Thủy điện Tam Hiệp là dự án gây tranh cãi dữ dội trong lịch sử Trung Quốc. Bị quốc hội phản đối, Ngân hàng Thế giới (WB) từ chối cấp tiền… Tại sao nó vẫn được xây?
Bức không ảnh chụp đập Tam Hiệp tháng 10-2019 – Ảnh: AFP
Đập Tam Hiệp nằm trên sông Trường Giang (Dương Tử), phía tây thành phố Nghi Xương thuộc địa phận tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Công trình khởi công năm 1994 và hoàn thành năm 2006, trở thành đập thủy điện lớn nhất thế giới.
Các thông số của đập Tam Hiệp khá hoành tráng: dài 2.335m, cao 185m, cấu thành từ 28 triệu m3 bêtông và 463.000 tấn thép.
Hồ chứa của đập nhấn chìm một khu vực trải dài đến 600km về phía thượng nguồn, cho phép tàu hàng tải trọng lớn di chuyển 2.250km từ biển Hoa Đông (cảng Thượng Hải) đến tận thành phố Trùng Khánh.
Ý tưởng xây đập Tam Hiệp xuất hiện từ thời Quốc dân đảng Trung Quốc những năm 1920, tuy nhiên người ta gác hàng chục năm không dám làm. Đến năm 1953, lãnh tụ Mao Trạch Đông hồi sinh dự án và chỉ đạo nghiên cứu tính khả thi của một số địa điểm.
Dự án bắt đầu lên kế hoạch chi tiết năm 1955. Phe ủng hộ khẳng định đập nước sẽ giúp kiểm soát lũ dọc hai bên sông Trường Giang, thúc đẩy thương mại nội địa và cung cấp phần lớn điện năng cho miền trung đại lục.
Ở chiều ngược lại, những người phản đối lo lắng nguy cơ vỡ đập và hậu quả khủng khiếp của nó, về việc khoảng 1,9 triệu dân sống dọc hai bên sông mất chỗ ở, về việc phá hủy cảnh quan tự nhiên, các di tích kiến trúc và khảo cổ…
Cảnh sát bán vũ trang tuần tra hồ chứa đập Tam Hiệp khi mực nước lần đầu tiên đạt mức tối đa 175m vào tháng 10-2010 – Ảnh: REUTERS
Tác động môi trường của dự án thì không đo đếm nổi, nhất là với quy mô đó. Giới khoa học lo sợ việc tích tụ một lượng nước khổng lồ như thế sẽ gây ra động đất và sạt lở địa hình – những nguy cơ vốn tăng dần theo thời gian.
Không phải tự nhiên mà Tổ chức Sông ngòi quốc tế gọi đập Tam Hiệp là “hình mẫu của thảm hoạ”. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng từ chối cung cấp tiền cho dự án với lý do quan ngại về tác động môi trường và nhiều yếu tố khác.
Thời đó, nhiều kỹ sư Trung Quốc và nước ngoài kêu gọi tốt hơn hết nên xây nhiều đập nhỏ trên các phụ lưu của sông Trường Giang, vẫn kiểm soát lũ và phát điện tốt trong khi nguy cơ ít hơn. Lời khuyên đã không được lắng nghe.
Vì có quá nhiều vấn đề, dự án bị trì hoãn gần 40 năm. Năm 1992, Thủ tướng Lý Bằng thuyết phục được Quốc hội thông qua dự án, nhưng cũng có đến gần 1/3 đại biểu phản đối hoặc không thèm bỏ phiếu – điều ít thấy trên chính trường Trung Quốc.
Trong lễ động thổ công trình năm 1994, giới quan sát lưu ý rằng Chủ tịch Giang Trạch Dân đã không xuất hiện cùng Thủ tướng Lý Bằng. Nhưng dù sao dự án vẫn tiến hành, dù trong suốt quá trình xây có không ít xìcăngđan tham nhũng, đội vốn… nổ ra.
Ảnh con đập biến dạng lan truyền trên mạng Trung Quốc – Ảnh: Twitter
Nhiều lo ngại về đập Tam Hiệp bắt đầu râm ran từ mùa hè năm 2019 sau khi ảnh vệ tinh ghi nhận thân đập có vẻ như bị lõm vào do sức ép của nước, nhưng nhà chức trách bác bỏ, khẳng định đập vẫn an toàn.
Đến mùa mưa năm nay, tình hình càng xấu hơn. Trận lũ kỷ lục trong 80 năm ở miền nam Trung Quốc là thử thách lớn đầu tiên của công trình Tam Hiệp.
Trong cuộc họp báo ngày 10-6, Thứ trưởng Tài nguyên nước Trung Quốc Ye Jianchun cũng thừa nhận mực nước trên ít nhất 148 con sông ở Trung Quốc đã dâng cao trên mức cảnh báo, chứng tỏ khả năng kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp chỉ có giới hạn.
Nhà khoa học Trung Quốc Wang Weiluo, một chuyên gia thủy văn, cảnh báo rằng đập Tam Hiệp thật ra không ổn định như người ta tưởng.
Trong cuộc phỏng vấn với Radio France Internationale, ông Wang không bình luận về tấm ảnh vệ tinh năm ngoái, nhưng cho rằng mối lo lớn nhất chính là những vết nứt và chất lượng bêtông không đảm bảo được phát hiện trong lúc công trình đang xây dựng.
Theo Tuổi trẻ Kinh tế , Môi trường , Tin quốc tế
No comments:
Post a Comment