Trong suốt giai đoạn điều tra, bà Trần Thị Thanh Hương không được biết mình đã bị khởi tố. Thậm chí, phiên tòa hình sự còn vắng mặt cả Bị cáo và Bị hại.
Bị cáo Trần Thị Thanh Hương và luật sư Nguyễn Văn Hưng tại trụ sở TAND huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Ảnh: Văn Việt.
Cơ quan điều tra không triệu tập bị can
“Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Khoái Châu kết thúc điều tra và kiến nghị truy tố bà Hương theo tội danh “Làm nhục người khác” chỉ dựa vào lời khai của bà Nguyễn Thị Lan (Bị hại) mà không có Biên bản hỏi cung đối với bà Trần Thị Thanh Hương là không đảm bảo tính khách quan, chính xác của vụ án. Do đó, các yếu tố cấu thành tội phạm của tội danh không thể được chứng minh, làm rõ trong quá trình điều tra”, ông Nguyễn Văn Hưng, luật sư bào chữa cho bà Hương, cho biết.
Luật sư Hưng nói đây là điều “rất không bình thường” trong việc kết tội một con người. “Trong hoạt động tố tụng hình sự, quyền lực của các cơ quan điều tra là tuyệt đối. Nếu bị can có thái độ chống đối, cơ quan điều tra có thể ngay lập tức thay đổi biện pháp ngăn chặn từ cấm đi khỏi nơi cư trú sang tạm giam. Không thể nói là bị can ở nhà nhưng không tống đạt được quyết định triệu tập, hỏi cung”.
Ngày 8/6, trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Phạm Thế Phương, Chánh án TAND huyện Khoái Châu, thừa nhận “có một số lỗi đánh máy” trong bản án và giấy triệu tập với bị cáo Hương. Lý giải về phiên tòa diễn ra không có bị cáo, bị hại trong Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2020/HS-ST ngày 16/4 năm nay, ông Phương cho biết: “Cơ quan công an nói họ không thể áp giải bị cáo Hương đến dự phiên tòa. Về phía bị hại, họ có thể không tham gia phiên tòa, đấy là quyền của người ta”.
Luật sư Hưng nói ông cảm thấy “đây như một vụ kỳ án” khi cơ quan công an không thể triệu tập, áp giải một phụ nữ đến phiên tòa hình sự. Luật sư cho rằng thực tế bà Hương không được Cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành lấy lời khai, hỏi cung trong suốt quá trình điều tra vụ án. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng khoản 1 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về Hỏi cung bị can: “Việc hỏi cung bị can do Điều tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can” và xâm phạm quyền được “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” (Trích điểm d khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) của bà Hương với vai trò là Bị can trong vụ án.
Tòa huyện lỗi đánh máy, Tòa tỉnh sai chính tả
Chánh án Phạm Thế Phương nói ông không bình luận về các thắc mắc, kiến nghị của luật sư hay bị cáo. “Quá trình xét xử diễn ra đúng pháp luật, tôi chỉ có thể nói thế và chịu trách nhiệm về việc tòa đã xử”, ông Phương cho biết.
Theo tài liệu PV có được, ngày 19/2, TAND tỉnh Hưng Yên có văn bản trả lời một số thắc mắc của bị cáo Hương trước khi phiên tòa sơ thẩm hình sự diễn ra. TAND tỉnh này thừa nhận TAND huyện Khoái Châu gặp “lỗi đánh máy” khi ra lệnh cấm rời khỏi nơi cư trú trong vòng 45 ngày với bị cáo Hương. Trong khi đó, theo Điều 462 Bộ luật tố tụng hình sự, Chánh án TAND huyện Khoái Châu chỉ có quyền ra lệnh cấm rời khỏi nơi cư trú với thời gian không quá 17 ngày.
Sai sót thứ hai là việc Giấy triệu tập đến tòa, yêu cầu bị cáo Hương có mặt lúc 0 giờ ngày 21/02/2020, chữ kỹ của Thẩm phán Bùi Văn Tân, nhưng dùng dấu của Thẩm phán Đào Duy Trĩnh (người không tham gia xét xử). TAND tỉnh Hưng Yên cũng nhận định đây là “lỗi đánh máy” khi yêu cầu bị cáo có mặt lúc đêm khuya, ngoài giờ hành chính.
Văn bản trả lời của TAND tỉnh Hưng Yên yêu cầu TAND huyện Khoái Châu nghiêm túc rút kinh nghiệm, tránh sai sót tương tự “sảy ra” (đúng chính tả là “xảy ra”).
Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Chánh án Phạm Thế Phương ghi “bốn mươi năm ngày” (đúng chính tả là “bốn mươi lăm”).
Bản án sơ thẩm số 23/2020/HS-ST của Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, ông Bùi Văn Tân, hai lần dùng “từ trối” (đúng chính tả là “từ chối”) trong phần nhắc đến bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo nội dung bản án, bị cáo Hương và gia đình có tranh chấp quyền thừa kế sử dụng đất với bị hại Lan. Ngày 23/7/2018, hai bên có xô xát. Bị cáo Hương đã có hành vi dùng tay bốc phân lợn ném vào bị hại Lan. Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Hương hai năm cải tạo không giam giữ, khấu trừ 15% thu nhập hàng tháng để sung công quỹ, số tiền là 645.000 đồng/ tháng, trong thời gian 24 tháng từ ngày bản án có hiệu lực. Bị cáo Hương cũng phải bồi thường cho bị hại Lan số tiền 3 triệu đồng.
Ngày 9/6, luật sư Nguyễn Văn Hưng, người bào chữa cho bà Hương, cho biết ông đã làm đơn kháng cáo gửi TAND tỉnh Hưng Yên.
Theo luật sư Hưng, trong suốt giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án, bà Trần Thị Thanh Hương không được biết mình bị khởi tố, truy tố vào thời gian nào và không nhận được bất cứ Quyết định khởi tố, Bản Kết luận điều tra, Bản cáo trạng, Bản án sơ thẩm cũng như các văn bản tố tụng khác. Đồng thời, bà Hương không được tham gia Hỏi cung và không tham gia phiên tòa sơ thẩm ngày 16/4/2020.
Mặt khác, trong trường hợp bà Hương không tham gia Hỏi cung hoặc phiên tòa sơ thẩm thì bà Hương “có thể bị áp giải” đến làm việc theo quy định pháp luật nhưng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Khoái Châu, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Khoái Châu và Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu không tiến hành áp giải bà Hương đến tham gia Hỏi cung, tham gia phiên tòa sơ thẩm mà vẫn kết tội bà Hương là không tuân thủ quy định Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Nguồn https://nongnghiep.vn/phien-toa-khong-co-mat-bi-cao-khong-co-mat-bi-hai-o-hung-yen-d266026.html Pháp luật , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment