Chiều 13.5, trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, xác nhận việc đã gửi kiến nghị lên Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải.
Đại biểu Lê Thanh Vân
Cụ thể về nội dung kiến nghị, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết, ông nhận thấy việc tổ chức phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải “có nhiều dấu hiệu không phù hợp với pháp luật”.
Thứ nhất, thành phần Hội đồng Thẩm phán không bảo đảm tính vô tư, khách quan, khi Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình – Chủ tọa phiên tòa, cũng là người đã không kháng nghị bản án này khi nắm cương vị Viện trưởng Viện KSND tối cao, là việc vi phạm một số điều của bộ luật Tố tụng hình sự.
Thứ hai, nguyên tắc suy đoán vô tội đã không được áp dụng triệt để, trong khi nguyên tắc này là tinh thần cải cách tư pháp rất tiến bộ của Việt Nam.
Thứ ba, Hội đồng Thẩm phán của phiên giám đốc thẩm đã tạo ra một tiền lệ rất nguy hiểm, khi cho rằng sai phạm trong tố tụng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án. Theo đại biểu Vân, sự “nguy hiểm” thể hiện ở chỗ, đây là phiên tòa ở cấp cao nhất của hệ thống xét xử, là tấm gương cho các phiên tòa cấp dưới.
Với các lý do trên, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị có 2 hình thức giám sát.
Một là, giám sát tối cao của Quốc hội, bằng cách tổ chức một phiên chất vấn và trả lời chất vấn riêng của Quốc hội đối với Chánh án TAND tối cao.
Hai là, có thể lựa chọn theo trình tự tố tụng đặc biệt, căn cứ vào điều 404 của bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xem xét lại bản án đã tuyên, khi thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại phiên tòa, hoặc phát hiện những tình tiết mới mà Hội đồng Thẩm phán chưa biết.
Trả lời băn khoăn về việc nếu có tổ chức xem xét lại vụ án khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thì vẫn sẽ là Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao gồm 17 thẩm phán đã biểu quyết không chấp nhận kháng nghị của Viện KSND tối cao, thì việc xem xét lại vụ án có tác dụng gì không?, đại biểu Lê Thanh Vân cho hay:
Trong quy định của điều 404 bộ luật Tố tụng hình sự 2015, có những điểm khác nhau ở các chủ thể có thể đưa ra tác động thay đổi quyết định đã tuyên của phiên tòa giám đốc thẩm, trong đó, địa vị pháp lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là khác với các chủ thể khác.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thì buộc Hội đồng Thẩm phán phải xem xét lại vụ án, khác với kiến nghị của Ủy ban Tư pháp hay kiến nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, thì Hội đồng Thẩm phán sẽ xem xét kiến nghị đó có hợp lý, hợp pháp hay không, rồi mới quyết định đến nội dung. Còn yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là buộc phải xem xét lại nội dung vụ án”, đại biểu Vân lý giải.
“Đây là vấn đề xã hội rất quan tâm, xem xét lại vụ án là việc làm bảo vệ sự tuân thủ nghiêm minh pháp luật, trừng trị tội phạm đúng người, đúng tội, nhưng phải tránh oan sai. Đây là một kỳ vọng xã hội đang mong mỏi, nên diễn đạt như Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ là tấn công vào hệ thống tư pháp là không hợp lý, nại vào lý do đó để bào chữa, bao biện cho hành vi có thể sai của mình là không được”, đại biểu Vân nhấn mạnh thêm.
Trước đó, như PV đã đưa tin, Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ, 1 trong 17 thẩm phán của phiên giám đốc thẩm, cho biết Hội đồng Thẩm phán “chỉ nhận định, đánh giá về thủ tục tố tụng, những sai sót, vi phạm tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, nhưng không quyết định về nội dung vụ án”.
Tại quyết định giám đốc thẩm “chỉ có 1 câu duy nhất” là “không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao”, theo thẩm phán Nguyễn Trí Tuệ.
Điều 404 bộ luật Tố tụng hình sự 2015 – Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao
1. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao kiến nghị, Chánh án TAND tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.
2. Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án TAND tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.
3. Trường hợp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.
Trường hợp Chánh án TAND tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó.
Vũ Hân/TNO Chính trị , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment