Trung tá – chuyên gia Tội phạm học Đào Trung Hiếu (Bộ Công an) nhận định, hiện Lê Quốc Tuấn đang bị kích động, hung hãn, sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng vây bắt.
Đêm 30/1, Công an TPHCM vẫn đang khẩn trương truy bắt nghi phạm Lê Quốc Tuấn (SN 1987, công tác tại nhà tạm giữ Công an quận 11 và mang cấp hàm thượng úy) là người nổ súng khiến 5 người tử vong và 1 người bị thương xảy ra tại địa bàn huyện Củ Chi.
Trao đổi với PV về việc truy bắt đối tượng đặc biệt nguy hiểm trên, Trung tá – chuyên gia Tội phạm học Đào Trung Hiếu (Bộ Công an) chia sẻ: Nguyên tắc quan trọng của công tác bắt đối tượng đó là phải bảo đảm an toàn cho lực lượng bắt, người dân xung quanh địa điểm bắt và bản thân đối tượng cần bắt giữ.
Việc giữ an toàn cho đối tượng là để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố và xét xử sau này. Vì thế, trong những tình huống người phạm tội cố thủ, trong tay có vũ khí có tính sát thương cao như súng, đạn…thì việc gọi hàng luôn được ưu tiên.
Trong trường hợp đối tượng kiên quyết không đầu hàng, có hành vi chống trả quyết liệt như nổ súng bắn lại lực lượng thực thi công vụ thì đó là hành vi phạm tội quả tang đặc biệt nguy hiểm.
Khi đó, lực lượng bắt được phép thực hiện quyền phòng vệ chính đáng, bằng cách nổ súng để khống chế, vô hiệu hóa sự chống trả nguy hiểm của đối tượng.
Lê Quốc Tuấn trước khi gây án. (Ảnh: VNN)
Tình huống xét thấy hành vi chống trả có ác tính rất cao, ngay lập tức uy hiếp sự an toàn tính mạng, sức khỏe của lực lượng bắt và nhân dân xung quanh địa điểm bắt, việc nổ súng tiêu diệt đối tượng để kịp thời ngăn chặn hành vi nguy hiểm đó là cần thiết.
Đây không chỉ là một quyền năng pháp luật cho phép, mà còn là trách nhiệm công vụ của lực lượng bắt.
Lực lượng công an vây bắt Tuấn.
Trung tá Hiếu nhận định, hiện Lê Quốc Tuấn đang bị kích động, hung hãn, sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng vây bắt.
Đối tượng đã giết nhiều người, biết rõ cái giá phải trả của hành động tội ác đó, nên y có tâm lý “không suy nghĩ nhiều vì không còn gì để mất”.
Trạng thái này dẫn đối tượng tới những hành động phản kháng bản năng, sẵn sàng nổ súng chống trả cơ quan chức năng, khi cảm thấy bị đe dọa.
Hiểu rõ điều này, nên lực lượng bắt đã rất khẩn trương nhưng thận trọng triển khai chiến thuật bắt phù hợp.
Đầu tiên là việc phong tỏa địa điểm bắt, cách ly người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Tiếp đến là sử dụng các trang thiết bị vũ khí, khí tài, hỏa lực tương thích với đòi hỏi của tình huống bắt.
“Chiến thuật vây ráp đang triển khai tôi thấy rất phù hợp với địa hình rộng và phức tạp. Có sự tập trung chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, sự phối hợp của nhiều lực lượng hiệp đồng.
Cán bộ chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ rất tập trung và quyết tâm sớm bắt được đối tượng.
Qua hình ảnh báo chí cung cấp từ hiện trường, tôi thấy nhiều người dân do hiếu kỳ, đã tập trung quanh khu vực cách ly để xem xét sự việc.
Đây là việc làm rất nguy hiểm, vì nếu đối tượng nổ súng chống trả có thể sẽ gây nguy hiểm, thương vong không đáng có cho người dân.
Lực lượng bảo vệ vòng ngoài cần giải thích, cương quyết giải tán các đám đông không có nhiệm vụ khỏi khu vực có thể xảy ra đấu súng…” Trung tá Hiếu nói.
Theo Soha Pháp luật , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment