Cập nhật tin tức nóng hổi

Gói hỗ trợ 62 ngàn tỉ, không thể chờ đợi thêm

Việc Chính phủ quyết định gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho người lao động bị giảm sâu thu nhập bởi đại dịch COVID – 19 là một quyết sách chưa có tiền lệ. Nhưng đến nay, mọi quyết sách vẫn đang được các cơ quan bàn thảo, chờ quyết định trên giấy.

Mấy hôm nay, báo chí trong và ngoài nước đều xôn xao hình ảnh cây ATM gạo, cây ATM mì tôm. Trong hoàn cảnh đói kém nhất, những ATM gạo, những điểm phát hàng, cứu trợ từ thiện xuất hiện khắp các tỉnh thành và cứu trợ cho người dân rất đúng lúc, kịp thời.
Gói hỗ trợ 62 ngàn tỉ, không thể chờ đợi thêm
Cũng 1 tháng qua, nhiều lao động nghèo đã rất vui khi nhận được tin, Chính phủ sẽ có gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng. Phải khẳng định, gói hỗ trợ là một quyết sách đầy tính nhân văn của Chính phủ. Lần đầu tiên đối tượng thụ hưởng vượt ngoài Luật Ngân sách. Nhưng đến nay điều mà người dân quan tâm nhất là khi nào họ sẽ nhận được hỗ trợ? Hồ sơ, thủ tục cần những gì?

Đến hôm nay, Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19 đã có hiệu lực gần 10 ngày. Bộ LĐ-TB&XH, đơn vị chủ trì dự luật vẫn đang loay hoay trong việc soạn thảo hướng dẫn thực hiện. Các địa phương vì lý do đó, cho biết chưa thể triển khai được. Gói cứu trợ khẩn cấp nhưng dưới bàn tay của các nhà làm luật, vẫn mang tư duy cũ: Khắt khe và chậm chạp.

25 ngày làm việc kể từ lúc nộp hồ sơ, NLĐ thất nghiệp mới có cơ hội nhận tiền hỗ trợ (sau khi Tiền Phong có bài phản ánh, đã rút xuống còn 10 ngày). Chưa kể, hồ sơ phải trải qua tầng tầng, lớp lớp khâu thẩm định, từ tổ chức công đoàn, cơ quan bảo hiểm, UBND huyện rồi đến UBND tỉnh. Những hàng rào khiến lao động muốn nhận 1 triệu đồng hỗ trợ cũng... bở hơi tai. Đó là chưa tính, nếu việc thực hiện chậm trễ, lệnh giãn cách xã hội được tháo dỡ, NLĐ trở về với công việc hằng ngày, khi đó ý nghĩa của gói hỗ trợ sẽ chỉ nằm trên giấy.

Việt Nam có khoảng 55 triệu lao động, trong đó có khoảng 20 triệu lao động tự do (bán hàng rong, vé số, xe ôm, làm nông nghiệp…). Họ là những người bị ảnh hưởng sâu nhất trong đại dịch COVID - 19. Nhưng việc xác định đối tượng này, từ Bộ LĐ-TB&XH đến các phường, tổ dân phố đều kêu khó...Nếu không nắm con số, trước nay những nhà làm luật hoạch định chính sách ra sao? Điều này cho thấy các cơ quan Nhà nước mới chỉ quản lý được phần nổi, còn “gian khổ dành phần ai” vẫn còn nguyên đó như câu chuyện của những lao động di cư bất hợp pháp.

Còn nhớ, khi ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai bùng phát, Hà Nội thống kê có khoảng 40 nghìn người ra vào bệnh viện từ ngày 10-28/3. Thế mà, chỉ chưa đầy 10 ngày, các cơ quan chức năng đã truy vết, lập danh sách được tất cả để theo dõi, cách ly. Nói thế để thấy, một khi cả hệ thống chính trị quyết tâm cao độ không gì không làm được. Huống gì, những lao động tự do mưu sinh trên vỉa hè không phải ngày một, ngày hai.

Ai đó viện rằng việc đưa đối tượng này vào hỗ trợ sẽ sợ bị lập khống, trùng lắp, dễ nảy sinh tiêu cực. Tất nhiên, với một chính sách lớn như gói an sinh xã hội, sẽ không tránh được câu chuyện trục lợi đã xảy ra với những con bò hay ngôi nhà tình nghĩa từng đi “lạc đường”. Thế mà những cây ATM gạo làm được. Nó được chế tạo hết sức đơn giản nhưng nhận diện được khuôn mặt để đảm bảo nguyên tắc 1 người không nhận gạo quá 1 lần/tuần. Cả hệ thống chính trị từ các Bộ ngành đến địa phương đang hiện thực hóa Chính phủ điện tử lại không làm được?

3 tháng dịch bệnh, sức chịu đựng của dân nghèo đã đến cùng kiệt. Người dân không thể chờ đợi thêm được nữa. Không phức tạp như các điều kiện mà Bộ Lao động đang đưa ra, “Nghị quyết” của cộng đồng đang chung tay hỗ trợ người nghèo hết sức đơn giản: “Nếu khó khăn bạn cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”. Cầm những túi gạo, thùng mỳ trên tay, những cụ già, lao động nghèo đều không khỏi rưng rưng nước mắt trong sự cảm kích.

Chợt nghĩ đến lời 1 vị Bộ trưởng phát biểu trước Chính phủ về gói an sinh xã hội: “Trong lúc này, chén cơm cho người nghèo lúc khốn khó còn quý hơn ngàn lần những luận bàn cao siêu”. Một chính sách chưa từng có tiền lệ, cũng cần một cách làm, tư duy “chưa từng có tiền lệ”.
---
Góc nhìn của nhà báo Dương Hưng, Tiền Phong/Nhà báo điều tra , ,

No comments:

Post a Comment