Cập nhật tin tức nóng hổi

Khi luật pháp không mang bộ mặt con người

Khi nhà nước không thể tạo ra nhiều công ăn việc làm, thì buôn thúng bán bưng là cách người dân xoay sở với cuộc sống của mình. Và, nhất là khi người dân nghèo đang kiệt quệ sau mấy tuần cách ly xã hội để chống dịch.
Khi luật pháp không mang bộ mặt con người
Trớ trêu, một mặt nhà nước bằng các biện pháp hành chính muốn có trật tự đô thị. Còn người dân với vốn liếng dăm bó rau, trái ớt lại tìm cách ra đường mưu sinh.

Dung hòa cả hai là điều cực khó. Ai cũng có cái lý của mình. Biểu hiện là cán bộ không kiềm chế được, đã nóng nảy khi thi hành công vụ. Kéo theo đó là lời oán thán của cộng đồng và cả những phản ứng tiêu cực của người vi phạm.

Rất khó để nói ai đúng, ai sai vì các bên điều có sai, có đúng, nhưng hành vi của chị phó chủ tịch Lê Thị Hiền là không chuẩn mực của người cán bộ theo quy định tại Nghị định 81/2013/NĐ-CP về trách nhiệm của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính khi thi hành công vụ.

Theo đó, các khoản 1 và 2 của Điều 18 Nghị định này quy định về tác phong, thái độ và những lỗi vi phạm tùy mức độ xử lý. Chị phó chủ tịch phường không thể đứng ra ngoài pháp luật với những cách chỉ đạo và xưng hô vô lễ với công dân.

Trước đây, tại TP.HCM, thành phố được coi là văn minh nhất nước đã từng đình chỉ cán bộ công an và cả chủ tịch phường để làm rõ việc tấn công, gây thương tích cho người bán hàng rong.

Ở góc độ pháp luật, người bán hàng rong không phải vô can khi mưu sinh trên một quốc gia mà mọi hành vi đều có pháp luật điều chỉnh. Báo Sạch không nhắc các căn cứ pháp lý này ra, vì tin các cán bộ biết cách vận dụng phù hợp quy định. Và rằng, đối với người vì phạm, vẫn ưu tiên suy đoán theo nguyên tắc có lợi và chứng minh hành vi vi phạm là của cơ quan nhà nước chứ không phải người dân.

Về tình, có thể bữa cơm của gia đình, hoặc chi phí ăn học của các con đều phụ thuộc vào gánh hàng rau nhọc nhằn của mẹ. Không chỉ bươn bả dòng đời, chén cơm của người nghèo còn chứa đựng nỗi nhục thân vì thái độ lạm quyền, vô giáo dục, cam tâm chà đạp pháp luật của không ít cán bộ tự mãn quyền uy.

Bán hàng rong, bản thân nó là một công việc lương thiện. Chắc chắn không ai muốn làm cái nghề kém sang đó, khi hệ thống siêu thị phân bố đến từng cấp xã... Có lẽ khách hàng của chị bán rau cũng nghèo như chị!

Cái khóa tay của lực lượng công vụ với con dao trên tay chị bán rau có lẽ không cần thiết. Bởi lẽ chính thái độ vô lễ của người công quyền mới khiến người dân thấp cổ phản ứng thái quá. So với định lượng, định tính của pháp luật, mặt khách thể đã không có cán bộ nào bị xâm hại trực tiếp và chị bán rau cũng không có ý chí làm hại ai.

Nói người ta chống người thi hành công vụ thì phải xét đến nguyên nhân của người thực thi pháp luật.

Kỷ cương chuẩn mực cho xã hội là phải dẹp hàng rong, lấn chiếm lòng đường, hàng hóa có xuất xứ. Nhưng, kỷ cương với người nghèo thì cũng phải làm tương tự vậy với xe hơi đậu tràn quán bar, nhà hàng sang trọng lấn hết vỉa hè đâu khó tìm trên khắp đất nước này!

Chính sự mất công bằng, thiếu bình đẳng này đã gây ra nỗi ức chế lớn trong xã hội. Biểu hiện hài hước nhất có thể thấy chính là khi dân bị ức hiếp thì cộng đồng thương cảm, quyên góp giúp đỡ, còn cán bộ bị thương tật lại vang lên những tiếng hả hê...

Luật pháp đề ra là để bảo vệ trật tự xã hội, nhưng cao hơn hết luật pháp là để gìn giữ nhân tính. Bởi vậy, chỉ khư khư áp dụng những điều luật lạnh lùng mà không biết đến tình người thì đó là một nền hành chính - luật pháp không mang diện mạo con người.

Dung hòa lợi ích nhà nước và lợi ích người nghèo khó thể bằng một, hai quy định. Nó phải là tầm quản trị và quy hoạch của người lãnh đạo tài năng!

Thử hỏi trên đất nước này, có lãnh đạo nào chưa từng mang ơn người bán hàng rong?

THANH NHÃ/Báo Sạch , ,

No comments:

Post a Comment