Cập nhật tin tức nóng hổi

Mình vừa suýt chết vì ăn tôm

Sau 30 tiếng đồng hồ mình mới hoàn hồn để chia sẻ câu chuyện Sốc Phản Vệ khiến mình suýt chết vì món Tôm để các anh chị em bạn bè – những ai chưa có nhiều hiểu biết về vấn đề này biết để phòng tránh và kịp xử lý khi mắc phải, tránh những cái chết đáng tiếc như nhiều người đã bị.
Mình vừa suýt chết vì ăn tôm
Trưa hôm qua (thứ bảy, ngày 04/12), mình có ăn 3 con Tôm hấp. Sau khi ăn xong, mình thấy ngứa và nóng 2 lỗ tai. Mình đi lên phòng ngủ ở tầng 2 thì thấy bắt đầu ngứa và nóng lỗ mũi, từ từ xuống họng... Dự cảm có điều chẳng lành, mình vớ lấy điện thoại search : “dị ứng tôm ngứa họng…” thì ra ngay thông tin: “Khi ăn hải sản (Tôm, cua, ghẹ…) có thể gây nên dị ứng, và gây ra một phản ứng nghiêm trọng có khả năng đe dọa tính mạng được gọi là sốc phản vệ, cần được cấp cứu khẩn cấp.

Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm: Cổ họng bị sưng hay nghẹn trong cổ họng (đường thở co thắt) làm cho việc hít thở khó khăn…”.

Ngay lúc ấy, mình nhìn vào gương và thấy mắt sưng đỏ, mặt nổi nốt đỏ tía tai và bắt đầu nóng kèm ngứa ran khắp người. Mình lập tức lao xuống tầng 1 bảo với 2 đứa em: “Đặt xe và đưa chị đến cấp cứu tại bệnh viện. Nếu lúc ấy chị không nói được thì bảo bác sĩ là chị bị sốc phản vệ do ăn tôm”.

Sau câu nói đó là họng sưng to, lưỡi bắt đầu tê và cứng ko nói được nữa, người càng lúc càng nóng bừng và ngứa điên cuồng, tim đập nhanh, khó thở, chóng mặt và rơi vào trạng thái lơ mơ… Các em dìu ra xe taxi đi đến viện mất khoảng 5 phút nhưng đã có dấu hiệu suy hô hấp, tim đập loạn xạ, huyết áp tụt, mạch lúc bắt được lúc không. Bắc sĩ lập tức cho thở ô-xi, tiêm các loại thuốc từ bắp đến ven…

Khoảng 5 phút sau, người mình tê cứng, ko điều khiển được và bắt đầu co giật. Có lúc mình lơ mơ, hẫng hụt như sắp vào cơn mê. Một bác sĩ đứng cấp cứu thì bảo “21 năm làm ở viện này chưa thấy ai bị sốc phản vệ với thực phẩm mà lại nhanh và nặng như vậy”. Còn bác sĩ khác đứng bắt mạch thì nói: “Em đang bị sốc phản vệ rất nặng, nếu đến viện chậm là sẽ ko cứu được, nên hãy bình tĩnh. Cố gắng hít thở thật sâu để ô - xi vào phổi càng nhiều càng tốt…”.

Khi mình co giật, đứa em hốt hoảng thì bị bác sĩ đuổi ra ngoài và quát: “Cô có bình tĩnh ko? Chúng tôi đang cố gắng đây. Cô cứ hốt hoảng như thế chúng tôi cấp cứu luôn cả cô bây giờ”. Mình ko biết phải làm sao để kiểm soát cơn co giật mỗi lúc 1 tăng…

Trong cơn hỗn loạn và sợ hãi nghĩ rằng mình sẽ chết, thì bác sĩ nói tiếp: “Tình hình của em đã khá hơn rất nhiều khi vào viện rồi. Tim đã đập ổn định hơn, mạch hơi nhanh thôi. Em cần dùng lý trí để cố gắng mở mắt ra, và để răng ko được cắn vào lưỡi…”. Thế là bằng sức mạnh và mong muốn được sống, dù nhiều lúc mình mê man, nhưng mình vẫn dùng mọi nỗ lực để mở to mắt nhìn lên trần nhà…Ngay cả khi y tá kéo giường bệnh vào phòng chụp X-quang Tim – Phổi, mình cũng mở mắt để nhìn chứ ko dám nhắm mắt lại, vì sợ chỉ cần nhắm mắt thôi là sẽ hôn mê.

Sau khoảng 20 phút co giật như thế, bác sĩ gọi em mình vào bảo: “Chị em bị sốc phản vệ rất nặng. Chỉ cần ở nhà thêm thời gian nữa thôi là ko kịp đến viện nữa đâu. Tình hình ban đầu đã được kiểm soát. Nhưng chưa tiên lượng được trong 24 giờ tới sẽ diễn biến thế nào. Nên phải nhập viện vào khoa Hồi sức tích cực để các bác sĩ xử lý tiếp”. Thế là mình được đẩy lên khoa Hồi sức tích cực. Sau khi có xét nghiệm máu, bác sĩ chỉ định tiêm thêm 2 mũi thuốc và dần dần ko co giật nữa. Mình bắt đầu thấy người mệt nhoài, nhắm mắt và ngủ thiếp đi. Khi mở mắt đã thấy nhiều người thân, bạn bè bên cạnh. Và thở phào vì biết rằng mình đã được Sống…

Sau 26 tiếng theo dõi ko thấy biểu hiện gì thì mình được về nhà. Trong sự việc của mình, có 3 điều rất may mắn:

1. Mình phản ứng nhanh nên ngay lập tức đến viện (từ khi ăn tôm đến khi vào đến phòng cấp cứu chỉ hơn 10 phút)

2. Bệnh viện gần nhà (chỉ đi hết 5 phút)

3. Là thứ 7, các em ko đi làm nên có người đưa đi viện.

Một việc tưởng như đơn giản nhưng vô cùng nguy hiểm. Nếu mình chết hôm qua thì đúng là 1 cái chết lãng xẹt.

Nên mình chia sẻ lên FB, mong sẽ có ích với mọi người. Mọi người có thể đọc để hiểu thêm về mức độ nguy hiểm cũng như thêm kiến thức để biết cách phòng vệ ở bài viết mình chia sẻ sau đây.

Bởi sốc phản vệ xảy ra với nhiều loại thực phầm, và với bất cứ ai – ngay cả khi ko có tiền sử dị ứng. Như mình từ bé đến lớn ăn tôm rất nhiều nhưng chẳng bị sao cả. Đây là lần đầu tiên bị sốc phản vệ với tôm.

Nguồn FB Hoàng Nguyên Vũ ,

No comments:

Post a Comment