về sản xuất nông nghiệp hiệu quả phù hợp với địa phương…” -câu trả lời của ông Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn.
Câu hỏi đặt ra là tại sao chính ông Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn khi cần thì kêu gọi mọi người dân và huy động mọi nguồn lực để tham gia phát triển kinh tế biển làm giàu cho huyện, nhưng không hiểu sao khi người dân đang làm thì ông lại mang máy đi ủi. Liệu đằng sau sự việc này có gì “uẩn khúc”?
Theo Báo Thanh tra Chính trị , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment