Bạn hãy thử tưởng tượng trong các ngăn tủ lạnh, ngoài đồ ăn và thức uống được cất trữ, bạn còn nhìn thấy một số loại “sản phẩm” tươi sống khác như gan, thận, giác mạc… Có điều, tất cả các “sản phẩm” này đều có nguồn gốc từ cơ thể… Người.
Các tín đồ của Pháp Luân Công tái hiện vụ cưỡng bức mổ cướp nội tạng của tù nhân lương tâm do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra, tại một cuộc biểu tình ở Vienna, Áo vào ngày 01/10/2018. (Joe Klamar / AFP qua Getty Images)
Tuyên án
Đây chính là cách mà giáo sư Arthur Waldron, nhà sử học Trung Hoa tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã “tóm gọn” về những gì mà chính quyền Trung Quốc (CQTQ) hiện nay đang thi hành: Giết chết tù nhân lương tâm, mổ cướp nội tạng của họ và bán cho thị trường cấy ghép toàn thế giới.Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Epoch Times (2019), giáo sư Waldron cho biết:
"Có một loại tội ác không chỉ đơn thuần là do tội phạm xã hội gây ra. Tội ác đứng đằng sau việc thu hoạch nội tạng sống là một loại tội ác ghê rợn khác… Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sát hại, mổ cướp và buôn bán nội tạng của chính người dân Trung Quốc… Một hành động buôn bán vô nhân tính, nhưng hầu hết người phương Tây không biết tới điều này”.
Hội đồng xét xử: Giáo sư sử học Arthur Waldron, Hoa Kỳ; luật sư Andrew Khoo, Malaysia; giáo sư Ngoại tim mạch Martin Elliott; Ngài Geoffrey Nice QC (Quan tòa); doanh nhân Nicholas Vetch; luật sư nhân quyền Shadi Sadr, Iran; luật sư Regina Paulose, Hoa Kỳ, trong một phiên toà tại Luân Đôn ngày 8/12/2018. (Justin Palmer)
Giáo sư Arthur Waldron hiện là chuyên gia nghiên cứu về vấn đề mổ cướp nội tạng của Trung Quốc. Trong 2 năm (từ 2018-2019), ông đã tiến hành điều tra vụ việc với tư cách là thành viên của Tòa án độc lập về vấn đề Trung Quốc. Hội đồng xét xử bao gồm 6 thành viên, đều là các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực như luật quốc tế, y học, kinh doanh và quan hệ quốc tế.
Tháng 6/2019, sau khi xem xét lời khai từ hơn 50 nhân chứng trong hai phiên điều trần ở Luân Đôn, và một lượng lớn các bằng chứng bằng văn bản và video, Tòa án đã đi đến kết luận: “Trung Quốc đã tiến hành mổ cướp nội tạng sống của rất nhiều tù nhân lương tâm. Tội ác này đã diễn ra trong rất nhiều năm”.
Ngày 1/3/2020, Tòa án đã công bố phán quyết cuối cùng trong một bản báo cáo dài 160 trang. Toà án đã phát hiện rằng, nguồn nội tạng cấy ghép chủ yếu được thu hoạch trên cơ thể các học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ trong các trại giam. Từ năm 1999, các học viên Pháp Luân Công đã bị CQTQ đàn áp dữ dội và trở thành nhóm đối tượng bị bắt giữ tùy tiện, bị ép buộc lao động cưỡng bức, tẩy não, tra tấn và thậm chí là sát hại.
Tòa án độc lập có trụ sở tại London, do Ngài Geoffrey Nice làm Chủ tọa. Ông đã từng đảm trách vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế.
Vén màn tội ác
Ngày 9/3/2006, tờ The Epoch Times lần đầu tiên phơi bày một sự thật tàn bạo khủng khiếp: CQTQ đã thiết lập một trại tập trung bí mật ở quận Tô Gia Đồn, thành phố Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh), nơi giam giữ hàng nghìn học viên Pháp Luân Công.Ngày 17/3/ 2006, The Epoch Times đã tường thuật một buổi phỏng vấn với một nhân chứng nữ, người đã làm việc tại Bệnh viện đông máu ở tỉnh Liêu Ninh, là bệnh viện kết hợp giữa y học Trung Quốc và phương Tây. Bà đã đưa ra thêm bằng chứng rằng trại tập trung được đặt ngầm dưới lòng đất, bên dưới bệnh viện. Khi việc lấy nội tạng sống xảy ra, thì chồng bà vào lúc đó, một bác sĩ phẫu thuật chính, đã tham gia việc lấy giác mạc từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.
Ngày 31/3, The Epoch Times công bố lá thư của một bác sĩ quân y đã về hưu, xác nhận sự tồn tại của trại tập trung nằm dưới lòng đất thuộc quận Tô Gia Đồn, thành phố Thẩm Dương.
Kể từ thời điểm đó, bức màn u tối che giấu tội ác cướp mổ nội tạng sống của chính quyền Trung Quốc đã được vén lên.
Bằng chứng đau lòng
Qua hai phiên điều trần công khai vào tháng 12/2018 và tháng 4/2019, hội đồng xét xử đã nghe lời chứng từ các nhân chứng, bao gồm những nạn nhân sống sót (học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ), từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia y tế và nhà báo.Các nhân chứng đã mô tả lại các kiểu lạm dụng, ngược đãi, và tra tấn tàn bạo trong trại giam. Một học viên Pháp Luân Công là Yu Ming kể lại rằng cai ngục đã đặt sách lên ngực và lưng anh, dùng búa nện xuống khiến nội tạng bên trong bị thương tổn mà không để lại bất cứ dấu vết nào bên ngoài.
Mihrigul Tursun, một nạn nhân người Duy Ngô Nhĩ thì kể lại rằng cô bị trói vào ghế, bị chụp mũ sắt lên đầu và bị sốc điện. Ngoài ra, họ còn phải thường xuyên bị ép buộc kiểm tra sức khoẻ và thử máu, ngay cả khi họ phải chịu đủ loại hình tra tấn của các lính canh và tù nhân.
Trong phiên điều trần hồi tháng 6/2019, Chủ tọa Geoffrey Nice cho biết các xét nghiệm này phù hợp với các xét nghiệm dành cho việc kiểm tra tình trạng nội tạng. Chỉ có học viên Pháp Luân Công bị kiểm tra, nhưng họ không bao giờ được nghe giải thích về nguyên nhân việc này, hay được thông báo kết quả xét nghiệm.
Tòa án cũng nhận được bản khai nhân chứng về việc mổ cướp nội tạng từ cựu bác sĩ phẫu thuật Enver Tohti. Năm 1995, bác sĩ Tohti được lệnh phải mổ lấy gan và thận của một tử tù còn thoi thóp sống sau khi bị bắn vào ngực phải ở thành phố Urumqi, Tân Cương.
Ngoài ra, các bằng chứng và những cuộc điện thoại bí mật của các nhà nghiên cứu, các bác sĩ của Trung Quốc, đã tiết lộ rằng khung thời gian chờ đợi cấy ghép nội tạng là “cực kỳ ngắn” - chỉ hai tuần. Điều này được các bác sĩ và các bệnh viện cấy ghép ở Trung Quốc xác nhận. Đối với các hệ thống hiến tạng thông thường, thời gian chờ đợi ngắn như vậy là điều không thể.
Dựa trên cơ sở điều tra của các nhà nghiên cứu độc lập, dữ liệu thống kê đã đưa ra bức tranh về quy mô của ngành công nghiệp ghép tạng đáng lên án ở Trung Quốc.
Năm 2016, Ethan Gutmann, phóng viên điều tra về vấn đề Trung Quốc cùng với ông David Kilgour, cựu Ngoại trưởng Canada (Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương) và luật sư nhân quyền David Matas đã công bố một bản báo cáo, trong đó nêu rõ sự khác biệt rất lớn giữa số liệu cấy ghép công khai của Trung Quốc và số ca cấy ghép được thực hiện trên thực tế tại các bệnh viện.
Bằng cách phân tích hồ sơ công khai của 712 bệnh viện cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc, báo cáo cho thấy hằng năm số ca cấy ghép được tiến hành là 60.000 - 100.000 ca, trong khi con số được báo cáo chính thức chỉ từ 10.000 - 20.000 ca/năm.
Giáo sư Waldron cho biết các bệnh viện ở Trung Quốc đã thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ nguồn thu hoạch nội tạng sống, với mỗi ca cấp ghép lên tới hàng chục ngàn đô la Mỹ.
Arthur Waldron, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc và là giáo sư sử học, Đại học Pennsylvania, tại văn phòng của ông ở Philadelphia vào ngày 20/11 năm 2019. (Brendon Fallon / The Epoch Times)
Trong nhiều năm qua, các cuộc điều tra quốc tế đã phát hiện hàng loạt bằng chứng cho thấy chính quyền Trung Quốc mổ cướp nội tạng các tù nhân lương tâm, trong đó chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công. Dù vậy, cho đến nay chính quyền Trung Quốc luôn phủ nhận sự tồn tại của hoạt động mổ cướp nội tạng.
Giáo sư Waldron cho biết Tòa án độc lập đã nỗ lực rất lớn để có được tất cả các bằng chứng liên quan, bao gồm cả các bằng chứng trái chiều về việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Tòa án độc lập đã yêu cầu Đại sứ quán Trung Quốc tại London và các quan chức y tế Trung Quốc cung cấp các bằng chứng để phản bác.
Nhưng trong quá trình tòa hoạt động, Trung Quốc Đại Lục đã nhiều lần từ chối hồi đáp các lời mời tham gia bào chữa tại tòa hay đưa ra bằng chứng chứng minh họ vô tội.
Thức tỉnh
Giáo sư Arthur Waldron cho biết, Tòa án đã đưa ra phán quyết cuối cùng, tuyên bố những hành vi mổ cướp nội tạng của chính quyền Trung Quốc đối với các học viên Pháp Luân Công và nhóm thiểu số Duy Ngô Nhĩ là tội ác chống lại nhân loại. Hội đồng xét xử đã dừng lại ở kết luận rằng Chính thể Đại Lục đã phạm tội diệt chủng, và lưu ý các quốc gia nên tiến hành điều tra về độ xác thực của tội ác này.Tội ác thu hoạch nội tạng do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn đã kéo dài hơn 20 năm và hiện vẫn tiếp tục mổ cướp nội tạng từ những tù nhân lương tâm bất chấp sự phản đối của quốc tế. Thông qua các nhân chứng sống sót, các nhà nghiên cứu, nhà báo, luật sư, bác sĩ cùng các phán quyết của Tòa án độc lập, đến nay cộng đồng quốc tế đã hiểu rất rõ về tội ác thu hoạch nội tạng của Chính thể Đại lục.
Giáo sư Waldron tin rằng, phán quyết của Tòa án sẽ châm ngòi cho các cuộc thảo luận rộng hơn về vấn đề đã từng bị ỉm đi trong bóng tối. Giáo sư Waldron cho rằng vấn đề này sẽ trở thành một “mối quan ngại toàn cầu”, và một số chính phủ trên thế giới đã có những động thái ngăn cản các công dân của mình không đồng lõa với tội ác:
- Năm 2008, Israel thông qua luật ghép tạng, cấm công dân nước này tới Trung Quốc du lịch ghép tạng.
- Năm 2010, Tây Ban Nha chỉnh sửa Quy tắc xác định tội phạm để ứng biến với việc du lịch ghép tạng và buôn bán nội tạng.
- Năm 2015, Đài Loan sửa đổi và công bố Đạo luật Cấy ghép tạng.
- Năm 2017, Na Uy sửa đổi luật Ghép tạng, áp dụng hiệp định chống buôn bán nội tạng người.
- Năm 2019, Hạ viện Bỉ thông qua dự cấm du lịch ghép tạng.
Phán quyết của Tòa án độc lập tại Anh quốc đã thực sự mở màn cho những hành động chính nghĩa nối tiếp, và bước tiếp theo, các quốc gia trên thế giới phải bắt đầu hành động để đưa chính quyền Bắc Kinh ra Tòa án Hình sự Quốc tế.
Phương Mai/NTDVN Chính trị , Pháp luật , Tin quốc tế
No comments:
Post a Comment