Cập nhật tin tức nóng hổi

Thủ tướng Lý Khắc Cường làm thức tỉnh “giấc mộng Trung Quốc” của Tập Cận Bình

Lớp vỏ bọc giàu mạnh vinh quang “Giấc mộng Trung Quốc” của Tập Cận Bình đã bị lột xuống bởi người có quyền hành số hai, Thủ tướng Lý Khắc Cường, khi ông Lý lên tiếng cảnh báo đại lục vẫn còn 600 triệu người có thu nhập hàng tháng khoảng 1000 nhân dân tệ.

Tùy thuộc hối xuất, 1000 nhân dân tệ, tương đương khoảng 3,3 triệu VNĐ một tháng, tức là 110.000 VNĐ một ngày.

Sau khi kết thúc phiên họp thứ ba của Đại hội Nhân dân toàn quốc lần thứ 13 vào ngày 28 tháng 5 vừa qua, Lý Khắc Cường đã tham dự buổi họp báo trực tuyến tại Hội trường Vàng trên tầng ba của Đại lễ đường Nhân dân, và trả lời các câu hỏi của báo chí.
Thủ tướng Lý Khắc Cường làm thức tỉnh “giấc mộng Trung Quốc” của Tập Cận Bình
“Liệu nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo năm nay có thể hoàn thành, và nhà nước làm thế nào để bảo vệ sinh kế cơ bản của người dân?”, đại diện báo Nhân Dân (People’s Daily) hỏi.

“Trung Quốc là một quốc gia đang phát triển với dân số đông,” ông Lý trả lời. “Thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chúng ta là 30.000 nhân dân tệ, nhưng 600 triệu người chỉ có thu nhập hàng tháng là 1000 nhân dân tệ. 1000 nhân dân tệ có thể khó thuê phòng trong một thành phố cỡ trung bình. Tình trạng sinh kế của nhân dân sau dịch bệnh là quan trọng.”

Lời công bố này của ông ta đã tạo ra những cuộc tranh cãi về thực trạng kinh tế của Trung Quốc giữa bối cảnh căng thẳng đại dịch, tranh chấp chủ quyền Biển Đông, các cuộc xuống đường trở lại ở Hồng Kông, leo thang các hoạt động quân sự tại eo biển Đài Loan, và bế tắc trong các cuộc đàm phán biên giới Ấn-Trung.

Liệu Trung Quốc thực sự có nhiều người sống với thu nhập thấp như vậy hay không?

Báo cáo của Lý Khắc Cường có thể là sự thật.

Mặc dù Trung Quốc tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong vài thập kỷ gần đây nâng nhiều người lên khung thu nhập cao, nhưng thực tế phần lớn dân số vẫn còn rơi vào nhóm thu nhập thấp hoặc trung bình. Nhiều người trong số họ vẫn sống bấp bênh trên gần làn ranh của chuẩn nghèo.

Phân tích một mẫu ngẫu nhiên 70.000 gia đình do Cục Thống kê Quốc gia thu thập, một nhóm chuyên gia tại Viện Phân phối Thu nhập Trung Quốc tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh đã phát hiện ra rằng gần 42,9% số người trong mẫu có thu nhập hàng tháng của mỗi hộ gia đình chưa đến 1.090 nhân dân tệ trong năm 2019.

Thu nhập chúng ta nói ở đây là thu nhập khả dụng, không phải mức lương trung bình. Thu nhập khả dụng (disposable income) là số tiền còn lại sau khi nộp thuế thu nhập, phí bảo hiểm xã hội và các khoản phí thiết yếu khác. Nó phản ánh sinh kế cá nhân và hộ gia đình thực sự, và do đó trên toàn cầu được coi là một trong những chỉ số quan trọng nhất đánh giá sự phát triển của một quốc gia.

Nếu thống kê đó đúng trên toàn quốc, nó sẽ chiếm hơn 599,9 triệu người Trung Quốc đại lục.

Như vậy, 600 triệu người đó là ai?

Cuộc khảo sát cho thấy 75,6% trong số họ sống ở khu vực nông thôn; số còn lại thuộc thành phần công nhân tay nghề thấp và lương thấp, hầu hết được tuyển dụng bởi các công ty vừa và nhỏ bị vùi dập bởi sự bùng phát của dịch bệnh vi-rút Corona.

Nếu tách theo địa dư, có đến 36,2% và 34,8% sống ở miền trung và miền tây Trung Quốc kém phát triển. Họ thường nhận được trung bình khoảng 9 năm học – đủ để hoàn thành trung học cơ sở, không tiến bộ cao hơn. Họ là một đa số im lặng, ở ngoài tầm nhìn của nhà nước và không có kênh truyền thông nào phát lên tiếng nói của họ.

Họ là phần bị lãng quên của xã hội Trung Quốc

Các nhà ngoại giao, đầu tư và du khách quốc tế thông thường tiếp cận cái vỏ bọc bên ngoài của “giấc mộng Trung Quốc”, đến viếng thăm sự phát triển nổi bật của các thành phố nằm dọc theo bờ biển phía Đông, điển hình là Thâm Quyến, họ chỉ nhìn thấy cái vỏ bọc giàu có vinh quang.

Nhưng nếu họ có đủ tinh tế, nhìn xuyên qua cái vỏ bọc đó, đi thêm vài trăm dặm về phía Tây của đại lục, họ sẽ thấy vấn đề của Trung Quốc.

Năm 2019, mức thu nhập khả dụng bình quân đầu người (per capita) của Trung Quốc là 30.733 nhân dân tệ (khoảng 4,340 đô la Mỹ); người Mỹ kiếm được hơn 10 lần con số đó.

Lãnh đạo cộng sản Trung Quốc thường tự hào rằng họ đã đưa hơn nửa tỷ người ra khỏi cảnh nghèo đói. Trên thực tế, con số hơn nửa tỷ người từng nằm dưới chuẩn nghèo, hiện nay là con số 600 triệu người đang sống bấp bênh trên gần làn ranh đó.

Vinh quang mà “giấc mộng Trung Quốc” của Tập đạt được nằm ở trên đỉnh, là 1% dân số giàu có nhất trên đỉnh xã hội hiện đang chiếm hữu 33,3% tổng tài sản quốc gia; ngược lại, ở dưới đáy, 25% dân số nghèo tận cùng của xã hội chỉ chia nhau 1% tổng tài sản quốc gia mà thôi. Nên nhớ Trung Quốc đứng đầu thế giới về con số đại biểu Quốc hội trở thành tỷ phú.

“Giấc mộng Trung Quốc” sẽ đi về đâu?

Về mặt đối ngoại, có thể ông Lý muốn nói với tất cả các thành viên Liên Hiệp Quốc rằng Trung Quốc vẫn là một nước đang phát triển (developing country) điển hình bị chi phối bởi dân số thu nhập thấp. Nếu là như vậy, Trung Quốc sẽ thỏa mãn tiếp tục sách lược bành trướng như một cường quốc, nhưng không bị buộc đóng góp tài chính lớn lao như các nước phát triển (developed country).

Về mặt nội bộ, một số người cho rằng ông Lý muốn làm rõ ràng về việc người dân thực sự kiếm được bao nhiêu và Trung Quốc đứng ở đâu trên toàn cầu. Tuy nhiên, có thể ông Lý lo lắng đến hậu quả thất nghiệp toàn bộ của 600 triệu người, hơn là mức thu nhập thấp của họ.
Thủ tướng Lý Khắc Cường làm thức tỉnh “giấc mộng Trung Quốc” của Tập Cận Bình
Thất nghiệp sẽ là một bãi mìn kinh tế của nhà nước. Kể từ đầu năm, thị trường việc làm đã gặp khó khăn vì chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ và sau đó là đại dịch. Vào tháng Tư, dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố cho thấy những người lao động nhập cư ở nông thôn đang làm việc bên ngoài quê hương của họ đã giảm gần 30% xuống còn 122,5 triệu, nghĩa là khoảng một phần ba trong số họ thất nghiệp.

Nếu Cục Thống kê được phép công bố dữ liệu khủng khiếp như vậy, điều đó có thể là một dấu hiệu tích cực để làm giảm việc thao túng dữ liệu cho mục đích chính trị, hoặc là đến lúc nhà nước không thể che đậy được nữa.

Hiện nay, các đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc đều có khả năng rơi vào suy thoái toàn diện sau đại dịch. Nhu cầu xuất khẩu của một nền kinh tế sản xuất đang có ở Trung Quốc sẽ bị suy giảm trầm trọng. Sự chuyển đổi sang một nền kinh tế tiêu dùng để gia tăng nhu cầu trong nước cũng sẽ mất thời gian. Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn lo lắng về mối đe dọa của làn sóng thứ hai của vi-rút corona, an ninh công việc và lo ngại cắt giảm lương.

Đại hội nhân dân toàn quốc được cho là để báo trước sự hiện thực hóa chỉ tiêu một trăm năm đầu tiên của Đảng là “thành lập một xã hội thịnh vượng vừa phải vào cuối năm 2020”. Tuy nhiên, với sự suy thoái kinh tế lâu dài đã trở nên trầm trọng vào năm ngoái bởi cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ và năm nay bởi đại dịch, chỉ tiêu đó ngày càng trở nên xa vời đối với hàng triệu công nhân đã bị đuổi việc, thuê mướn nhân công bị đóng băng và mức lương bị cắt giảm.

Những báo cáo của Lý Khắc Cường dường như tát nước lạnh vào mặt của những kẻ ngủ mê trong kịch bản “Giấc mộng Trung Quốc” của họ Tập.

Người Đà Lạt Xưa , ,

No comments:

Post a Comment