Cập nhật tin tức nóng hổi

Tiết lộ bí mật hoạt động của hệ thống dư luận viên của ĐCS Trung Quốc

Chính quyền Trung Quốc sử dụng “lực lượng” tuyên truyền viên trực tuyến để thúc đẩy kế hoạch của mình trên mạng Internet. “Lực lượng” này thường được biết đến với tên gọi “đội quân 50 xu”, hay còn gọi là dư luận viên trên mạng, vì họ được trả 50 xu cho mỗi bài đăng trực tuyến ca ngợi chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hoặc lăng mạ những người có ý kiến ​chệch hướng đường lối chỉ đạo của ĐCSTQ. Họ là các công dân bình thường, do các công ty Internet hoặc cơ quan kiểm duyệt và tuyên truyền của ĐCSTQ thuê.
Tiết lộ bí mật hoạt động của hệ thống dư luận viên của ĐCS Trung Quốc
Một buổi họp của dư luận viên huyện Phương Chính (Provided to The Epoch Times by insider)

Tuy nhiên, theo tài liệu mật của chính quyền Trung Quốc mà The Epoch Times nhận được, sự thật bên trong hệ thống tuyên truyền viên chính thức của Trung Quốc là cả một câu chuyện dài. Theo tài liệu này, một cơ quan an ninh của ĐCSTQ, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương ĐCSTQ (PLAC) cũng tham gia “lực lượng” này với vai trò chủ lực. Đây là một cơ quan nằm ngoài hệ thống tư pháp, được giao nhiệm vụ thi hành việc giám sát các cơ quan cảnh sát, tòa án và nhà tù trên cả nước. PLAC có chi nhánh ở các cấp tỉnh, thành phố và thị trấn.
Tiết lộ bí mật hoạt động của hệ thống dư luận viên của ĐCS Trung Quốc
Báo cáo tổng kết năm 2019 của dư luận viên huyện Phương Chính (Provided to The Epoch Times by insider

Thành phần và cơ cấu tổ chức của lực lượng tuyên truyền viên trực tuyến

Lực lượng tuyên truyền viên trực tuyến của Trung Quốc gồm 3 nhóm chính: Dư luận viên trên mạng (những người được thuê để làm nhiệm vụ tuyên truyền trên mạng), “đội quân chuyên nghiệp” và “đội quân địa phương”.

Dư luận viên trên mạng, hay còn gọi là đội quân 50 xu, gần đây có người tiết lộ là số tiền được trả đã tăng lên 70 xu (tương đương với 0,1 USD cho một bài đăng), là những người được thuê để đảm bảo các phát ngôn trên mạng trực tuyến phù hợp với đường lối chỉ đạo của ĐCSTQ, theo tài liệu mà The Epoch Times nhận được.

“Đội quân chuyên nghiệp” bao gồm những người làm việc trong các cơ quan chính phủ.

Trong khi đó, “đội quân địa phương” bao gồm các cán bộ nhà nước phụ trách quản lý cấp làng, xã và các khu dân cư, và những người làm việc tại các công ty nhà nước.

Lực lượng dư luận viên trên mạng phải đảm bảo phối hợp chặt chẽ với nhau, thường xuyên họp để thảo luận về các chủ đề nóng trên mạng Internet và các ý kiến trực tiếp của công chúng. Mỗi thành viên đều phải đặt ra mục tiêu cho mình và hoàn thành mục tiêu ấy.

Trong các tài liệu mà The Epoch Times có được từ PLAC của huyện Phương Chính, một huyện thuộc thành phố Cáp Nhĩ Tân, nằm ở phía đông bắc Trung Quốc, tỉnh Hắc Long Giang, có danh sách các tuyên truyền viên trực thuộc sự quản lý của cơ quan này.

Một tài liệu khác có liệt kê danh sách của lãnh đạo và thành viên của “đội quân địa phương”. Ví dụ, Cục An ninh Công cộng thuộc huyện Phương Chính, gần giống với sở cảnh sát, có tất cả 31 tuyên truyền viên. Ông Sun Naichen, Trưởng phòng Chính trị của Cục, là người chỉ huy đội quân. Ông Li Xuedong, Phó phòng Chính trị, là chỉ huy phó. Các thành viên khác là nhân viên của Cục an ninh công cộng của huyện cũng như các đồn cảnh sát cấp dưới trong huyện.

Các văn phòng công tố địa phương, tòa án, và tư pháp cũng có đội quân riêng của họ, số lượng thành viên ít hơn, thường là 4 hoặc 5 người.

Một tài liệu khác liệt kê danh sách thành viên của “đội quân địa phương”, với 336 người kèm theo tên, số điện thoại di động và cơ quan nơi họ làm việc.

Tuy nhiên, các tài liệu không cung cấp thông tin chi tiết về các dư luận viên được thuê bên ngoài.

Ngày 5/4, chuyên gia kinh tế độc lập và là nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc Charles đã đăng trên Twitter của mình bản sao một tài liệu nội bộ có nêu chi tiết kế hoạch tuyển dụng tuyên truyền viên mới nhất. The Epoch Times không thể xác minh tính xác thực của tài liệu này.

Bài đăng trên Twitter của ông Charles có nêu mục tiêu của chính quyền Trung Quốc là thuê 4 triệu dư luận viên từ các trường đại học và cao đẳng, và 6,23 triệu khác từ khắp nơi trên cả nước.

Tuy nhiên, số lượng thành viên tối đa cần thuê là khác nhau ở từng địa điểm khác nhau trên cả nước. Chẳng hạn, Bắc Kinh sẽ thuê 140.000 thành viên từ các trường đại học và 110.000 từ những nơi khác. Tỉnh Sơn Đông sẽ thuê 280.000 sinh viên và 500.000 người khác.
Tiết lộ bí mật hoạt động của hệ thống dư luận viên của ĐCS Trung Quốc
Ủy ban Chính trị và Luật pháp của huyện Phương Chính cũng có dư luận viên

Nguyên tắc hoạt động của lực lượng tuyên truyền viên

Một tài liệu The Epoch Times nhận được đã tóm tắt nguyên tắc hoạt động của lực lượng tuyên truyền viên trên mạng.

Các tuyên truyền viên trên mạng thường xuyên được đào tạo và đánh giá hiệu suất làm việc. Họ phải tham gia hệ thống đào tạo và kiểm tra trực tuyến, mỗi đội sẽ do một người phụ trách giám sát. Hàng tháng, PLAC cấp quận yêu cầu những người phụ trách đánh giá có thưởng phạt các tuyên truyền viên thuộc đội của mình. Hình thức khen thưởng được thực hiện dưới hai hình thức: thưởng nóng bằng tiền mặt và động viên khen ngợi.

Tất cả các tuyên truyền viên trên mạng đều được yêu cầu phải sử dụng các ngôn ngữ mà dân mạng hay dùng, dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống hàng ngày, để bày tỏ ý kiến ​​chính thức của Đảng và điều hướng dư luận trên các trang web tin tức, blog, diễn đàn trực tuyến BBS, Weibo, WeChat và các nền tảng truyền thông xã hội khác, v.v.

Trên thực tế, chủ đề của các tin tức rất đa dạng nên họ phải cập nhật kiến thức và thông tin thường xuyên để dẫn dắt các chủ đề khi chia sẻ với các cư dân mạng bình thường khác.
Tiết lộ bí mật hoạt động của hệ thống dư luận viên của ĐCS Trung Quốc
Tài liệu rò rỉ về Hướng dẫn hoạt động của dư luận viện huyện Phương Chính.

PLAC và những con số liên quan

Đầu năm 1996, ông Cừu Hòa (Qiu He), khi đó là Phó Thị trưởng thành phố Tú Thiên, tỉnh Giang Tô đã tập hợp các công chức lại để bàn về việc đăng các bài báo tuyên truyền trên mạng. Đây là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc cố gắng bày tỏ ý kiến ​​trên mạng Internet.

Sau đó, ông Qiu đã bị khai trừ khỏi Đảng vì tội tham nhũng vào năm 2015 và bị kết án 14 năm tù vào tháng 12/2016.

Từ năm 2004, đã xuất hiện nhiều thông tin rò rỉ về các hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên của chính quyền Trung Quốc.

Vào ngày 29/12/2017, Tân Hoa Xã đã báo cáo rằng trang tin tức do PLAC điều hành, Zhengyi Net đã tổ chức một cuộc họp tại Bắc Kinh thảo luận về những kết quả đạt được của đội ngũ tuyên truyền viên trong 9 năm qua.

Vào ngày 24/5/2018, ông Trần Nhất Tân (Chen Yixin), Tổng Thư ký của PLAC, đã tổ chức một hội thảo tại Bắc Kinh, tại đó ông nhấn mạnh rằng đội ngũ tuyên truyền viên phải giữ đúng đường lối và định hướng chính trị của ĐCSTQ.

Cơ quan kiểm duyệt chính của Trung Quốc, Cục Quản lý Không gian mạng, cũng thuê đội quân 50 xu để theo dõi các bài đăng trên mạng trực tuyến, xóa các thông tin nhạy cảm và đăng nội dung có lợi cho chính quyền Trung Quốc.

Anh Liu, một nhân viên chuyên xóa bài cho một nền tảng Internet phổ biến ở Trung Quốc, nói với tạp chí trực tuyến Bitter Winter vào ngày 10/4 rằng công việc của anh ta là xóa các bài đăng chủ yếu chứa các nhận xét chỉ trích và phản đối chính phủ.

Trên một nền tảng Internet, hơn 200 người đã được thuê để làm công việc tương tự, Liu nói. Nền tảng này cũng thuê các cá nhân để xóa các bài viết, video và hình ảnh theo yêu cầu.

Với sự trợ giúp của bộ lọc tự động, Liu cho biết anh có thể xóa khoảng 100.000 bài đăng mỗi ngày, đó là hạn ngạch hàng ngày của anh.

Thùy Minh/NTDVN ,

No comments:

Post a Comment