Cập nhật tin tức nóng hổi

Chuyện về một án tử hình oan không được giải

Căn nhà nhỏ của chị Lê Thị Ánh (vợ của tử tù Huỳnh Văn Nam) ở Cù Lao Phố hôm 29-8-2007 có một vị khách đặc biệt đến thăm: ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội.

Ông tìm đến với gia đình chị Ánh với tư cách một người dân bình thường, cảm thông với nỗi mất mát, oan ức của gia đình chị mà “không thể làm gì được”...

Ngay sau khi thắp nhang cho tử tù Huỳnh Văn Nam, ông phân trần ngay với gia đình chị Ánh: Tôi đến thăm gia đình không phải để giải bày mà là để vợi đi nỗi ray rứt thúc ép mãi trong tôi. Gia đình hãy ghi nhận đây là việc riêng giữa tôi với gia đình, là chuyện một tấm lòng tìm đến một tấm lòng với nổi cảm thông chứ không phải chuyển đãi bôi... Vì nhở mai này tôi có xuôi tay nhắm mắt, tâm hồn tôi sẽ thanh thản vì đã làm hết cách cho vong linh của anh Nam...

Vì sao một người từng đảm trách cương vị quan trọng trong Quốc hội lại đến thăm gia đình một tử tù mà các cấp tòa đã cáo buộc vào tội giết người, cướp tài sản...?

Câu trả lời có trong những trang báo cũ của Pháp Luật TP.HCM:

Chuyện về một án tử hình oan không được giải
Ảnh: PV Vũ Đức Khiển và PV Bảo Trâm trước bàn thờ anh Nam, người mang án tử hình oan.

Năm 1992, một vụ án mạng xảy ra ở Đồng Nai. Sau đó công an tìm ra hai hung thủ gây nên vụ giết người, cướp tài sản này mà một trong hai người, công an xác định chính là anh Nam.

Một năm sau, Tòa án tỉnh Đồng Nai kết tội anh án tử hình còn người kia bị phạt 20 năm tù. Tại phiên tòa sơ thẩm và trước đó ở cơ quan điều tra, anh Nam đã kêu oan. Thế nhưng lời kêu oan này không được các cấp tòa chấp nhận nên y án tử hình với anh. Không xin Chủ tịch nước ân giảm mà anh Nam liên tục gởi đơn kêu oan. Chính vì thế nên hết Viện trưởng VKSND tối cao đến Chánh án TAND tối cao kháng nghị, đề nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra xét xử lại từ đầu vì có quá nhiều sơ sót trong các căn cứ buộc tội.

Thế nhưng các kháng nghị những người đứng đầu hai cơ quan tố tụng này không được Ủy ban thẩm phán và sau đó là Hội đồng thẩm phán TAND tối cao chấp nhận...

Trong vòng 10 năm trời, anh Nam liên tục viết đơn kêu oan và ngay tại thời điểm tử tù Nam mang trọng bệnh, đoàn giám sát của quốc hội đã đến tận bệnh viện thăm anh vì hiểu rằng anh bị oan ức. Thế nhưng luật chưa có cơ chế xem lại bản án do cơ quan xét xử cao nhất (Hội đồng thẩm phán TAND tối cao) phán quyết. Vụ án đã vượt ra ngoài ranh giới các quy định pháp luật hiện hành...

Chỉ mấy ngày sau khi có cuộc viếng thăm của Đoàn đại biểu Quốc hội nói trên, anh Nam qua đời vì bệnh tật và phán quyết tử hình với anh sẽ mãi mãi không thi hành được. Lần nửa, các đại biểu Quốc hội lại can thiệp để gia đình anh Nam được mang xác anh về nhà chôn cất theo phong tục.

Và chuyện cho phép gia đình mang thi hài của tử tù về nhà an táng cũng đã vượt ra khỏi thông lệ...

Ông Khiển nói như phân trần với gia đình anh Nam:

- Gia đình đừng ân hận là vì không mời luật sư để bào chữa cho anh từ giai đoạn điều tra. Vì không luật sư nào bằng Ủy ban Pháp luật của quốc hội và Chánh án, Viện trưởng VKS ND tối cao lúc ấy. Họ đã chỉ những điểm vô lý trong bản án và đã đề nghị hủy nhưng vẫn không được chấp nhận kia mà! Và đến nay quan điểm anh Nam không phạm tội đã được các cơ quan tố tụng tối cao chấp nhận. Thế nhưng luật pháp hiện nay không cho phép xem lại bản án của cơ quan xét xử cao nhất. Bởi vậy, về mặt pháp lý, anh Nam vẫn là người mang án tử hình và việc tôi đến thăm gia đình như thế này, đã là sự mạo hiểm...

Như hiểu tấm lòng của người từng đứng đầu Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, gia đình anh Nam ngậm ngùi: Chúng tôi không dám mơ chuyện lớn lao nhưng một lời công nhận chính thức anh Nam bị oan từ phía cơ quan chức năng là điều mà chúng tôi mong mỏi. Tuy nhiên việc bác đến thăm, gia đình cảm thấy được an ủi rất nhiều vì ít ra, bác đã đồng cảm với chúng tôi...

Trong câu chuyện, đã có tiếng khóc, nước mắt và có cả những tia hy vọng. Trước lúc ra về, ông Khiển siết chặt và an ủi cô bé, con gái của anh Nam: những lá thư mà gia đình gởi, tôi nhận đủ cả. Nghe cháu học giỏi, tôi rất mùng, vong linh anh Nam sẽ phù hộ...

Chưa biết việc ông đến thăm người mang án tử hình kia có gây rắc rối riêng gì cho ông hay không, nhưng như lời ông nói: đây là sự giải bày riêng tư, là một tấm lòng tìm đến một tấm lòng biết thông cảm với nhau thôi...

Rời ngôi nhà nhỏ, bên dòng sông Đồng Nai, ngôi đền của Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh lẩn mình dưới những hàng cây xanh ngát dường như cô tịch hơn. Và trong đầu chúng tôi lởn vởn với câu hỏi của gia đình anh Nam: Luật pháp đặt ra là để bảo vệ công lý, chẳng lẽ chúng ta bó tay với những điều mà chính chúng ta đặt ra hay sao?

Cuộc sống vốn đầy những mâu thuẫn, và tự bản thân của bất kỳ mâu thuẫn nào cũng đã chưa đựng cách giải quyết trong bản thân nó, chỉ có điều chúng ta đã tìm ra nó chưa mà thôi. Hãy hy vọng vào điều tốt đẹp, vậy là quá đủ để sống và chợ đợi...

Trên đường trở về, những nếp nhăn trên gương mặt của ông Khiển giường như hằn sâu hơn chứ không bớt đi như suy nghĩ của chúng tôi. Và chúng tôi biết, lòng ông sẽ trĩu nặng hơn vì tất cả đã bước ra ngoài khuôn khổ luật pháp...

--

Năm 2002, Phóng viên Nguyễn Bảo Trâm của Báo Pháp Luật TP.HCM (hiện nay là luật sư của Đoàn luật sư TP.HCM) biết thông tin tại Đồng Nai có chuyện một tử tù 10 năm chưa thi hành án được.

Sau nhiều cố gắng, phóng viên Bảo Trâm đã tiếp cận được với gia đình, tìm cách vào tận bệnh xá của trại giam gặp anh Nam để nghe chính anh nói về vụ án của mình. Sau đó trên Pháp Luật TP.HCM xuất hiện bài viết đầu tiên về anh Nam: “Thà tha lầm còn hơn bắt oan”.

Cùng với việc phản ánh trên Báo, tham khảo các ý kiến chuyên gia... Phóng viên Bảo Trâm đã liên lạc với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, báo cáo tình hình bệnh tật của anh Nam. Nhờ thế, anh được chuyển từ bệnh xá của trại giam lên bệnh viện để điều trị. Ngày 2-5-2002, Đoàn giám sát của Quốc Hội đã đến tận giường bệnh thăm anh Nam, nửa tháng sau thì anh qua đời.

Trước lúc mất, anh Nam trăn trối với gia đình là anh có niềm tin rất mãnh liệt: cơ quan tố tụng sẽ minh oan cho mình. Báo lại tiếp tục liên lạc với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thông báo về chuyện anh Nam mất kèm với nguyện vọng của gia đình anh Nam: muốn đưa xác về nhà an táng. Đề đạt này sau đó đã được chấp nhận...

--
Nhân chứng, vật chứng làm cơ sở kết tội mâu thuẫn.

Công an cho rằng anh mặc chiếc áo màu trắng, sọc xanh khi gây án nhưng có nhân chứng khai rõ: Tối hôm ấy thấy anh mặc chiếc áo màu vàng (công an) cũ.

Trên chiếc áo trắng sọc xanh có dính vết máu nhưng không biết là của ai (vì không giám định). Anh Nam khai rất rõ về nó: trước đó mấy ngày anh ôm vợ từ sân vào nhà vì vợ anh bị người cha đánh chảy máu đầu. Lời khai này có nhân chứng xác nhận.

Tại hiện trường có chiếc cúc áo trùng với loại cúc áo màu trắng sọc xanh mà anh Nam đang mặc. Tuy nhiên cúc áo này là loại thông thường, ai cũng có.

Con dao vật chứng thu được tại hiện trường là dao Thái Lan, lưỡi inox, cán nhựa màu vàng trong khi gia đình anh Nam có loại dao ấy nhưng cán bằng gỗ, đánh vec-ni.

Thời gian nhân chứng khai thấy anh Nam gần hiện trường vụ án bất nhất...

--------------------
Bài viết của phóng viên Bùi Thanh Tâm - Báo Pháp Luật TP.HCM. Sau vụ này Bộ Luật Tố tụng Hình sự VN có thêm Điều 404: Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao , ,

No comments:

Post a Comment