Cập nhật tin tức nóng hổi

Trung Quốc gửi thông điệp gì cho Mỹ khi khiêu khích các nước láng giềng?

Cũng trong tuần lễ lính Trung cộng và Ấn Độ tham gia vào một vụ đụng độ chết người, thì một tàu ngầm của Trung Quốc đã đi qua vùng biển gần Nhật Bản, làm cho máy bay và các tàu chiến Nhật phải quần thảo để theo dõi việc di chuyển lén lút của tàu ngầm này. Các máy bay chiến đấu Trung Quốc và ít nhất một máy bay ném bom đã bay sát vào không phận Đài Loan gần như mỗi ngày.

Với sự xao nhãng của thế giới vì đại dịch Wuhanvirus, quân đội Trung Quốc đã xâm phạm lãnh thổ của nhiều quốc gia láng giềng trên nhiều mặt trận trong suốt mùa xuân và hiện giờ đã sang hè, biểu diễn sức mạnh quân sự theo cách gây báo động trên khắp châu Á và ở Washington.
Trung Quốc gửi thông điệp gì cho Mỹ khi khiêu khích các nước láng giềng?
Ảnh của Dave Brown - political cartoon

Sự khẳng định sức mạnh quân sự của Trung Quốc không những phản ảnh ý thức về sự tự tin và năng lực ngày càng tăng, mà còn là một trong những cuộc đối đầu, nhất là với Mỹ về đại dịch, về số phận của Hong Kong và những vấn đề khác mà Trung Quốc xem là trọng tâm cho chủ quyền và niềm tự hào của quốc gia.

Trung Quốc tuyên bố tất cả hoạt động gần đây của họ là để phòng thủ, nhưng mỗi lần đều leo thang nguy cơ đụng độ quân sự, cho dù cố ý hay không. Đó dường như là điều đã xảy ra vào đêm 15/06, khi lính Trung Quốc và Ấn Độ đánh nhau dọc phần biên giới đang tranh chấp trong khu vực Himalayas.

Đây là cuộc đụng độ đẫm máu nhất trong khu vực biên giới này kể từ năm 1967. Theo nhiều nhà phân tích Trung Quốc, tin tức trên truyền thông Ấn Độ và báo cáo của tình báo Mỹ, cuộc đụng độ này cũng gây ra con số thương vong đang được giấu kín cho phía Trung Quốc, là quốc gia lần đầu đánh nhau kể từ sau chiến tranh với Vietnam năm 1979.

“Tôi nghĩ rằng khả năng dẫn đến một tai nạn nổ súng được gia tăng thêm,” Wu Shicun, chủ tịch Viện nghiên cứu quốc gia về biển Hoa Năm (biển Đông), nói trong một cuộc họp ở Bắc Kinh tuần này, tiết lộ báo cáo về hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực này.

Trung Quốc lâu nay đã hành động đầy vũ lực để bảo vệ lãnh thổ và lợi ích của quốc gia, nhưng giờ đây nó đang hoạt động với sức mạnh quân sự lớn hơn lúc nào hết.

“Sức mạnh của Trung Quốc đang tăng với tốc độ cao hơn nhiều so với các cường quốc khác trong khu vực,” Adam Ni, giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Hoa, một tổ chức nghiên cứu ở Canberra, Úc, nói. “Điều này thực sự đã cho Bắc Kinh nhiều công cụ hơn để sẵn sàng thúc đẩy một nghị trình đầy quyết đoán và hung hăng hơn.”

Tốc độ hoạt động gia tăng trong năm nay đi theo một chương trình hiện đại hóa quân sự đã bắt đầu từ thập niên 1990s và tăng tốc dưới thời của một lãnh đạo đầy tham vọng và độc tài Trung Quốc, Xi Jinping. Xi thanh trừng một cách kiên định các giới chức cao cấp trong quân đội phạm tội tham nhũng hoặc những giới chức không đủ trung thành và chuyển trọng tâm của Quân Giải phóng Nhân dân từ lục chiến hạng nặng sang tác chiến nhanh sử dụng không quân, hải quân và ngày càng gia tăng vũ khí không gian mạng.

Xi cũng làm cho quân đội càng có ưu tiên lớn hơn nữa sau khi xảy ra đại dịch. Thủ tướng Trung Quốc, Li Keqiang, tháng trước tuyên bố rằng ngân sách quân sự sẽ tăng 6,6% trong năm nay, đạt gần 180 tỷ USD, khoảng một phần tư ngân sách quốc phòng của Mỹ, ngay cả khi bao gồm mọi khoản chi phí của nhà cầm quyền bị cắt giảm vì suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tại Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, Xi lưu ý về vai trò của quân đội ở Wuhan, nơi dịch bệnh bắt đầu ở Trung Quốc, và cảnh báo rằng đại dịch đã đặt ra những thách thức cho an ninh quốc gia. Xi nói, đất nước nên “tăng cường chuẩn bị cho các cuộc chiến quân sự, thực hiện một cách linh hoạt các huấn luyện quân sự thực tế, và phát triển toàn diện khả năng của quân đội chúng ta để thực hiện các nhiệm vụ quân sự.”

Quân đội Trung Quốc được cho là vẫn thua xa các lực lượng vũ trang Mỹ, nhưng đã đuổi kịp ở một số lĩnh vực, gồm có mở rộng sức mạnh hải quân và triển khai tên lửa chống hạm và tên lửa chống máy bay.

Vào cuối năm ngoái, Trung Quốc được cho là có ít nhất 335 tàu chiến, nhiều hơn Mỹ chỉ có 285 tàu, theo một báo cáo vào tháng trước của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội ở Washington.

Báo cáo nói rằng Trung Quốc hiện đang đặt ra “một thách thức lớn cho khả năng của Hải quân Mỹ nhằm đạt được và giữ vững sự kiểm soát thời chiến trong các khu vực đại dương mở “blue-water” ở Tây Thái Bình Dương – một thách thức đầu tiên mà Hải quân Mỹ phải đối mặt kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh.”

Trung Quốc đã tăng cường hoạt động quân sự gần Đài Loan sau khi tổng thống của đảo quốc tự trị, Tsai Ing-wen, đã tái đắc cử hôm tháng giêng bằng việc đánh bại một ứng viên được coi là ít thù địch với Bắc Kinh hơn.

Một trong hai chiếc hàng không mẫu hạm của Trung Quốc đã đi dọc theo bờ biển phía đông của Đài Loan hôm tháng tư, được 5 tàu chiến khác hộ tống. Máy bay quân sự Trung Quốc liên tục áp sát không phận Đài Loan vào tuần trước, theo những gì các nhà phân tích nói là để thử nghiệm khả năng phòng thủ của đảo quốc này. Trung Quốc có kế hoạch tổ chức cuộc tập trận trong tháng tám này theo tin có được là sẽ mô phỏng việc đánh chiếm quần đảo Pratas của Đài Loan, một cụm đảo san hô mà tiếng Mandarin gọi là quần đảo Dongsha.

Trung Quốc cũng mở rộng tuyên bố trên vùng biển Hoa Nam, thành lập hai quận hành chính mới để cai quản các đảo mà Trung Quốc kiểm soát trong hai quần đảo Paracel và Spratly và đe dọa các nước láng giềng khác.

Tháng tư, cảnh sát tuần duyên Trung Quốc đã đâm và đánh chìm một tàu đánh cá của Vietnam. Cùng tháng đó, một tàu thăm dò của nhà cầm quyền Trung Quốc đã đuổi theo một tàu chở dầu trong vùng biển mà Malaysia tuyên bố chủ quyền, khiến cho Mỹ và Úc phải gửi 4 tàu chiến đến để giám sát tình hình. Philippines đã trao khiếu nại ngoại giao chính thức sau khi một tàu chiến Trung Quốc đã chĩa radar vào một tàu hải quân Philippines.

Trong vùng biển Hoa Đông, hành động tuần tra của một tàu ngầm Trung Quốc vào tuần trước đã bị phát hiện kể từ năm 2018, khi các tàu chiến Nhật đã buộc tàu ngầm tấn công hạt nhân này phải nổi lên. Hành động này theo sau sự gia tăng căng thẳng đối với chính quyền Nhật trên quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là quần đảo Diaoyu.

“Khi Trung Quốc cho rằng đang bị thách thức trong các tranh chấp chủ quyền khác trong thời đại này, chúng sẽ đáp trả bằng một đường lối rất cứng rắn,” M. Taylor Fravel, giám đốc Nghiên cứu An ninh của Học viện Kỹ thuật Massachusetts và là chuyên gia về quân đội Trung Quốc, nói.

“Trung Quốc chưa bao giờ có khả năng để tự khẳng định mình trong lĩnh vực hàng hải cho đến khoảng 10 hoặc 15 năm qua,” Fravel nói, lưu ý về sự phát triển vững chắc của hải quân và không quân Trung Quốc. Ông nói thêm, “Điều này đã cho phép Trung Quốc nhấn mạnh các yêu sách trên biển Đông và Nam Trung Hoa hơn bao giờ hết.”

Trung Quốc cũng tăng cường các cuộc tuần tra trên bầu trời trong khu vực. Charles Q. Brown Jr., chỉ huy trưởng Lực lượng Không quân Thái Bình Dương người sẽ sớm đảm nhiệm chức vụ Tham mưu trưởng Không quân, nói hôm thứ tư rằng cho đến gần đây Trung Quốc chỉ thỉnh thoảng mới có các phi vụ với máy bay ném bom H-6, nhưng hiện nay đang thực hiện phi vụ như vậy gần như mỗi ngày.

Các máy bay ném bom này, dù đã cũ, đã được sửa sang lại và trang bị các tên lửa mới mà Trung Quốc đã đem ra trình diễn trong cuộc duyệt binh vào tháng mười năm ngoái kỷ niệm 70 năm thành lập quốc gia cộng sản này.

Đối với tất cả các hoạt động gần đây, quân đội Trung Quốc vẫn chưa được kiểm chứng. Cuộc đụng độ với Ấn Độ là một cuộc chiến lẻ với gậy gộc và gạch đá, chứ không phải là vũ khí, do đó nó hầu như không phải là cuộc thử nghiệm về sự chuẩn bị quân sự của Trung Quốc. Nó đã đặt ra những câu hỏi về sự huấn luyện và kỷ luật.

Các chi tiết của cuộc đụng độ vẫn còn sơ sài và không thể xác minh độc lập, nhưng theo một số nguồn tin từ truyền thông Ấn Độ, thì một tình huống căng thẳng nhưng có thể quản lý được đã dần dần vượt khỏi tầm kiểm soát vì quân được điều động từ các vùng khác của Tibet đến đã thiếu kinh nghiệm trong việc tuân theo các giao thức thông thường để giảm các cuộc đối đầu.

Trung Quốc không tiết lộ số thương vong của họ, mặc dù một bài báo trên India Today, một hãng thông tấn lớn, nói rằng lực lượng bên Ấn Độ đã trao trả 16 thi thể lính Trung Quốc. Văn phòng tình báo Mỹ ở Washington cho rằng Trung Quốc đã cố ý che giấu tổn thất của mình, mà khi so với Ấn Độ, con số có thể giao động từ 20 đến 30.

Song Zhongping, nhà phân tích quân sự độc lập, nói rằng con số có thể thấp hơn tuyên bố của Ấn Độ nhưng sẽ không được công bố “để trách kích động cảm xúc mạnh mẽ của Ấn Độ.”

Mặc dù các căng thẳng với Ấn Độ ở mức nghiêm trọng, nhưng chúng không phải là những ưu tiên cốt lõi của quân đội Trung Quốc: đối đầu với những điều mà Trung Quốc xem là sự xâm lược của Mỹ trong khu vực của Trung Quốc.

Mỹ, cũng vậy, đã tăng cường hoạt động quân sự trong khu vực. Mỹ đã gửi các tàu chiến vào khắp biển Hoa Nam và tăng cường hỗ trợ Đài Loan cùng quân đội của đảo quốc này – các vấn đề nảy sinh trong tháng này khi Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có cuộc gặp với nhân vật ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Yang Jiechi, ở Hawaii.

Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ về các căng thẳng trong khu vực, cáo buộc quân đội Mỹ thường xuyên can thiệp vào khu vực mà Mỹ không có tuyên bố chủ quyền.

Zhu Feng, giám đốc điều hành của Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu của Trung Quốc về vấn đề biển Hoa Nam, cũng là người đóng góp vào bản báo cáo về các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực, đã cảnh báo rằng khả năng đối đầu sẽ có thể tăng cao khi chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ nóng lên.

“Mỹ đã trói chặt Trung cộng với hai con bài chiến lược là biển Hoa Nam và Đài Loan,” Feng nói.

-------------------------------------
Nguồn: Bài của Steven Lee Myers trên The New York Times, người dịch đặt tựa.
, ,

No comments:

Post a Comment