Cập nhật tin tức nóng hổi

Điều gì đã xảy ra như thế này?: chen lấn nhau để nhận gạo từ ATM free cho người nghèo

Hôm trước đã có cảnh chen lấn, xô đẩy tại “cây ATM gạo” ở Hà Nội. Nhìn cảnh này, TS Nguyễn Mạnh Hùng, người tổ chức điểm phát gạo miễn phí này đã phải thốt lên:

“Thưa bà con, chúng con là công ty làm sách, chỉ có tình thương yêu và muốn chia sẻ với bà con. Nếu bà con không thương chúng con thì chúng con phải buộc đóng cửa cây ATM gạo lại”.
Điều gì đã xảy ra như thế này?: chen lấn nhau để nhận gạo từ ATM free cho người nghèo
(Ảnh và thông tin lấy từ fb Trần Trọng An.).

Nhìn hình ảnh này thật đau lòng. Một hình ảnh giữa Hà Nội ở một hoàn cảnh tràn ngập yêu thương lá ít rách đùm lá rách nhiều giữa những ngày dịch giã. Cũng chẳng nhiều nhặn chỉ là vài ký gạo chưa đến trăm ngàn đồng bạc. Vậy mà chen lấn xô đẩy kiểu như tranh cướp. Điều gì đã xảy ra như thế này?

Văn hóa xếp hàng đã được hình thành rất lâu từ cơ chế cuộc sống tạo ra. Những ngày bao cấp tem phiếu muốn mua bất cứ thứ hàng hóa gì từ yến gạo, lạng thịt, cốc bia hơi hay suất ăn đến tấm vé xe, vé tàu vé xem hát, xem phim đều phải xếp hàng. Xếp hàng như một sự bình đẳng của trật tự xã hội. Đương nhiên thứ trật tự này chính là sự công bằng cần phải có. Vẫn có sự ưu tiên cho những người ở diện được ưu tiên. Và người dân chấp nhận trật tự ấy. Kẻ nào phá trật tự đó bị cộng đồng lên án phản ứng trực tiếp.

Cuộc sống thay đổi, cái sự xếp hàng ít dần vì cung cân bằng với cầu. Tất nhiên vẫn còn sự xếp hàng ở những chỗ cần phải xếp hàng như thanh toán siêu thị, vào quầy làm thủ tục, ra cửa sân bay, nhà ga nhưng sự văn minh được xác lập bởi sự thứ tự lần lượt. Và nhắc lại vẫn có sự ưu tiên cho người ở diện được ưu tiên như người tàn tật, vip, người cao tuổi và người có thẻ ưu tiên tích điểm.

Đấy cái sự xếp hàng mỗi thời là thế nhưng ở hoàn cảnh đột xuất không thường xuyên bởi dịch giã này thì sự chen lấn là vô cùng phản cảm và đau lòng. Dịch chưa làm bất cứ một ai chết đói. Có thể thiếu có thể khổ ở ai đó có hoàn cảnh nhưng tôi tin chắc trong số những người xếp hàng này không phải ai cũng có hoàn cảnh như thế.

Vì sao? Vì sự ích kỷ tham lam cá nhân đang ngự trị cuộc sống, chúng có mặt ở mọi lúc, mọi nơi.

Chúng ta đang nghèo, rất nghèo vì thiếu hụt nhân cách sống.

Chỉ có thể nói vậy và thật đáng thương cho tất cả chúng ta từ người chen lấn, người cấp phát và người phải chứng kiến sự nghèo đói này.

Tôi không ít lần đi miền núi cùng các đoàn thiện nguyện. Những đứa trẻ miền núi là những người được thụ hưởng quần áo rét, đồ dùng sách vở và cả đồ ăn kẹo bánh trực tiếp.

Những đứa trẻ ở những bản làng rất nghèo. Nghèo đến cơ cực nghèo đến mức bất cứ ai ở hoàn cảnh trên chúng nếu chứng kiến đều rơi nước mắt.

Nhưng những đứa trẻ rất hiếu động ấy lại trật tự xếp hàng đợi đến lượt. Chúng không vồ vập, không tranh giành có đứa thậm chí còn không biết cảm ơn dù mắt chúng xoe xoe nét hoan hỉ hồn nhiên và tận cùng trong sáng. Có đứa trẻ vì sơ suất của người phát thiếu quà chỉ ngơ ngác nhìn bạn bè nhưng tịnh không một phản ứng.

Một sự văn minh kỳ lạ ở những người dù đói nghèo nhưng biết tự trọng từ tấm bé. Tôi suy thế từ nếp sống của người dân miền núi. Đấy là bản sắc của họ.

Tôi không có ý so sánh sự chen lấn này với sự trật tự của những đứa trẻ miền núi nghèo đói và lạc hậu bởi sự khập khiễng nhưng đó là sự thật.

Hà Nội của tôi sao buồn thế này, chả nhẽ đã thê thảm đến mức ấy.

Theo HP , ,

No comments:

Post a Comment