Cập nhật tin tức nóng hổi

Giá xăng đã giảm sâu, đề xuất giảm giá điện vì Covid-19, để dân còn sống được

Nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp chi phí sinh hoạt cho người dân thông qua giảm 50% giá điện, cho nợ 50% trong 3 tháng.

Thay vì phải mất 100.000 đồng mỗi lần đổ đầy bình xăng, giờ anh Trung – nhân viên một công ty thiết kế tại Hà Nội chỉ bỏ ra 50.000 đồng. Đó là do giá xăng, dầu trong nước ngày 29/3 đã giảm mạnh nhất 11 năm qua, về sát ngưỡng 12.000 đồng mỗi lít.

Thế nhưng, anh Trung nói, xăng giảm sâu lúc này không nhiều ý nghĩa vì nửa tháng nay công ty anh đã kích hoạt làm việc từ xa. Giờ anh và người thân trong gia đình chỉ ra ngoài mua nhu yếu phẩm.

Trong khi đó, tiền điện, nước, Internet.. do ở nhà, dùng nhiều nên số tiền phải trả hàng tháng tăng lên. Theo anh, cơ quan quản lý trong 2-3 tháng chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh có thể tính toán giảm giá điện qua hình thức “khuyến mãi” tỷ lệ nhất định trên mỗi hoá đơn. “Trong lúc này, lĩnh vực nào cũng khó khăn nên ngành điện, nước… cố gắng giảm lợi nhuận, doanh thu một chút để cùng chung tay chia sẻ với người dân, xã hội”, anh Trung nói.

Ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đồng Tâm đề xuất, Chính phủ có thể hỗ trợ khẩn cấp chi phí sinh hoạt cơ bản của người dân thông qua giảm nửa giá điện, cho nợ 50% còn lại. Thời gian áp dụng giảm là trong 3 tháng “đỉnh” khó khăn của dịch gồm tháng 4 ,5 và 6. Khoản nợ 50% tiền điện còn lại nên chia đều thanh toán vào năm 2021. “Hoặc hỗ trợ cho mỗi công dân Việt Nam  1-1,5 triệu đồng một người, chia ra nhận làm 3 lần trong tháng 4, 5, 6 nhằm hỗ trợ trang trải cho sinh hoạt phí tối thiểu”, ông nói.
Giá xăng đã giảm sâu, đề xuất giảm giá điện vì Covid-19, để dân còn sống được
Công nhân Điện lực TP HCM sửa chữa điện nóng trên đường dây 22kV tại khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP HCM). Ảnh: Nguyễn Thành

Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, nhiều địa phương cũng kiến nghị giảm giá các mặt hàng thiết yếu này. UBND TP HCM trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây đề nghị Bộ Công Thương bãi bỏ quy định giờ cao điểm bán điện theo khung giờ (9h30-11h30), trước mắt điều chỉnh giảm 50% giá điện giờ cao điểm trong 3 tháng (tháng 3-5) cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Còn Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản đang rất khó khăn và cố gắng hoạt động cầm cự qua thời kỳ này khi 30-40% đơn hàng xuất sang các thị trường truyền thống như EU, Mỹ… bị huỷ bỏ. Nhưng họ cũng đang phải gánh nhiều chi phí phát sinh, trong khi các chi phí đầu vào (điện, nước, tiền lương công nhân…) tăng cao đáng kể.

Trong số các kiến nghị gửi tới Bộ, ngành đề nghị gỡ khó cho ngành thuỷ sản, VASEP đề xuất Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét giảm giá điện cho các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép gia hạn thời gian thanh toán tiền điện.

Trả lời PV, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đang tính toán và sẽ có phương án hỗ trợ giá điện cho doanh nghiệp.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, sẽ đề xuất miễn, giảm giá điện cho một số đối tượng khách hàng; hoặc giãn thời gian thu tiền điện 1 tháng khi dịch bệnh.

Các đối tượng được xem xét miễn, giảm giá điện gồm các khu vực cách ly tập trung, viện xét nghiệm nCoV, bệnh viện đang chữa trị bệnh nhân Covid-19. Tập đoàn này giao các tổng công ty điện lực chủ động rà soát, thống kê các đối tượng khách hàng được hỗ trợ tiền điện. Các tổng công ty điện lực cũng được yêu cầu đưa ra giải pháp để đảm bảo cấp điện ổn định và an toàn cho các đối tượng này trong thời gian chống dịch.

Tuy nhiên, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, rất khó có thể giảm giá điện trong bối cảnh hiện nay. Vì theo ông, tiêu thụ điện trong quý I không giảm.

Số liệu của EVN cho thấy, sản lượng điện sản xuất, mua của tập đoàn này đạt gần 55 tỷ kWh, tăng 6,62% so với cùng kỳ 2019, xấp xỉ 22% kế hoạch năm. Tổng sản lượng điện thương phẩm hơn 49,2 tỷ kWh, tăng 6,34% so với cùng kỳ. Trong đó điện cho công nghiệp, xây dựng tăng 6,38%; điện cho thương mại, khách sạn, nhà hàng giảm 0,4%. Hiện tỷ trọng điện cho sản xuất công nghiệp chiếm đến 53% sản lượng tiêu thụ điện, trong khi khu vực tiêu dùng sinh hoạt hộ gia đình khoảng 35%, số còn lại thuộc khối thương mại, dịch vụ.

“Nếu cân đối tiêu thụ điện giảm đi, sản xuất, truyền tải điện bớt căng thẳng thì chuyện giảm giá có thể tính toán được. Nhưng với các dữ liệu quý I thì điều kiện này chưa xảy ra”, ông Ngãi nói.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho rằng, nếu các dữ liệu sản xuất, tiêu dùng điện trong quý II “xấu đi”, thì có thể tính toán giảm phần nào đó giá điện.

Dù vậy, với phân tích của mình, ông Ngãi nhìn nhận “giảm giá điện rất khó, chỉ nên không tăng giá lúc này. Đây cũng là cách mà ngành điện có thể hỗ trợ doanh nghiệp, người dân”.

Anh Minh/ VNE , ,

No comments:

Post a Comment