Cập nhật tin tức nóng hổi

Vụ án Hồ Duy Hải, phát ngôn của ông chánh án dưới góc nhìn của một luật sư, một công dân

Trước sự kiện vụ án Hồ Duy Hải “lan tỏa” đến nghị trường Quốc Hội tuần qua, có người hỏi tôi “Theo bạn thì vụ Hồ Duy Hải có oan không?”. Thú thực, tôi không liên quan hay có quyền gì để được tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ vụ án, chỉ nắm bắt thông tin báo chí, mạng xã hội (dĩ nhiên những thông tin rất nhiều và đa chiều), song lúc này với tư cách của người hành nghề luật, tôi không cho phép mình khẳng định Hồ Duy Hải oan hay không oan. Nhiệm vụ này thuộc về cơ quan có thẩm quyền và người có trách nhiệm, nhưng rõ ràng Ủy ban Tư pháp Quốc hội cần phải xem xét thận trọng lại toàn bộ hồ sơ vụ án này, phải làm công khai, triệt để mới giúp rộng đường dư luận, bảo vệ uy tín của nền tư pháp hiện nay.
Vụ án Hồ Duy Hải, phát ngôn của ông chánh án dưới góc nhìn của một luật sư, một công dân
Tôi vốn không hay nói về những gì tôi không biết, không liên quan và thông tin chưa được minh xác. Tuy nhiên, điều làm tôi suy nghĩ và trăn trở trong câu chuyện của Hồ Duy Hải bị kết án “giết người” lại chính là lời phát biểu của ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: “người ta sơ suất vứt con dao đi”. Câu nói này khiến tôi thấy thực sự lo sợ về thái độ thực thi pháp luật của người có thầm quyền trong hoạt động điều tra vụ án hình sự. Dù gì thì đây cũng là phát ngôn của người đứng đầu ngành Tòa án, ông đang là người đại biểu của nhân dân, và câu nói ấy được cất lên trong không gian nghiêm túc của một nghị trường quan trọng - nơi luôn bảo đảm những giá trị cốt lõi cho lập pháp, hành pháp và tư pháp của nước nhà; nên ở đó chắc chắn chứa đựng những suy nghĩ cẩn trọng, chín chắn và trách nhiệm của một con người trước phát ngôn thay mặt cho cử tri của mình.

Thực tế, pháp luật về tố tụng hình sự quy định rất chặt chẽ trình tự thủ tục chứng minh tội phạm trong giai đoạn điều tra. Đối với vụ án giết người, ngoài các chứng cứ khác được thu thập, thì công tác khám nghiệm hiện trường là đặc biệt quan trọng bởi ở đó cơ quan điều tra sẽ tìm ra dấu vết, vật chứng liên quan và thực hiện niêm phong để trưng cầu giám định nhằm chứng minh tội phạm thông qua bằng chứng khoa học, khách quan là kết luận giám định. Dù yếu kém đến mức nào về trình độ, nghiệp vụ thì khó có thể biện minh cho việc “người ta sơ suất vứt con dao đi”. Tôi nghĩ, chính do những vô lý, những sơ suất nghiêm trọng như lời ông Chánh án nói đã làm cho vụ án này được đẩy lên cao trào tìm kiếm dấu hiệu oan trong dư luận xã hội. Nếu vì sơ suất đó hay những sơ suất khác tương tự để dẫn đến việc bị cáo kêu oan thì âu cũng là lỗi của người tiến hành tố tụng và chúng ta nên thẳng thắn nhận trách nhiệm về lỗi vi phạm nghiêm trọng của mình.

Bất kỳ vụ án hình sự nào cũng cần duy trì các nguyên tắc tố tụng cơ bản trong đó có 03 nguyên tắc nghiêm ngặt, làm kim chỉ nam cho hoạt động tố tụng của người có thẩm quyền – đó là: “Bảo đảm pháp chế XHCN” (không làm trái luật), “Suy đoán vô tội” (chỉ có tội khi được chứng minh đúng luật, lỗi không được chứng minh đồng nghĩa với sự vô tội được chứng minh) và “Xác định sự thật vụ án” (trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc cơ quan tiến hành tố tụng và việc chứng minh phải bảo đảm khách quan, toàn diện, đầy đủ). Do đó, chỉ khi tiến hành tố tụng theo đúng quy định của pháp luật mới bảo vệ được uy tín nền tư pháp, bảo vệ thanh danh ngành xét xử, còn khi làm mà để “sơ suất” như vậy xảy ra thì không thể biện minh cho rằng “không nghiêm trọng” hay “không ảnh hưởng đến bản chất vụ án”. Nếu chúng ta nghiêm túc trước sinh mệnh một con người, sao lại cho mình quyền làm sai khác quy định của pháp luật? Điều đáng nói ở đây chính là thái độ của người tiến hành tố tụng đối với công vụ được giao và với số phận pháp lý của người bị tình nghi phạm tội.

Tôi tin nhân dân mạnh mẽ lên án những kẻ làm oan người vô tội, nhưng nhân dân cũng biết căm thù những kẻ gây tội ác (đặc biệt đối với kẻ giết người thì không ai có thể tung hô được) nên chúng ta cần sự công bằng, khách quan, trung thực trong câu chuyện của Hồ Duy Hải để mọi trắng – đen, đúng -sai, phải – trái …đều được sáng tỏ.

Sống trong thời cuộc này, nên bỏ tư duy cũ mèm không dám nhận lỗi mà chỉ nại ra những lý do kiểu “thế lực thù địch chống phá”, người này, người kia kích động….vì nói thật ra, chúng ta làm đúng pháp luật, sống đúng đạo lý con người thì chẳng ai chống phá hay làm gì được cả, bùn có dưới chân nhưng nắng vẫn trên đầu! Thêm nữa, tư duy về sinh mệnh con người cũng nên thay đổi. Ai đó cho rằng đừng vì một vài vụ án oan, án sai “lẻ tẻ” mà đánh giá nền tư pháp xuống cấp, ngành tòa án mất uy tín, thế nhưng người ta có biết nền tư pháp của một nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ dù chỉ 01 con người nếu con người đó là công dân của nhà nước đẻ ra nền tư pháp ấy? Đâu rồi cái khẩu hiệu nhân bản: “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”? Không lẽ trong dân ấy không có những “lẻ tẻ” như Nguyễn Minh Hùng, Phan Văn Lá, Hà Ngọc Bích, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Trần Văn Thêm, Lương Ngọc Phi…?

Không phải án oan, sai chỉ có ở Việt Nam mà trên thế giới, vẫn tồn tại những vụ án oan, sai nhưng quan trọng là ở cách đối xử của người có quyền lực trong mỗi vụ án ở từng quốc gia. Vì vậy, cái quan trọng là khi làm sai thì phải nhận lỗi để giữ vững uy tín cho nghề, cho ngành, cho đất nước chứ không thể bao biện bởi những điều suy diễn, mang tính chủ quan của cá nhân vì sợ trách nhiệm. Nhân danh nhà nước là nhân danh tính “chính dân”, nên những giá trị cốt lõi như sự tuân thủ pháp luật và bảo đảm quyền con người cần phải được đề cao.

Ai cũng có kiếp nhân sinh, mạng người nào cũng quý, không thể coi một vài bị án được minh oan trong những năm qua chỉ là “lẻ tẻ”, không đáng kể gì với thành tích của nền tư pháp đạt được; mà hơn hết, cần hiểu rằng trong một nhà nước pháp quyền dù chỉ một người vô tội được minh oan thì đó là chính bằng chứng khách quan sáng ngời nhất chứng minh nơi đó luôn bảo đảm quyền con người và có sự tiến bộ xã hội.

(Chat với ngày thứ Bẩy 20/6/2020 - Ls Trần Hồng Phúc) , ,

No comments:

Post a Comment