Ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) giải thích về đề xuất xe máy phải bật đèn nhận diện vào ban ngày đang gây tranh cãi.
Khi đèn nhận diện được bật. (Ảnh: Mạnh Đoàn)
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Trong đó, đề xuất xe máy phải bật đèn nhận diện vào ban ngày nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và người dân.
Cụ thể, trong khoản 3, Điều 27 đề xuất: “Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau”.
“Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau”.
Liên quan đến đề xuất gây tranh cãi này, trả lời VTC News, ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông (Bộ GTVT) giải thích, trong luật Công ước Viên 1968 có quy định phải bật đèn nhận diện suốt cả ngày đã được thông qua bởi hội đồng và được nhiều nước áp dụng.
Theo đó, đèn nhận diện là đèn DLR giống như đèn led (không phải đèn cost hay đèn pha) và cứ mở khóa bật điện là nó sẽ lên.
“Công ước cũng quy định, nếu xe không có đèn nhận diện, thì người ta cho phép dùng đèn cost (không được dùng đèn pha). Công ước họ cũng lường trước các nước có trình độ khác nhau”, ông Tùng nói và cho biết, hiện nay các loại xe máy đều được sản xuất có đèn nhận diện.
Ông Tùng giải thích thêm, luật Công ước Viên có từ năm 1968 và được cập nhật hàng năm trên cơ sở đề xuất của các nước.
“Nhiều người cứ nghĩ công ước đó có từ 1968 là cũ rồi nhưng không phải đâu. Đó chỉ là tiền thân của nó và được cập nhật thường xuyên. Ví dụ, quy định bật đèn nhận diện vào cả ban ngày khi xưa đã có đâu”, ông Tùng chia sẻ.
Đến năm 2014, Việt Nam mới tham gia luật Công ước Viên 1968.
Khi Việt Nam tham gia luật này, quy định bật đèn nhận diện vào ban ngày chưa được đưa vào Luật Giao thông đường bộ của nước ta bởi vì khi đó, chúng ta chưa sửa đổi luật.
“Hiện tại, chúng ta sửa đổi Luật Giao thông đường bộ nên quy định phải bật đèn nhận diện được đưa vào dự thảo này, để nội luật hóa Công ước Viên 1968 vì mình đã tham gia.
Quy định này sẽ được lấy ý kiến người dân khoảng đến hết tháng 5, rồi được tổng hợp lại, sau đó trình Chính phủ, Quốc hội thông qua”, Phó Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông chia sẻ.
Theo ông Tùng, nếu nước ta không tiếp thu quy định bật đèn nhận diện suốt cả ngày của Công ước Viên thì sẽ phải báo cáo, giải thích với Hội đồng Công ước Viên để có biện pháp bảo lưu.
Về chế tài xử phạt nếu quy định này được áp dụng, ông Tùng cho biết, khi chúng ta xây dựng luật xong, sau đó căn cứ tính chất nguy hiểm thì mới có chế tài xử phạt và phải sửa đổi, bổ sung vào trong nghị định 100.
“Đến khi có chế tài là cả một quá trình, bởi nếu cái gì phức tạp quá thì phải có lộ trình để tuyên truyền chứ không phải đưa ra là phạt ngay”, Phó Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông cho hay.
Theo VTC Giao thông , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment