Từ khi triển khai, Việt Nam liên tục rót thêm vốn vào dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Đến nay, phía nhà thầu tiếp tục kiến nghị được thanh toán 50 triệu USD, trong khi tuyến đường sắt này không biết bao giờ mới có thể lăn bánh?
Dự án... đòi tiền
Ông Trần Hải Đông, Trưởng đoàn kiểm toán dự án đường sắt trên cao (chuyên ngành 5 KTNN) cho biết, dự án được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư ban đầu tư 8.770 tỷ lên 18.000 tỷ đồng (tăng 9.231 tỷ đồng, tương đương trên 205%). Trong đó, vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng 4.134 tỷ đồng (198,43 triệu USD).
Nguyên nhân là do quá trình lập dự án chưa nghiên cứu kỹ so sánh kỹ thuật và lựa chọn dẫn đến trong quá trình thay đổi phương án, làm tăng chi phí; bổ sung khối lượng di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ra khỏi chỉ giới mặt bằng khu nhà ga; bàn giao mặt bằng chậm và tiến độ thực hiện kéo dài, dẫn đến chi phí nhân công vật liệu tăng cao.
Ngoài ra, trong quá trình lập phê duyệt dự án đầu tư vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, khi dự án tăng vốn thêm hơn 10.000 tỷ đồng, chủ đầu tư chưa báo cáo Chính phủ để xem xét báo cáo xin chủ trương của Quốc hội về vấn đề này, do liên quan đến vấn đề nợ công.
Thứ hai, khi phân tích tính kinh tế của dự án, chủ đầu tư chưa xem xét về chi phí vận hành vốn chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn khai thác, dẫn đến việc đánh giá về hiệu quả kinh tế không chính xác. Và thực tế ngay từ ban đầu đã báo lỗ. Thứ ba, tổng mức đầu tư điều chỉnh có một số chi phí thiết bị, đào tạo hay hạng mục khác cơ sở chưa đầy đủ, KTNN đã đề nghị bổ sung. Thứ tư, về việc phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư thì có bổ sung trả nợ gốc của phần vay lại của phần vay bổ sung, khi chưa có quyết định đã tăng thêm 400 tỷ đồng.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn hàng nghìn tỷ
Mới đây, báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải có đề cập đến nhiều dự án chậm tiến độ, điển hình là dự án Cát Linh - Hà Đông. Đáng chú ý, tổng thầu phía Trung Quốc đề nghị được chi trả số tiền 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao.
Theo lãnh đạo của Ban quản lý dự án đường sắt tại cuộc họp trực tuyến ngày 12/5 với ông Tiêu Vu Thái - Tổng Giám đốc Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (tổng thầu EPC của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông), ông Tiêu Vu Thái cho biết, hiện tại tổng thầu đang gặp khó khăn về nguồn vốn, đặc biệt là việc thanh toán cho các nhà sản xuất, nhà thầu phụ. Do đó, tổng thầu kiến nghị "Chủ đầu tư thanh toán cho tổng thầu 50 triệu USD trước khi thực hiện vận hành thử toàn hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao chính thức dự án".
Đây là giá trị đã hoàn thành mà tổng thầu đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị chủ đầu tư tiếp tục giải ngân thanh toán trong phần giá trị còn lại của hợp đồng EPC, không phải là chi phí phát sinh tăng thêm của hợp đồng. Hiện nay, Ban quản lý dự án đường sắt đã thanh toán cho tổng thầu hơn 14,7 nghìn tỷ đồng trong tổng số trên 15 nghìn tỷ đồng, đạt 81,9%.
Như vậy từ khi triển khai, Việt Nam liên tục rót thêm vốn vào dự án với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên thực tế hiệu quả thi công chưa cao, chậm tiến độ dẫn đến vốn đội thêm vốn.
Thực trạng tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Chưa hẹn ngày lăn bánh
UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất thành lập Tổ công tác để xây dựng kế hoạch, giải pháp hoàn thành những nhiệm vụ cuối cùng của dự án để sớm đưa tuyến Cát Linh - Hà Đông vào vận hành khai thác theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ (thông báo 2538-TB/TU-GTVT ngày 31/3/2020). Tuy nhiên sớm là bao giờ thì chưa biết.
Theo báo cáo của Chính phủ, dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành, nhưng chưa đủ điều kiện nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác, còn tồn tại một số các vướng mắc liên quan đến thiết bị công nghệ khu Depot, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống và thanh quyết toán....
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ khó khăn vướng mắc của gói thầu tư vấn giám sát, báo cáo. Cụ thể, hiện nay do Tổng thầu chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành nên Dự án chưa có cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện, dẫn đến gói thầu tư vấn giám sát chưa có cơ sở để cho phép kéo dài trong thời gian tới. Đồng thời do chưa làm rõ được nguyên nhân, trách nhiệm của bên làm chậm nên chưa bố trí được nguồn vốn cho gói thầu tư vấn giám sát.
Cơ sở vật chất xuống cấp nhưng không biết bao giờ dự án mới đi vào hoạt động
Đến thời điểm này vẫn chưa bố trí được vốn cho gói thầu tư vấn giám sát, chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành thì không biết tới bao giờ đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới đi vào hoạt động?
Mới đây, trong báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, cử tri Hà Nội bày tỏ sự quan tâm đặc biệt và cho rằng dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông và đường sắt đô thị tuyến Nhổn - Ga Hà Nội bị đội vốn rất nhiều và liên tục lùi thời gian hoàn thành, làm giảm hiệu quả đầu tư, gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội của đất nước.
Vì thế, cử tri nhiều quận, huyện của TP Hà Nội đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể đối với các dự án trên, tránh việc chỉ đổ lỗi cho tập thể và cho nhà thầu.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt năm 2008 với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là hơn 13.800 tỷ đồng (669,62 triệu USD).
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km, khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
Tuy nhiên, sau 8 lần điều chỉnh, vỡ tiến độ, đến nay dự án vẫn chưa đi vào hoạt động.
Theo thuonghieusanpham.vn Giao thông , Kinh tế , Tin trong nước
No comments:
Post a Comment