Sau 15 ngày tổng kiểm soát các phương tiện giao thông, đã có gần 195.000 xe bị xử phạt. Thế nhưng, điều làm nhiều người bất ngờ là những chiếc xe “mù” (không đèn, không gương chiếu hậu, không biển số…) vẫn ngang nhiên chở hàng cồng kềnh phóng bạt mạng trên đường. Tài xế xe “mù” dùng chiêu gì để thoát “chốt” tổng kiểm tra?
Xe "mù" có cảnh giới chỉ né chốt
Xe “mù” chở hàng cồng kềnh vẫn tung hoành trong đợt tổng kiểm tra. Ảnh Hoàng Nhiên
8g sáng, trên đường Chu Văn An, quận 6, TPHCM, “binh đoàn” xe “mù“ vẫn ùn ùn lưu thông trên đường. Người dân sống dọc tuyến đường này đã quá quen với cảnh tượng những chiếc xe không biển số, không đèn, không gương chiếu hậu, chỉ còn “bộ xương” chất hàng cao quá đầu người điều khiển phóng bạt mạng trên đường. Theo ghi nhận của chúng tôi, dù đang trong đợt cao điểm tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, nhưng lượng xe “mù” lưu thông trên đường vẫn không giảm mấy. Có khác chăng là cánh tài xế xe “mù” thận trọng hơn trong đợt lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) “làm căng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong kế hoạch tổng kiểm soát của CSGT, xe “mù” là một trong những phương tiện vào “tầm ngắm” của lực lượng chức năng. Bởi lẽ, đây là phương tiện không đủ tiêu chuẩn lưu thông và thường chở hàng quá khổ, quá tải, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn rất cao.
Trò chuyện với chúng tôi, một tài xế tên Minh, chở hàng thuê ở khu vực chợ Bình Tây - tiết lộ: “Xe này là chủ giao tụi tui chạy chở hàng nên tui chạy thôi. Với lại, chủ sẽ chịu phần đóng phạt nên xe bị “vịn” tui cũng không lo. Bây giờ hàng hóa tấp nập, nếu không chở thì buôn bán sao được”.
Sau nhiều ngày tìm hiểu ở “lãnh địa” xe “mù” nằm ở khu Chợ Lớn, chúng tôi phát hiện, sở dĩ rất nhiều xe “mù” qua ải trót lọt trong đợt tổng kiểm soát là nhờ sự liều mạng của các tài xế, thậm chí có hẳn một lực lượng chuyên cảnh giới báo hiệu để tài xế xe “mù” tránh chốt.
Khoảng 15g ngày 25/5, nhiều người dân lưu thông trên đường Võ Văn Kiệt hướng từ quận 1 về huyện Bình Chánh một phen thót tim, khi chứng kiến cảnh một chiếc xe “mù” chở sáu thùng hàng lớn đang chạy trên đường thì đột ngột đánh lái phóng bạt mạng theo hướng ngược lại khiến nhiều xe đang lưu thông phải tránh gấp và suýt tông nhau. Chiếc xe chạy ngược chiều khoảng 200m thì rẽ vào một con hẻm. Ở đó, có hơn 10 chiếc xe “mù” khác đang đứng thập thò quan sát phía trước - nơi có một tổ CSGT đang xử lý vi phạm. Khoảng 15 phút sau, khi tổ CSGT rời đi, thì “binh đoàn” xe “mù“ này mới được lệnh rục rịch di chuyển.
Xe “mù”, ba gác chở hành cồng kềnh xếp hàng dài né CSGT trên cầu Lò Gốm khi được lực lượng cảnh giới ra hiệu. Ảnh Hoàng Nhiên
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những ngày diễn ra tổng kiểm soát, dọc đường Võ Văn Kiệt thường xuyên xuất hiện bóng dáng của các đối tượng cảnh giới để xe “mù” dễ dàng né chốt CSGT.
Đơn cử, khoảng hơn 16g30 ngày 27/5, một đoàn xe “mù” và hơn 10 chiếc xe ba gác máy chở hàng cồng kềnh đang lưu thông từ hướng quận 5 về cửa ngõ phía Tây. Khi các phương tiện này di chuyển lên cầu Lò Gốm (quận 6) thì đột ngột tấp vào lề đường, tắt máy, dừng ở giữa cầu. Đang là giờ cao điểm nên xe cộ lưu thông rất đông. Nhiều người loạng choạng tay lái khi phải tránh đoàn xe “mù” liều lĩnh ngang nhiên dừng lại trên cầu.
Theo quan sát của chúng tôi, phát lệnh “ẩn nấp” cho đoàn xe “mù”, xe ba gác máy, là một thanh niên khoảng 35 tuổi. Người này đứng ở làn đường dành cho xe máy trên cầu, ra hiệu cho toàn bộ “binh đoàn” tấp vào lề, vì ở phía bên kia chân cầu, lực lượng CSGT đang xử lý phương tiện vi phạm. Đoàn xe “mù” xếp hàng dài trên cầu Lò Gốm, từ vị trí của tổ CSGT có thể quan sát được, nhưng có lẽ cũng đành “bó tay” vì không thể băng ngược chiều để xử lý.
Người dân địa phương cho biết, cánh tài xế xe “mù” rất liều mạng. Họ sẵn sàng chạy ngược chiều vào giờ cao điểm để tránh CSGT. Vào đợt cao điểm kiểm tra, trên đường luôn có người cảnh giới để xe “mù” lưu thông trót lọt. Lực lượng CSGT tuần tra công khai nên các đối tượng này rất dễ theo dõi. Điều này lý giải vì sao xe “mù” vẫn ngang nhiên chạy tràn lan
trên đường.
Một CSGT ở TPHCM cho biết, thực trạng các đối tượng cảnh giới CSGT để xe vi phạm lưu thông không chỉ diễn ra ở đường Võ Văn Kiệt, mà còn ở nhiều nơi khác, gây khó khăn và cản trở không ít cho lực lượng chức năng. Cách đây không lâu, Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TPHCM Huỳnh Trung Phong thừa nhận, khi tiến hành kiểm tra xe vi phạm vào đường cấm, giới lái xe biết CSGT ra quân nên không chạy. Khi CSGT không xử lý thì xe lại lưu thông.
Chế tài chưa đủ mạnh, xe "mù" để lại nhiều hệ lụy
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số người chạy xe “mù” đều không phải là chủ phương tiện, mà hầu hết là chủ các cửa hàng giao cho họ chạy thuê. Trong đợt tổng kiểm tra đang diễn ra, lực lượng CSGT ra quân xử phạt xe “mù”, thì hầu như các phương tiện này không có giấy tờ. Nhiều người điều khiển phương tiện không có cả giấy phép lái xe.Một lái xe cho biết: “Chủ cửa hàng chỉ giao xe cho tôi chứ không đưa giấy tờ xe. Chủ dặn khi “gặp chuyện” thì gọi chủ ra đưa giấy tờ. Nhưng nói thật, loại xe này lắp ráp đủ thứ vào nên làm gì có giấy tờ hợp lệ”.
Theo quy định, nếu một chiếc xe “mù” bị lập biên bản vì không có đăng ký xe, không bằng lái, không gương chiếu hậu và đèn chiếu sáng, thì tài xế sẽ bị xử phạt khoảng 1,5 triệu đồng. Nếu xác định người điều khiển phương tiện không phải là chủ xe, thì chủ xe sẽ bị phạt khoảng 1,5 triệu đồng về hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông.
Trong khi đó, trên thực tế, những chiếc xe “mù” có giá trị chưa đến 2 triệu đồng nên giải pháp của chủ xe và người điều khiển là bỏ xe luôn thay vì đóng phạt. Thực tế đó dẫn đến tình trạng nhiều kho, bãi giữ xe vi phạm luôn trong tình trạng quá tải. Nếu là xe còn xác định được số khung, số máy, biển số trùng theo giấy phép đăng ký, thì việc đăng thông báo, tìm kiếm chủ sở hữu vẫn còn hy vọng. Riêng việc truy tìm manh mối chủ của những chiếc xe “mù” không thể nhận dạng được là hành trình vô cùng gian nan.
Theo số liệu chúng tôi thu thập được, tại các bãi tạm giữ ở TPHCM có rất nhiều xe mô tô, gắn máy khi xử lý vi phạm hành chính thì không xác định được chủ sở hữu. Đơn cử, quận Bình Tân vừa đăng thông tin tìm chủ của gần 500 phương tiện, quận 9 đang tìm chủ của gần 1.000 phương tiện. Trong đó, có nhiều xe “mù” không biển số, không còn số khung nên cũng… chẳng biết đường nào mà lần.
Trước đó, một đơn vị CSGT ở TPHCM từng “gây cười” khi đăng tin tìm chủ sở hữu của hơn 80 phương tiện ba không (không biển số, không số khung, không số máy). Về vấn đề này, lãnh đạo một đội CSGT ở TPHCM chia sẻ, thông thường, sau khi bị CSGT xử phạt, nếu trong thời hạn quy định mà chủ phương tiện không đến đóng phạt, nhận xe, thì sẽ được đăng thông báo trên báo. Quá thời hạn 30 ngày kể từ khi đăng thông báo, nếu không có người nào đến giải quyết, toàn bộ số xe sẽ bị tịch thu sung công quỹ.
Với xe “mù”, thì muốn thanh lý phải đăng trên báo giấy, rồi kẹp các tờ báo đó vào hồ sơ thanh lý từng chiếc xe. Điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình giám sát những chiếc xe chỉ còn trơ khung sườn, động cơ đã được độ chế.
Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, quyết tâm dẹp xe “mù” đã được lực lượng chức năng đưa ra bao nhiêu năm nay. Tuy nhiên, thực tế rõ ràng là xe “mù” vẫn lưu thông trên đường gây bao nhiêu hệ lụy. Vậy, câu hỏi đặt ra là, nếu chỉ phạt hành chính thì có đủ mạnh? Đó là chưa kể việc chủ phương tiện còn có cách đối phó với CSGT trong mỗi đợt cao điểm.
“Theo tôi, ngoài phạt tiền, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu thêm những chế tài nhằm ràng buộc trách nhiệm với cả người điều khiển và chủ phương tiện. Chứ bây giờ phạt 3 triệu mà chiếc xe trị giá 2 triệu là họ sẽ bỏ xe”, luật sư Đức nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần xử lý vấn đề xe “mù” ở cái gốc, tức là chủ phương tiện - chủ cửa hàng là những ông chủ thật sự của loại xe này. Nên chăng tính đến những giải pháp mạnh và hữu hiệu hơn. Ví dụ, các đơn vị kinh doanh sử dụng xe “mù” gây mất trật tự an toàn giao thông thì cần đình chỉ kinh doanh. Hiện nay, việc dẹp xe “mù” chỉ tập trung vào CSGT. Trong khi CSGT chỉ được xử phạt, mà xử phạt thì họ đối phó, bỏ xe. Chủ kinh doanh lại mua một chiếc xe “mù” mới và người chở hàng thuê vẫn chạy.
Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Xuân Mai - nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường đại học Bách khoa TPHCM - chia sẻ: “Xe “mù” là xe máy phế thải lưu thông trên đường gây mất an toàn cực cao. Người ta cứ nói du di với lý do người nghèo. Tôi nói thật, người lái xe đó thì nghèo thật, nhưng ông chủ của các dịch vụ đó lại rất giàu. Ở một đô thị hiện đại như TPHCM thì không thể chấp nhận xe “mù” tung hoành trên phố chực chờ gây hiểm họa cho người dân được. Vậy nên, cần phải mạnh tay dẹp bỏ nó. Còn việc vận tải hàng hóa hiện nay chúng ta đã có phương tiện làm việc này rồi”.
Gần 195.000 phương tiện bị xử phạt trong 15 ngày tổng kiểm tra
Cục CSGT cho biết, trong 15 ngày đầu thực hiện tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ, CSGT Công an các địa phương đã phát hiện và lập biên bản xử lý 194.386 phương tiện vi phạm, gồm 7.226 xe khách (3,7%), 2.148 xe ô tô vận tải container (1,1%), 25.189 xe tải (12,95%), 15.349 xe ô tô con (7,89%), và 138.482 xe mô tô (71,2%). Ra quyết định tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 12.853 trường hợp, tạm giữ 30.279 phương tiện.Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: vi phạm quy định về tốc độ 15.404 trường hợp; không đội mũ bảo hiểm 34.705 trường hợp; không có giấy phép lái xe hoặc đăng ký xe, giấy phép lái xe hoặc đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp 24.523 trường hợp… Đáng chú ý, sau nửa tháng ra quân, lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý 9.952 lái xe vi phạm nồng độ cồn và 143 lái xe dương tính với ma túy.
Tình hình trật tự an toàn giao thông chuyển biến rất tích cực, trong 15 ngày toàn quốc xảy ra 425 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 186 người, bị thương 305 người. So với thời gian liền kề trước, tai nạn giao thông giảm 170 vụ (-28,57%), giảm 141 người chết (-43,12%), giảm 97 người bị
thương (-24,13%).
Hoàng Lâm/ Báo Phụ Nữ Giao thông , Pháp luật , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment