Cập nhật tin tức nóng hổi

Pháp luật ‘đi vắng’ mới ra Loan ‘cá’?!

Từ lâu rồi người dân vẫn nghe chuyện “bảo kê”. Nhưng có lẽ dẹp nạn bảo kê khó thật.
Pháp luật ‘đi vắng’ mới ra Loan ‘cá’?!
Chuyện Đường Nhuệ ở Thái Bình tự thu “phế” hỏa táng chưa lắng xuống, lại nổ ra vụ Loan “cá” đòi tiền “bảo kê” chỗ ngồi vừa bị Công an Đồng Nai bắt giữ. Nạn nhân là hàng trăm tiểu thương – mong kiếm một chỗ buôn bán để kiếm sống qua ngày ở một khu công nghiệp tại Đồng Nai.

Đường Nhuệ, từ một tay lao động tự do đã trở thành trùm giang hồ đất Thái Bình, tự đặt ra “luật” để thu vén lợi ích cho mình. Tương tự, Loan “cá” – một người bán cá ở Đồng Nai – nhưng đã chi phối một địa bàn rộng lớn, buộc nhiều người cung cúc nộp tiền để được yên thân buôn bán.

Những người buôn bán ở gần Khu công nghiệp Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) chỉ mong yên ổn để kiếm sống, vậy tại sao pháp luật không bảo vệ họ? Để rồi họ phải chấp hành một thứ “luật” giang hồ, ức mà không dám phản kháng, đau mà vẫn phải cắn răng cống nộp?

Từ lâu rồi người dân vẫn nghe chuyện “bảo kê”. Nhưng có lẽ dẹp nạn bảo kê khó thật. Chuyện “bắt nộp nhiều loại tiền” ở chợ Long Biên (Hà Nội) gây khó hộ kinh doanh, từng ầm ĩ dư luận một thời nhưng ai đứng sau nhóm bị bắt, khởi tố vẫn đang khuất bóng ở đâu… chưa bị đưa ra ánh sáng.

Rồi cuộc tấn công của Công an Đồng Nai vào hang ổ đòi tiền “bảo kê” tiểu thương đã khiến mọi người giật mình. Loan “cá” có thể đe dọa, thu tiền của nhiều tiểu thương từ TP Biên Hòa đến huyện Vĩnh Cửu.

Pháp luật ở đâu, cơ quan chức năng quản lý địa bàn thế nào mà Loan “cá” có thể áp đặt “luật” của mình lên người dân đang bám đường để kiếm sống? Đồng Nai có trên 30 khu công nghiệp, liệu chỉ có Loan “cá” hay còn băng nhóm nào nữa? Và ở các địa phương khác như thế nào?

Những vụ như Loan “cá” khiến mọi người liên tưởng đến nhiều vụ pháp luật bỗng dưng “đi vắng”, từ đó luật rừng ra đời và ngự trị. Đó là những vụ tạt sơn đòi nợ kiểu khủng bố diễn ra nhan nhản nhiều năm nhưng chẳng mấy khi thủ phạm bị lôi ra ánh sáng.

Thậm chí, xã hội xem những vụ tạt sơn khủng bố là… rất bình thường. Là những vụ “thu phí vỉa hè”, “bảo kê” ở vũ trường mà nạn nhân chẳng mấy khi yêu cầu pháp luật bảo vệ…

Pháp luật phải được thực thi nghiêm minh, để những trường hợp như Đường Nhuệ, Loan “cá” không có đất diễn. Vì vậy phải sớm làm rõ vì sao pháp luật “đi vắng”, do chống lưng hay do không làm tròn trách nhiệm quản lý địa bàn, để người dân tin rằng pháp luật luôn hiện diện và họ phải được pháp luật bảo vệ.

Theo Tuổi trẻ , ,

No comments:

Post a Comment