Lao động tự do bị mất việc vì dịch COVID-19 muốn nhận hỗ trợ ở nơi tạm trú phải có “giấy xác nhận chưa đề nghị hưởng trợ cấp” tại nơi có hộ khẩu thường trú. Thủ tục này khiến nhiều người dân “than trời” vì có người phải đi xác nhận ở xa hàng ngàn cây số, trong khi thời gian ấn định chỉ có vỏn vẹn hai ngày.
Chạy mướt mồ hôi cũng không kịp thủ tục
Anh P. (xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, anh là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, bị mất việc làm nên thuộc diện được hỗ trợ theo quyết định của Chính phủ. Ngày 26/4, gia đình anh rất vui khi được chính quyền địa phương đến tận nhà phát mẫu đơn đề nghị hỗ trợ. Ngay trong ngày, anh P. đã hoàn tất mẫu đơn và nộp lại cho cán bộ ở địa phương. “Tưởng là điền đơn xong tôi sẽ nhận được tiền hỗ trợ. Nhưng sau đó, lại bị vướng thủ tục liên quan đến giấy xác nhận nên tôi đành bỏ luôn”, anh P. kể.
Theo anh P., hơn một tháng sau, anh bất ngờ nhận được thư báo của UBND xã Hưng Long. Thư không rõ đề ngày 12 hay 22/5 nhưng đến ngày 27/5, anh P. mới nhận được từ cán bộ ở ấp. Trong thư thông tin anh P. đã đề nghị hỗ trợ theo tinh thần công văn của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, anh P. đang đề nghị hỗ trợ tại nơi tạm trú (xã Hưng Long). Do vậy, anh P. cần làm giấy xác nhận chưa đề nghị hưởng trợ cấp tại nơi có hộ khẩu thường trú; đồng thời, cung cấp giấy xác nhận tạm trú của Công an xã Hưng Long để xã có cơ sở đề xuất hỗ trợ cho anh P. theo quy định.
Ảnh minh họa
Thời gian để anh P. gửi giấy xác nhận về UBND xã Hưng Long là từ ngày nhận thư báo đến hết ngày 29/5 thông qua cán bộ chuyên trách. Qua thời gian trên, anh P. không bổ sung xem như hồ sơ không đủ điều kiện. “Quê tôi ở miền Trung, cách TPHCM gần cả ngàn cây số. Vậy mà ngày 27/5 xã phát thông báo, đến 29/5 là hết hạn. Tôi không tài nào xoay xở kịp nên tôi sẽ không tiếp tục làm hồ sơ”, anh P. cho hay.
Cũng giống như anh P., một số người dân ở ấp 5, xã Hưng Long phản ánh rằng, họ chỉ được hai ngày để thực hiện hai thủ tục là làm giấy xác nhận ở nơi thường trú và tạm trú. Trong khi đó, họ có hộ khẩu thường trú ở mọi miền đất nước.
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Gò Vấp của đơn vị số 8, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, cử tri cũng bày tỏ tâm tư về chuyện thủ tục nhận hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19 với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân.
Ảnh minh họa
Cử tri Nguyễn Đức Sáu cho biết: “Người lao động tự do rất háo hức vì được Nhà nước quan tâm. Nhưng giờ họ ngán rồi, thủ tục rườm rà mà thời gian làm lại chậm. Có người xin thôi vì quê ở Vĩnh Phúc vào TPHCM tạm trú, để nhận được 1 triệu đồng tiền hỗ trợ, chính quyền yêu cầu họ phải về quê làm giấy xác nhận, trong khi việc đi và về đã mất hết bốn ngày, tiết kiệm lắm cũng tốn khoảng 2,5 triệu đồng”.
Địa phương cũng gặp khó
Liên quan việc người dân chỉ có hai ngày để làm thủ tục xác nhận tại nơi thường trú, lãnh đạo UBND xã Hưng Long cho biết, việc làm hồ sơ cho người lao động mất việc nhận hỗ trợ khá gấp gáp nên UBND xã mới ra thông báo như trên. Tuy nhiên, sau thời hạn trên, người dân tiếp tục gửi hồ sơ vẫn được chấp nhận, những trường hợp sau sẽ nhận vào đợt hai.
Sau khi nghe cán bộ chuyên trách báo cáo, ông Ngô Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Hưng Long, cho biết: “Ngay hôm nay (29/5), chúng tôi sẽ thông báo đến người dân thời gian nhận bổ sung hồ sơ kéo dài đến ngày 10/6. Theo chỉ đạo của thành phố là đến ngày 15/6 hết hạn, vậy chúng tôi sẽ nhận đến ngày 10/6, thời gian còn lại là để ấp, ban chỉ đạo xã xét duyệt hồ sơ và gửi lên cấp trên đúng thời hạn”.
Về việc người dân than khó với làm giấy xác nhận ở quê, lãnh đạo UBND xã Hưng Long cho biết: “Vừa rồi, chúng tôi cũng hướng dẫn người dân là không cần phải trực tiếp về quê, chỉ cần gửi chuyển phát nhanh về xin xác nhận rồi gửi ngược trở lại, để không phải tốn chi phí đi lại. Nhiều trường hợp ở địa phương chúng tôi đã làm cách đó và chỉ mất phí khoảng 20.000 đồng”.
Một số địa phương cho biết thêm, liên quan thủ tục hỗ trợ cho người lao động bị mất việc, họ cũng khá bị động. Theo đó, những đối tượng như: gia đình chính sách, gia đình có công, hộ nghèo, cận nghèo… thì đã có danh sách sẵn. Riêng đối tượng lao động mất việc thì địa phương phải rà soát, xét duyệt hồ sơ trong khi thời gian khá gấp gáp.
“Về chính sách hỗ trợ, địa phương nhận được rất nhiều văn bản của cấp trên. Có rất nhiều đối tượng trong diện nhận hỗ trợ nhưng thật ra mỗi xã, phường chỉ có một cán bộ chuyên trách. Cán bộ này cũng phải kiêm nhiều đầu việc. Trong khi đó, có xã, phường có đến vài trăm hồ sơ lao động mất việc nên địa phương cũng gặp khó, không thể làm nhanh để tất cả người lao động được nhận tiền trong tháng Tư hay tháng Năm”, lãnh đạo một địa phương cho hay.
Sơn Vinh/ Báo Phụ Nữ Kinh tế , Tin trong nước , Xã hội
No comments:
Post a Comment