Việc dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đã được tiến hành kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ Trung. Và giờ, Covid-19 đang tiếp tục thúc đẩy quá trình đó.
Hai tuần qua, ba trong số 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới công bố hoặc thảo luận kế hoạch rút dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Ngày 22/4, ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Phil Hogan cho biết khối sẽ tìm cách “giảm bớt sự phụ thuộc về thương mại” sau đại dịch. Tuần trước, Nhật Bản công bố quỹ trị giá 2,2 tỷ USD để chào mời các nhà sản xuất nước này chuyển dây chuyền từ Trung Quốc về nước hoặc sang Đông Nam Á. Trước đó, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow đề xuất Washington trả chi phí cho các công ty Mỹ chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về nước.
Một số công ty Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đã rục rịch chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc do chi phí ngày càng tăng và tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Họ đang đứng trước sức ép ngày càng tăng để thúc đẩy chiến lược này, khi Covid-19 làm nổi bật sự phụ thuộc của các nước vào hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, đặc biệt là vật tư y tế quan trọng.
Pegatron nhà lắp ráp iPhone đang đa dạng hoá nơi sản xuất. CEO Liao Syh-jang cho hay công ty hy vọng sẽ sản xuất tại Việt Nam trong năm 2021 sau khi thiết lập một nhà máy ở Indonesia hồi năm 2019. Inventec, đối tác lắp ráp chính AirPod, cũng cho biết hôm thứ 3 là đang chuẩn bị xây dựng cơ sở mới ở Việt Nam.
Chuỗi cung ứng của Apple tại Trung Quốc trong tháng 2 bị tê liệt do dịch Covid-19 càn quét trên diện rộng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Xu hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc đang được đẩy nhanh, nhất là các nhà sản xuất quy mô nhỏ.
Các nhà sản xuất thiết bị cho các công ty khác ngoài Apple cũng đang tính chuyện chuyển sản xuất ra nước khác. Foxconn tiên đoán từ trước về khả năng thay đổi trong mô hình sản xuất toàn cầu, đã chi phối ngành thiết bị điện tử trong hơn 30 năm qua. Công ty cũng có cơ sở sản xuất ở Ấn Độ và Việt Nam.
Đại gia công nghệ lên kế hoạch sang Việt Nam
Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia.
“Mọi thứ đang thay đổi theo từng ngày do sự gián đoạn chuỗi cung ứng, vì vậy rất khó để đưa ra bất kỳ bình luận về cung và cầu lúc này”, lãnh đạo một nhà cung cấp cho Apple nói.
Một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam từ năm ngoái nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao.
Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại hồi năm ngoái. Do đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp trong lương lai.
Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh
Dữ liệu từ Cục điều tra dân số Mỹ cho thấy lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam năm 2019 tăng 35,6% so với cùng kỳ, đối nghịch với mức giảm 16,2% trong lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Dữ liệu năm nay sẽ bị ảnh hưởng do tác động của Covid-19 lên chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng xu hướng sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục.
Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam, nhận định, Việt Nam vẫn là một điếm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Dù dịch Covid-19 đang gây ra những khó khăn nhất định đối với các quyết định cũng như hoạt động di dời, chủ đầu tư vẫn tự tin tăng giá đất trong quý đầu năm 2020 do đây là xu hướng đầu tư trong dài hạn.
Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành sản xuất đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam. Mức lương công nhân sản xuất tại Trung Quốc hiện cao gấp ba lần Việt Nam, nhưng trình độ tay nghề của công nhân nơi này cũng cao hơn.
Quy mô của Trung Quốc không thể được nhân rộng: lượng lao động công nghiệp di cư ở Trung Quốc còn cao hơn dân số Việt Nam. Hơn nữa, một khối lượng lớn ngành hàng sản xuất là để phục vụ thị trường nội địa Trung Quốc.
Theo báo cáo của JLL, miền Bắc thu hút phần lớn các tập đoàn lớn muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất bên cạnh cơ sở tại Trung Quốc, với nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển khá tốt và vị trí cần kề với Trung Quốc.
Giá đất trung bình đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhà xưởng xây sẵn lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn giữ ở mức giá thuê ổn định dao động từ 4,0-5,0 USD/m2/tháng, và đều đã được lấp đầy.
Tại khu vực miền Nam, JLL ghi nhận số lượng yêu cầu thuê đất tăng cao và các chủ đầu tư đã trở nên tự tin hơn trong việc tăng giá thuê đất. Giá đất trung bình trong quý 1 đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Nhà xưởng xây sẵn ở miền Nam có giá thuê dao động từ 3,5-5,0 USD/m2/tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, TP.HCM, Long An và giữ mức ổn định ở các tỉnh còn lại.
Đại diện JLL cho rằng, về lâu dài, nhiều doanh nghiệp có khả năng thay đổi kế hoạch sản xuất của họ để đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro của những cú sốc tương tự trong tương lai.
Cùng với các sáng kiến để cải thiện hiệu suất bền vững và hạn chế tác động môi trường từ các hoạt động sản xuất, các nhà bán lẻ có thể lựa chọn sản xuất và mua sản phẩm từ thị trường nội địa. Việt Nam sẽ càng hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp trong lương lai.
Nam Việt/Canhco Chính trị , Kinh tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment