Tháng 3 năm 2019, Lò Văn Diên (Sơn La) trộm cắp tài sản, và bị Công an huyện Sông Mã khởi tố bị can.
Trong số tài sản trộm cắp có 3 con ngỗng. Diên đã bán số ngỗng này cho Tòng Văn Huấn (23 tuổi) để ... Huấn nhậu.
Sau khi xác minh số tài sản Diên trộm cắp để thu hồi cho khổ chủ, cơ quan điều tra ký quyết định khởi tố bị can với Huấn về hành vi “chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Bị cáo Huấn tại cơ quan công an đang khai nhận hành vi... nhậu 3 con ngỗng. Nguồn: Vietnamnet
Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp ở Sông Mã cũng nhanh chóng phê duyệt quyết định khởi tố này.
Về phía Huấn, sau khi nhậu thịt ngỗng, Huấn không biết mình vừa phạm tội nên về Hà Nội tiếp tục làm công nhân xây dựng.
Vẫn rất nhanh, công an Sông Mã ngay lập tức ban hành lệnh truy nã Huấn vì nhận định bị can bỏ trốn.
Ngày 22/12/2019, công an quận Đống Đa (Hà Nội) bắt giữ tội phạm nguy hiểm Tòng Văn Huấn tại một công trường xây dựng và bàn giao cho công an huyện Sông Mã.
Rà soát các quy đình vụ án từ nội dung đến tố tụng thì các cơ quan tiến hành tố tụng không sai.
Theo đó, tội danh kể trên được xác lập không phụ thuộc vào giá trị tài sản tiêu thụ, 3 con ngỗng hay 3 cái nhà đều phạm tội như nhau.
Cụ thể điều 323 BLHS 2015 quy định:
“Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm” -
Như vậy, quyết định khởi tố là không hề trái luật, nhưng trong cái quyết này có gì đó rất vô cảm, thay đổi cả cuộc đời một chàng trai 23 tuổi.
Những ai học qua trường luật đều ghi nhớ câu: “Pháp luật là đạo đức tối thiểu. Đạo đức là pháp luật tối đa”.
Không phải với bất cứ hành vi phạm pháp nào và với bất kỳ cá nhân nào thì áp dụng mức hình phạt tương xứng hành vi đều là biện pháp răn đe hữu hiệu.
Các cơ quan tiến hành tố tụng hoàn toàn có thể gọi Huấn lên, buộc trả lại khổ chủ mức thiệt hại ngang giá trị 3 con ngỗng. Có khi cách hành xử nhân bản này còn mang tính giáo dục và thể hiện bản chất khoan dung của luật pháp hơn.
Bây giờ Huấn đã yên vị trong trại tạm giam, đủ thời gian để nghiền ngẫm về tội lỗi của mình, cũng như tìm đường mưu sinh cho tương lai một tiền án (vào tù ra khám) của quãng đời tuổi trẻ còn lại.
Có trong ngành pháp luật mới biết, nhà tù là trường đại học lý tưởng đào tạo tội phạm cho xã hội. Người thiện lương cách mấy ở tù ra cũng thay tâm đổi tâm tính, thậm chí đến cai tù như Tuấn "khỉ" mà còn giết người không gớm tay, chứng tỏ sức ảnh hưởng của nhà tù là không nhỏ.
Tôi ngậm ngùi nói với người mẹ đang mân mê lá đơn kêu oan trên tay: “Thôi, pháp luật nó vầy thì biết sao, tôi không giúp gì hơn được đâu. Cô về đi, dành dụm tiền thăm nuôi em nó”.
Ta không thể đòi hỏi từng câu, từng chữ trong điều luật phải có cảm xúc. Nhưng người thực thi pháp luật tuyệt đối không được vô cảm.
Luật sư NGUYỄN HỒNG LÂM Pháp luật , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment