Cập nhật tin tức nóng hổi

Nền y tế thế giới mờ tịt tương lai sau khi Mỹ rút khỏi WHO

Ngày 29/5, 10 ngày sau khi gửi tối hậu thư cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), yêu cầu cơ quan thuộc Liên hiệp quốc này cải cách trong vòng 30 ngày (nếu không, Mỹ sẽ ngừng tài trợ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột đưa ra thông báo, Mỹ sẽ chấm dứt mối quan hệ với WHO và loại tổ chức này khỏi mọi khoản hỗ trợ tiền mặt của Mỹ.

Động thái này đánh dấu đỉnh điểm sự giận dữ của Mỹ với WHO trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, đặt ra câu hỏi về số phận của hàng trăm triệu USD tài trợ y tế toàn cầu của Mỹ giữa cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Nền y tế thế giới mờ tịt tương lai sau khi Mỹ rút khỏi WHO
Tổng thống Trump trong buổi họp báo tại Nhà Trắng công bố quyết định chấm dứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 29/5/2020

Ngay lập tức, thông báo của Tổng thống Trump thu hút phản hồi tiêu cực từ các chuyên gia y tế công cộng, cho rằng việc thiếu tài trợ sẽ khiến WHO khó phối hợp xử lý đại dịch, làm trầm trọng thêm sự lây lan dịch bệnh ở các nước đang phát triển. Megan Doherty - nhà vận động chính sách tại Mercy Corps dự đoán: “Hành động này sẽ gây phản tác dụng giữa cuộc khủng hoảng sức khỏe thế giới”.

Các chuyên gia khác lo ngại, quyết định này sẽ đe dọa số phận của những chương trình tiêm chủng và y tế công cộng khác trên toàn thế giới, ngoài đại dịch hiện nay. Ông Jeremy Konyndyk - cựu quan chức cao cấp của Mỹ đang cộng tác tại Trung tâm Phát triển toàn cầu (Mỹ) - cho biết: “Động thái này có thể phá vỡ chương trình vắc-xin toàn cầu, xóa bỏ bệnh bại liệt, phòng chống Ebola và hàng ngàn nhiệm vụ y tế khác mà Mỹ dựa vào WHO để thực hiện”.

Các nhà lập pháp dân chủ chỉ trích bước đi trên, khẳng định ông Trump đang “tế sống” WHO để che đậy sự thất bại của chính quyền trong việc đối phó với đại dịch trong nước. Tuần cuối tháng Năm, số người chết vì COVID-19 của Mỹ đã vượt qua con số 100.000.
Nền y tế thế giới mờ tịt tương lai sau khi Mỹ rút khỏi WHO
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus

Nếu WHO hoàn toàn bị loại bỏ khỏi chương trình tài trợ của Mỹ - vốn chiếm 15% ngân sách của tổ chức - thì nguồn ngân sách lớn nhất sẽ không đến từ bất kỳ cường quốc toàn cầu nào khác mà là Quỹ Bill & Melinda Gates. Hiện Trung Quốc chỉ đóng góp khoảng 0,21% ngân sách, tương đương 40 triệu USD.
Nền y tế thế giới mờ tịt tương lai sau khi Mỹ rút khỏi WHO
HÌnh 3: Tru sở WHO tại Geneva - Ảnh: AP

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nổi tiếng là người không khoan nhượng WHO, sử dụng quyền lực cơ quan và các chương trình họp báo để lên án Tổ chức Y tế thế giới khi đại dịch tiếp tục lan rộng. Ông Pompeo nói trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng Năm: “Họ đã khiến chúng tôi thất bại. Đây không phải là lần đầu tiên WHO sai sót trong thời điểm xảy ra đại dịch”. Cựu nghị sĩ bang Kansas cáo buộc WHO bảo vệ chính phủ Trung Quốc và không giúp cung cấp các mẫu bệnh phẩm từ nơi căn bệnh xuất hiện đầu tiên - Vũ Hán, Trung Quốc.

Hôm 1/6, hãng tin Reuters trích dẫn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế bất bình với “cách hành xử ích kỷ của Mỹ”, đồng thời lên án Washington “nghiện rút lui” để theo đuổi sức mạnh chính trị và chủ nghĩa đơn phương. Dù vậy, cùng ngày, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - bày tỏ trong cuộc họp báo tại trụ sở Geneva rằng, ông hy vọng duy trì mối quan hệ đối tác của cơ quan với Mỹ. Ông Tedros nói: "Thế giới từ lâu đã hưởng lợi từ sự tham gia, đóng góp mạnh mẽ của chính phủ và người dân Mỹ. WHO mong muốn sự hợp tác này sẽ tiếp tục”.

LINH LA (theo Foreign Policy, NPR, Reuters)/ Báo Phụ Nữ , ,

No comments:

Post a Comment