Ngày 28/2, đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” họp phiên thứ ba, cho ý kiến về kết quả giám sát. Dự kiến, báo cáo sẽ được trình chiếu trước Quốc hội bằng video clip.
Thông tin về kết quả giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho biết, tại Trung ương cũng như nhiều địa phương, việc theo dõi, thống kê số lượng trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện chưa đầy đủ; bên cạnh đó, với tính chất đặc thù của các vụ việc xâm hại trẻ em dẫn đến số vụ việc xâm hại trẻ em bị phát hiện, xử lý được nêu trong các báo cáo đều chưa phản ánh đúng, đủ tình hình xâm hại trẻ em trên thực tế.
Ngoài các vụ việc xâm hại trẻ em đã bị phát hiện, xử lý nêu trên còn một số lượng lớn trẻ em bị xâm hại bằng các hình thức khác nhưng chưa được Chính phủ thống kê vào số vụ xâm hại trẻ em đã bị phát hiện và xử lý trẻ bị sử dụng lao động trái pháp luật, bị bỏ rơi, bỏ mặc, tảo hôn… Các hành vi xâm hại trẻ em dưới mọi hình thức đều để lại những hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài với trẻ em cũng như gia đình trẻ em.
Đoàn giám sát cũng cho rằng, một số chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là xâm hại trẻ em quy định tại các Nghị định chưa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung.
Việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tuy được quan tâm, ban hành văn bản hướng dẫn song chưa đáp ứng yêu cầu. Các ngành tố tụng chưa ban hành văn bản hướng dẫn sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình giải quyết vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn giám sát lưu ý, cần cân nhắc số liệu bảo đảm tính khách quan, chính xác. Dự kiến báo cáo sẽ được trình chiếu trước Quốc hội bằng video clip. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị hoàn thiện video clip sát với báo cáo và phản ánh đúng thực trạng về tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian qua cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.
Tại phiên họp trước đó, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Trần Thị Quốc Khánh còn đề nghị “tiêm thuốc” các đối tượng xâm hại trẻ em.
“Ở các nước họ có những loại thuốc mà khi tiêm cho những kẻ ‘bệnh hoạn’ sẽ triệt tiêu ý nghĩ xâm hại phụ nữ và trẻ em. Tôi nghĩ chúng ta làm được, tôi đề nghị giao Bộ Y tế và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu. Chúng ta chỉ xử lý hai, ba ông là xã hội trật tự ngay”, bà Khánh nêu.
Luân Dũng/TPO Pháp luật , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment