Cập nhật tin tức nóng hổi

Huawei suy sụp ở thị trường quốc tế sau một năm vắng dịch vụ Google

Huawei đã đổ “tiền tấn” vào AppGallery nhằm thay thế loạt dịch vụ Google, nhưng kết quả mang lại hạn chế, nhất là với thị trường ngoài Trung Quốc. 

Allan Anthony, sống tại New Jersey (Mỹ), là một Youtuber chuyên đánh giá smartphone. Mới đây anh đã mua một chiếc Huawei P40 để sử dụng cùng iPhone. “AppGallery trên P40 rất tuyệt, nhưng rất hạn chế. Nó chỉ cung cấp được khoảng 40% ứng dụng tôi sử dụng mỗi ngày”, Anthony nhận xét.
Huawei suy sụp ở thị trường quốc tế sau một năm vắng dịch vụ Google
AppGallery chưa đủ sức thay thế ứng dụng Google. Ảnh: XDA Developer.

Anthony sau đó đã thử nhiều cách để cài ứng dụng Google lên thiết bị này từ website bên thứ ba. Tuy nhiên, anh đánh giá công đoạn này không dễ thực hiện, việc cập nhật ứng dụng trong tương lai bị giới hạn, chưa kể tiềm ẩn các nguy cơ về bảo mật.

Anthony chỉ là một trong những người cảm thấy không thực sự thoải mái với AppGallery khi sử dụng smartphone của Huawei. Theo WSJ, việc thiếu các ứng dụng Google khiến điện thoại của công ty này không còn hấp dẫn người dùng như trước, đặc biệt là khu vực ngoài Trung Quốc.

Theo thống kê của Canalys, lượng smartphone bán ở thị trường ngoài Trung Quốc của Huawei đầu 2020 đã giảm hơn 35%. Mức giảm này gấp đôi Samsung và gấp bốn lần Apple. Không phủ nhận những tác động của Covid-19 khiến thị trường smartphone sụt giảm, nhưng lệnh cấm từ Mỹ rõ ràng gây thiệt hại không kém cho Huawei.

Sau khi Huawei bị Mỹ liệt vào danh sách thực thể, Google cũng cấm hãng Trung Quốc dùng dịch vụ Android. Đáp lại, Huawei phát triển hệ điều hàng riêng mang tên HarmonyOS, cũng như ra bộ công cụ Huawei Mobile Services với điểm nhấn chính là kho ứng dụng App Gallery, để thay thế Google Mobile Services.

AppGallery đang rất được Huawei chú trọng. Họ đã đầu tư một tỷ USD vào hệ sinh thái di động này, đồng thời tuyển dụng hơn một triệu nhà phát triển để tạo thêm ứng dụng cho cửa hàng, cũng như áp dụng rất nhiều chính sách ưu đãi và chia sẻ doanh thu hào phóng.

AppGallery ra mắt tại Trung Quốc năm 2011, được giới thiệu ở thị trường toàn cầu năm 2018. Kho ứng dụng này hiện có hơn 400 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, theo thông báo của Huawei. Tuy nhiên, số liệu không đề cập đến các thị trường cụ thể.

Neil Mawston, Giám đốc điều hành Strateg Analytics, ước tính ít nhất 90% trong số 400 triệu người dùng đó đang ở Trung Quốc. “Google đã rời Trung Quốc từ 2010 sau áp lực kiểm duyệt tìm kiếm. Smartphone tại đây không còn được tích hợp dịch vụ Google, còn người dùng đã quá quen thuộc với các sản phẩm bản địa thay thế”, Mawston nhận xét.

Doanh số smartphone của Huawei sụt giảm bên ngoài Trung Quốc. Điều này trái ngược với tình hình những năm trước đó khi hãng tiến băng băng tại nhiều thị trường, đặc biệt là Tây Âu, nơi hãng nhanh chóng đánh bại Apple để vươn lên vị trí thứ hai, theo thống kê của Canalys.

Nhà phân tích Edison Lee của ngân hàng đầu tư Jefferies có trụ sở tại Hong Kong, cho rằng trong thời gian tới, thị trường kinh doanh smartphone của Huawei sẽ dần trở nên nhỏ hơn, thậm chí chỉ tập trung vào Trung Quốc.

Việc Huawei tìm giải pháp thay thế Google cũng đang khiến chính quyền Trump nhòm ngó. Hai ngày trước khi P40 ra mắt, Hạ nghị sĩ Keith Krach viết trên Twitter với đại ý rằng, ông rất khó chịu khi các nhà phát triển viết ứng dụng cho Huawei, đồng thời nhấn mạnh người dùng sử dụng cửa hàng này sẽ có nguy cơ về bảo mật và quyền riêng tư.

Jerry Huang, Giám đốc tiếp thị của Huawei, cho biết, Huawei cam kết bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Công ty từ lâu phủ nhận các cáo buộc từ Washington về rủi ro bảo mật. “Không có bất kỳ dữ liệu người dùng nào được thu thập bởi các thiết bị Huawei bên ngoài Trung Quốc. Chúng đều được lưu trữ trên thiết bị hoặc trong các trung tâm dữ liệu địa phương, không có dữ liệu nào được gửi đến Trung Quốc”, Huang khẳng định.

(Theo WSJ) , ,

No comments:

Post a Comment