Trong vòng một năm trở lại, Công ty TNHH Tiến Ngạn (đ/c tại xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, do ông Phạm Văn Ngạn làm Giám đốc) đã trúng khoảng 20 gói thầu, những gói thầu này đều do Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Phù Cừ làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần xây dựng VIETCONS tư vấn, lập hồ sơ mời thầu. Và, điều rất đáng chú ý là “kịch bản trượt” của 08 doanh nghiệp “đồng hành” dự thầu cùng Công ty TNHH Tiến Ngạn.
Liên tiếp không hợp lệ
Nhằm chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 47/CT-TTg, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng đã có Chỉ thị 03/CT-BKHĐT. Cả hai chỉ thị đã nêu rõ các hành vi vi phạm chưa được giải quyết triệt để, tình trạng biến tướng với những biểu hiện phức tạp và tinh vi như “dàn xếp”, “quân xanh”, “quân đỏ”, hoặc quy định các điều kiện bất hợp lý, không phù hợp trong hồ sơ mời thầu, đặc biệt tình trạng cản trở, hạn chế sự tham gia của nhà thầu vẫn tiếp diễn, chưa được khắc phục.
Hồ sơ dự thầu của 08 nhà thầu có nhiều bất thường
Vậy, với các gói thầu mà Công ty TNHH Tiến Ngạn đã tham gia dự thầu tại huyện Phù Cừ thì sao? Kết quả khảo sát 05 gói thầu thi công xây lắp gần đây nhất (thuộc các dự án gồm: “Cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn xã Đình Cao, đoạn từ ĐH.83 đến thôn An Nhuế, xã Đình Cao” (đóng thầu ngày 13/2/2020); “Xây dựng cầu Vóc trên ĐH.83, huyện Phù Cừ” (đóng thầu ngày 10/2/2020); “Xây dựng cầu Cự Phú xã Tam Đa, trên đường nhánh ĐH.64 huyện Phù Cừ” (đóng thầu ngày 11/2/2020); “Cải tạo, nâng cấp đường GTNT xã Đình Cao” (đóng thầu ngày 19/3/2020); “Cải tạo, nâng cấp đường GTNT xã Đoàn Đào đoạn từ QL.38B (Km26+150) đến cổng làng Long Cầu” (đóng thầu ngày 03/4/2020)) đã cho thấy nhiều điểm bất thường.
Ở 05 gói thầu, luôn chỉ có 03 nhà thầu mua và nộp hồ sơ dự, ngoài Công ty TNHH Tiến Ngạn, 08 nhà thầu còn lại gồm: Công ty TNHH xây dựng và thương mại Phúc Tiến, Công ty TNHH tư vấn và xây lắp Liên Việt, Công ty TNHH xây dựng 668, Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Tân Thành Đạt, Công ty TNHH Thịnh Hưng, Công ty TNHH Xây dựng Trường Giang, Công ty lập thành Hưng Yên, Công ty TNHH xây dựng và tư vấn Hoàng Minh.
Dù mua, nộp hồ sơ dự thầu song cả 08 nhà thầu nêu trên đều bị đánh giá “không đạt” ở bước đầu tiên – tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu, cụ thể với một lỗi chung là “bảo đảm dự thầu của nhà thầu không hợp lệ do không có xác nhận bảo chi của ngân hàng… với tờ Séc mà đơn vị ký phát hành”.
Thậm chí, “kịch bản” này lộ liễu đến mức, tại gói thầu thuộc dự án “Cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn xã Đình Cao, đoạn từ ĐH.83 đến thôn An Nhuế, xã Đình Cao” (đóng thầu ngày 13/2/2020), hồ sơ dự thầu của Công ty TNHH xây dựng và thương mại Phúc Tiến bị đánh giá “không đạt” vì “bảo đảm dự thầu của nhà thầu không hợp lệ do không có xác nhận bảo chi của ngân hàng BIDV – chi nhánh Hưng Yên với tờ Séc mà đơn vị ký phát hành”, thì đến tháng 4/2020 tại gói thầu thuộc dự án “Cải tạo, nâng cấp đường GTNT xã Đoàn Đào đoạn từ QL.38B (Km26+150) đến cổng làng Long Cầu” nhà thầu này lại bị đánh giá không đạt vì lỗi tương tự;
Hoặc như, Công ty TNHH xây dựng 668, tại gói thầu thuộc dự án “Xây dựng cầu Vóc trên ĐH.83, huyện Phù Cừ” (đóng thầu ngày 10/2/2020), nhà thầu bị đánh giá không đạt vì “bảo đảm dự thầu của nhà thầu không hợp lệ do không có xác nhận bảo chi của ngân hàng TMCP Công thương - chi nhánh Hưng Yên với tờ Séc mà đơn vị ký phát hành”, thì đến tháng 4/2020, tại gói thầu thuộc dự án “Cải tạo, nâng cấp đường GTNT xã Đoàn Đào đoạn từ QL.38B (Km26+150) đến cổng làng Long Cầu” nhà thầu này lại bị đánh giá không đạt vì “bảo đảm dự thầu của nhà thầu không hợp lệ do không có xác nhận bảo chi của ngân hàng TMCP Công thương - chi nhánh Hưng Yên với tờ Séc mà đơn vị ký phát hành”.
Theo lẽ thông thường, sau khi bị kết luận không đạt, nhà thầu sẽ rút kinh nghiệm cho lần sau, nhưng ở đây thì sao? Vậy lỗi này là vô tình hay cố ý? Mà lại có thể xảy ra ở cả 08 nhà thầu, xảy ra tới 2 lần, ngoại trừ Công ty TNHH Tiến Ngạn luôn đáp ứng yêu cầu!
Mặt khác, trong hồ sơ mời thầu có yêu cầu “nhà thầu phải chứng minh có các tài sản có khả năng thanh khoản cao hoặc có khả năng tiếp cận với tài sản có khả năng thanh khoản cao sẵn có, các khoản tín dụng hoặc các nguồn tài chính khác để đáp ứng yêu về cầu nguồn lực tài chính thực hiện gói thầu…”, song cả 08 nhà thầu nêu trên đều “không có tài liệu chứng minh”. Và như đã nói, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Phúc Tiến, Công ty TNHH xây dựng 668 đều bị đánh giá như vậy ở cả 02 gói thầu.
Vô tình hay hữu ý?
Không chỉ tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu, xác minh hồ sơ dự thầu của 08 nhà thầu trong 05 gói thầu trên sẽ thấy nhiều điểm bất thường hơn nữa, đến mức cả 08 nhà thầu đều không đáp ứng tiêu chí nào (ngoại trừ tổng doanh thu), điều này rất cần sự vào cuộc của cơ quan thanh tra, kiểm tra.
Trong đó có thể kể đến như tiêu chí về nhân sự, hồ sơ mời thầu yêu cầu nhân sự chủ chốt “có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng III hoặc đã trực tiếp tham gia thi công xây dựng ít nhất 01 công trình từ cấp III hoặc 02 công trình từ cấp IV cùng loại trở lên”. Tuy nhiên, cả 08 nhà thầu đều bị đánh giá “không đạt” và gói gọn rằng “không có tài liệu chứng minh năng lực hoạt động xây dựng của nhân sự được đề xuất”, hoặc ngay như các cán bộ kỹ thuật, cũng không có nhà thầu nào đáp ứng, thậm chí Công ty TNHH xây dựng và thương mại Phúc Tiến hay Công ty TNHH xây dựng 668 đều bị đánh giá không đạt tới 02 lần ở tiêu chí này.
Mặt khác, tiêu chí thiết bị thi công, có yêu cầu các máy như máy kinh vĩ và máy thủy bình hoặc máy toàn đạc điện tử, máy ép cọc BTCT, lực ép >=150 tấn, máy cắt thép, uốn thép,… không hiểu sao, trong 08 nhà thầu nêu trên không có nhà thầu nào có tài liệu chứng minh khả năng huy động thiết bị theo yêu cầu, ngoại trừ một nhà thầu duy nhất là Công ty TNHH Tiến Ngạn của ông Phạm Văn Ngạn.
Ở một góc độ khác, trong 08 nhà thầu trên cũng có nhà thầu mạnh, nhiều năm kinh nghiệm, trúng nhiều gói thầu mỗi năm, nhưng… cũng không có nhà thầu nào đáp ứng tiêu chí về hợp đồng tương tự.
Như vậy có thể thấy, từ tiêu chí về tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu, khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính, nhân sự, thiết bị, đến hợp đồng tương tự,… cả 08 nhà thầu, không có nhà thầu nào trúng trọn vẹn, như một kịch bản “cùng trượt với lý do giống nhau”. Ngược lại, ở tiêu chí nào Công ty TNHH Tiến Ngạn cũng đạt, gói thầu nào nhà thầu của ông Phạm Văn Ngạn cũng đạt số điểm hoàn hảo. Như dự án “Cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn xã Đình Cao, đoạn từ ĐH.83 đến thôn An Nhuế, xã Đình Cao” đạt 86,5/100 điểm, dự án “Xây dựng cầu Vóc trên ĐH.83, huyện Phù Cừ” đạt 90/100 điểm; dự án Xây dựng cầu Cự Phú xã Tam Đa, trên đường nhánh ĐH.64 huyện Phù Cừ đạt 86,5/100 điểm, dự án “Cải tạo, nâng cấp đường GTNT xã Đình Cao (đạt 87,3/100 điểm) dự án “Cải tạo, nâng cấp đường GTNT xã Đoàn Đào đoạn từ QL.38B (Km26+150) đến cổng làng Long Cầu” đạt 87,6/100 điểm.
Vậy năng lực thực sự của 08 nhà thầu nêu trên và Công ty TNHH Tiến Ngạn ra sao? Có hay không việc dàn xếp hồ sơ dự thầu, viết hồ sơ mời thầu có lợi cho một nhà thầu? - bởi như đã nêu, các gói thầu mà Công ty TNHH Tiến Ngạn trúng thầu đều do Công ty cổ phần xây dựng VIETCONS lập hồ sơ mời thầu?!
(Còn nữa)
Theo Thuonghieuvaphapluat Kinh tế , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment